(ĐSPL) - Năm 2016 đã khép lại với rất nhiều sự kiện chính trị trên chính trường quốc tế, ghi dấu cả những thành công, thất bại của các chính trị gia, nguyên thủ quốc gia. Tạp chí Time đã bầu chọn 100 người ảnh hưởng nhất thế giới năm qua và dưới đây là những nhân vật đáng chú ý.
1. Tổng thống Nga Putin: "Chúng tôi cần những người bạn"
Năm 2016 khép lại, ghi dấu những thành công không nhỏ của Nga. Mặc dù nền kinh tế Nga năm qua chịu ảnh hưởng từ giá dầu thấp và sự trừng phạt của phương Tây, tuy nhiên, nước này vẫn đạt được những thành tựu đáng kể trong kinh tế: Tình hình lạm phát suy giảm xuống dưới mức 6% vào cuối năm (Đây là một sự cải thiện rất đáng ghi nhận từ mức 12% trong thời gian trước đó); Xuất khẩu nông nghiệp tăng ngoạn mục; công nghệ thông tin cũng đã thu được 7 tỷ USD (trong khi 10 năm trước đó ngành này vẫn chỉ là con số 0)... Những thành công này bắt đầu từ sự chèo lái tài tình của Tổng thống Vladimir Putin để đưa nước Nga ra khỏi những khó khăn, thách thức lớn.
Năm 2016 ghi dấu những thành công không nhỏ của Tổng thống Nga Putin. |
Về ngoại giao, Tổng thống Putin cũng đã thể hiện những chính sách mềm dẻo, linh hoạt. Trong Thông điệp Liên bang 2016, Tổng thống Nga, Vladimir Putin đã kêu gọi thời kỳ hợp tác với Mỹ dưới thời của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Nếu trong những bài phát biểu trước, ông thường chỉ trích phương Tây, đặc biệt là Mỹ thì trong Thông điệp Liên bang 2016, ông nhấn mạnh Nga mong muốn kết bạn chứ không phải là kẻ thù: “Chúng tôi không đang tìm kiếm và không bao giờ tìm kiếm kẻ thù. Chúng tôi cần những người bạn”.
Cũng trong thông điệp gửi tới các quan chức chính phủ, các nghị sĩ và những quan chức cấp cao của điện Kremlin, ông Putin nhận định Nga và Mỹ “có trách nhiệm chung trong việc duy trì an ninh và ổn định quốc tế” và rằng mối quan hệ tốt giữa hai bên sẽ mang tới lợi ích cho toàn thế giới. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới của Mỹ”, Tổng thống Putin nhấn mạnh trong thông điệp vào ngày 1/12. “Điều quan trọng là bình thường hóa và phát triển mối quan hệ song phương của chúng ta trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Chúng ta chia sẻ trách nhiệm để đảm bảo sự ổn định và an ninh toàn cầu”, ông Putin cho hay. Người đứng đầu điện Kremlin cũng cho biết, Nga sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của nước này, nhưng không có ý định tham gia vào bất kỳ cuộc đối đầu địa chính trị nào.
Với người dân Nga, Tổng thống Putin luôn là nhà lãnh đạo rất được lòng dân và thành tựu chính mà ông mang lại cho Nga là đã củng cố vị thế quốc tế cho đất nước, nâng cao khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang và thiết lập trật tự trong nước, duy trì tình hình chính trị ổn định. Đa số người dân Nga đánh giá tích cực công việc của Tổng thống Putin về việc thực hiện lời hứa trước bầu cử và gần 3/4 người dân Nga sẵn sàng ủng hộ ông trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tới. Khoảng một nửa số người được hỏi (47%) tin rằng hầu hết những gì ông Putin nói trước bầu cử đã được thực hiện. Và theo tờ Washington Post, kết quả khảo sát của trung tâm Điều tra độc lập Levada (có trụ sở ở Moscow) được công bố hồi giữa năm 2016 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở mức cao kỷ lục 89%.
2. "Một tổng thống như ông Obama thật hiếm"
Là người đứng đầu siêu cường kinh tế, văn hóa số một toàn cầu và là chỉ huy lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới suốt 8 năm, Tổng thống thứ 44 của Mỹ đã để lại những dấu ấn đáng nể cho không chỉ nước Mỹ mà còn mang đến tầm ảnh hưởng toàn cầu. Đối với Mỹ, thành tựu lớn nhất của ông trong suốt hai nhiệm kỳ là cứu nền kinh tế đất nước từ cuộc đại khủng hoảng năm 2008. Trong năm cuối cùng ở cương vị ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã để lại cho người Mỹ những chỉ số đáng mơ: Tỉ lệ thất nghiệp rơi xuống dưới 5% (trong khi năm 2009 là 10%), chỉ số tăng trưởng trở lại với tỷ lệ trên dưới 3%; thâm hụt ngân sách Nhà nước giảm xuống còn 3,8% (đang từ 9,8% GDP năm 2009); chỉ số chứng khoán Dow Jones và NASDAQ theo thứ tự đã được nhân lên gấp 2 và gấp 3 lần.
Tổng thống Obama đã để lại những dấu ấn đáng nể cho nước Mỹ và thế giới. |
Về mặt xã hội, ông Obama đi vào lịch sử Mỹ nhờ đạo luật được biết dưới cái tên “Obamacare”, với ý tưởng Nhà nước trợ cấp cho thành phần nghèo khó nhất để mọi người đều được chăm sóc khi đau ốm. Tuy nhiên, đạo luật này cũng gây nhiều ý kiến trái chiều, người ủng hộ thì cho rằng đây là một “tiến bộ lớn về mặt xã hội”. Ngược lại, phe chống đối thì xem đạo luật này là một chương trình quá tốn kém song không hiệu quả. Tính đến cuối năm 2015, mới chỉ có 20 triệu trên tổng số 320 triệu dân Mỹ đóng bảo hiểm y tế trong khuôn khổ Obamacare.
Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama đã để lại không ít dấu ấn trong ngoại giao như đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran mà theo đó Iran cam kết không chế tạo vũ khí hạt nhân, đổi lại Mỹ sẽ gỡ bỏ lệnh cấm vận; đạt được Quyền đàm phán nhanh của Quốc hội để tiến tới việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và là người đóng vai trò then chốt trong việc Mỹ ký kết hiệp định TPP với các nước trong khu vực Thái Bình Dương mở ra nhiều triển vọng trong việc hợp tác về mặt kinh tế, giao thương, đầu tư cũng như luật pháp giữa các nước thành viên. Năm 2016, ông đã có chuyến công du ba ngày tại Việt Nam với nhiều hoạt động quan trọng. Ông cũng đã thúc đẩy thành công trong việc bình thường hoá quan hệ với Cuba sau hơn 54 năm cựu thù. Với chuyến thăm kéo dài hai ngày đến Havana (Cuba) trong tháng 3/2016, ông Obama đã trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm đất nước này kể từ năm 1928.
Dù trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông vẫn còn có nhiều vấn đề chưa giải quyết được như vấn đề Lybia và nợ công kỷ lục nhưng với người dân Mỹ, ông vẫn là vị Tổng thống hết lòng vì đất nước. Tổng biên tập của tạp chí GQ, Jim Nelson từng nhận định: Dù điều gì xảy ra tiếp theo, người Mỹ sau này cũng sẽ nhìn lại lịch sử và cùng nhau thừa nhận rằng: Một Tổng thống như Obama thật hiếm. Và ta thật quá may mắn khi có ông.
3. "Người đàn bà thép": Thủ tướng Đức Angela Merkel
Bà Angela Merkel tiếp tục giữ vị trí thứ nhất trong bảng danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2016. |
Trong bảng danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2016 do tạp chí Forbes công bố, bà Angela Merkel tiếp tục giữ vị trí thứ nhất. Đây là lần thứ 6 liên tiếp bà Merkel xếp đầu bảng. Lý do khiến người phụ nữ này luôn đứng đầu bảng quyền lực là bởi bà là vị lãnh đạo có thể đương đầu với những thử thách về kinh tế lẫn chính trị của Liên minh châu Âu. Bà đã thuyết phục thành công các nước có tình hình kinh tế khó khăn trong EU như Hy Lạp và Tây Ban Nha học tập theo Đức, bên cạnh đó là thuyết phục người dân Đức tin vào giải pháp của bà. Và minh chứng là EU trong năm 2016 vẫn là một liên minh vững vàng.
Đối với người dân Đức, bà Angela Merkel đã mang đến rất nhiều giá trị sống đáng nể. Về kinh tế, bà đã góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh bằng các chương trình làm việc ngắn hạn. Và người dân nước này cũng được hưởng nhiều lợi ích từ các gói phúc lợi xã hội và cải cách kinh tế. Thuế thu nhập cao từ các hoạt động kinh tế bền vững cho phép Đức cân bằng ngân sách.
Tuy nhiên, năm 2016 cũng được đánh giá là năm Thủ tướng Angela Merkel phải đối mặt với thách thức chính trị khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình khi chính sách đón nhận người tị nạn của bà trước đó đã đẩy nỗi sợ hãi khủng bố của người dân Đức dâng cao. Nỗi bất an bao trùm trên khắp cả nước Đức kể từ khi bà Angela Merkel quyết định mở cửa biên giới, đón nhận hơn 1 triệu người tị nạn vào mùa hè năm ngoái. Dù bà Merkel một mực khẳng định Chính phủ Đức "sẽ quản lý được" cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tuy nhiên, những lời cam kết của bà chưa đủ để trấn an người dân khi mà nước này vẫn đang phải đối đầu với nhiều vấn đề phát sinh do dòng người nhập cư gây nên.
Nữ Thủ tướng Đức mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục tham gia tranh cử vào năm 2017. Cho đến thời điểm này, theo đánh giá, bà vẫn chưa có một đối thủ nào ngang sức, kể cả trong chính đảng của mình cũng như từ các đảng khác. Còn Herfried Muenkler, Giáo sư đại học Humboldt tại Berlin từng nói rằng cách đây chục năm, không ai có thể dự đoán được bà Angela Merkel sẽ nắm quyền lâu đến như vậy. "Trong tình hình hiện nay, tôi không thấy ai có ý định chống lại Merkel", ông Herfried Muenkler nói.
4. Tổng thống Pháp Francois Hollande - người "sưởi ấm châu Âu"
Tổng thống Pháp Francois Hollande năm 2016 đã đưa tỷ lệ thất nghiệp ở nước này giảm. |
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Francois Hollande, nước Pháp dần cải thiện và khởi sắc với những kết quả được thể hiện qua số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) như kinh tế trên đà tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp giảm 1,7%. Chính quyền đương nhiệm cũng để lại dấu ấn qua thương vụ kinh tế lịch sử đó là Pháp giành được hợp đồng đóng tàu ngầm cho Australia. Và Tổng thống Francois Hollande cũng nỗ lực đẩy mạnh các cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, sửa đổi các bộ luật nhằm kích hoạt nền kinh tế.
Khi mà châu Âu và Liên minh châu Âu đang đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng cả về kinh tế lẫn lòng tin, đe dọa đẩy “lục địa già” vào một thời kỳ đen tối nhất, Tổng thống Hollande đã là một trong những nhà lãnh đạo châu Âu luôn thể hiện niềm tin vào sự hợp tác của các nước trong khu vực. Tổng thống luôn nhận lấy trách nhiệm “sưởi ấm châu Âu” bằng những biện pháp ngoại giao, thúc đẩy mối quan hệ gắn bó và hợp tác giữa các nước. Tổng thống Hollande cũng là người luôn đề cao và đưa ra các giải pháp phòng tránh các mối đe dọa của lực lượng khủng bố thánh chiến ở trong nước cũng như khu vực.
Dù cho nước Pháp vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như sức cạnh tranh sa sút, tăng trưởng kinh tế chưa thật ấn tượng, thậm chí nước Pháp bị tụt lại phía sau so với các nước khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhưng trong năm qua ông vẫn là một nhà lãnh đạo thế giới tuyệt vời.
5. Chiến thắng của ông Donald Trump đến từ những sự "khác lạ"
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đã đưa người dân nước Mỹ cũng như thế giới đi hết bất ngờ này sang bất ngờ khác khi ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng. Bởi trước đó, hầu hết mọi người, từ giới truyền thông cho đến các cử tri đều dự đoán ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng. Trong suốt cuộc tranh cử, ông Trump đã có những lời nói, hành động khác lạ nên trở thành tâm điểm tranh cãi và thường xuyên nhận những lời công kích hướng về phía mình - cá tính đặc biệt mà theo tờ New York Times mô tả là "chưa từng có" ở một chính trị gia.
Tuy nhiên, chiến thắng của ông cũng đến từ những sự “khác lạ” đó. Cá tính đặc biệt cùng quan điểm chính trị quyết đoán, thẳng thắn - chiến dịch tranh cử của ông thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông nhiều hơn tất cả các ứng viên khác khi đó. Tờ The Week nhận xét, chiến dịch tranh cử của Trump dựa trên nền tảng chủ nghĩa đại chúng, bởi vậy những chính sách và lời hứa hẹn của ông nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của tầng lớp cử tri lao động, những người bất mãn vì mất việc làm và những thay đổi về sắc tộc, tôn giáo đang diễn ra trên đất Mỹ.
Ông Donald Trump nổi tiếng với khẩu hiệu: “Làm cho nước Mỹ vĩ đại thêm lần nữa". |
Theo New York Times, sở dĩ ông Trump thu hút được sự ủng hộ lớn một cách bất ngờ là vì một lý do rất đơn giản - ứng viên đảng Cộng hòa là một người "có sao nói vậy". Trong các chiến dịch vận động của mình, ông Trump thường xoáy sâu vào mâu thuẫn nội tại sâu sắc của nước Mỹ trong đó có vấn đề khủng bố, người nhập cư, kinh tế suy giảm, bạo lực, vị thế sút giảm của nước Mỹ và thẳng thắn chỉ trích chính phủ hiện tại chỉ biết dùng những lời hoa mỹ mà không dám nhìn thẳng vào những vấn đề này. Ông Trump cũng khẳng định những ưu tiên hàng đầu của mình là phục hưng vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế, điều mà nhiều người Mỹ cho rằng đã bị những nhà lãnh đạo trước đó "phá hỏng".
Ông Trump cũng cho thấy mình sẽ là một người cứng rắn trong mối quan hệ với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề thương mại. Ông cũng khiến nước Mỹ rúng động với những tuyên bố hướng tới mối quan hệ thân tình với Nga và nói rằng có thể sẽ bỏ mặc các đồng minh NATO nếu họ không mang lại lợi ích cho liên minh. Và khẩu hiệu tranh cử "làm cho nước Mỹ vĩ đại thêm lần nữa" đã làm nên chiến thắng lịch sử cho ông.
Không chỉ trong cuộc tranh cử, ngay sau khi đắc cử Tổng thống, ông cũng gây nhiều bất ngờ với những hành động mà các đời Tổng thống Mỹ trước đó chưa từng làm như điện đàm với lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc), bà Thái Anh Văn. Ông là Tổng thống hay Tổng thống đắc cử Mỹ đầu tiên điện đàm cho lãnh đạo Đài Loan suốt 37 năm qua, kể từ sau khi Mỹ công nhận chính sách “Một Trung Quốc”.
ĐÀO VŨ
(Theo New York Times, Time)