Tin tức quân sự mới nóng nhất 24h qua. Cập nhật tin tức quân sự mới nhất ngày 3/8 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Xe tăng T-72 của Nga bốc cháy khi tập trận
Xe tăng T-72 của Nga bốc cháy. Ảnh cắt từ clip |
Chiếc xe tăng bốc cháy vào ngày 19/7 nhưng đến nay mới được công bố. Vào thời điểm xảy ra vụ cháy, đơn vị sở hữu xe tăng đang tham gia vào cuộc tập trận bắn đạn thật tại sân tập ở phía nam đất nước.
Nga chưa công bố thông tin cụ thể về chiếc xe tăng bốc cháy, nhưng dựa vào những hình ảnh trong đoạn video có thể thấy đây là chiếc xe tăng T-72B3M - phiên bản nâng cấp với nhiều trang bị mới.
Theo lệnh của Tổng Tư lệnh tối cao quân đội Nga - Tổng thống Vladimir Putin. những cuộc tập trận kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh lính ở Quân khu phía Nam và phía Tây, lực lượng lính thủy đánh bộ của Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương cùng một số đơn vị trực đổ bộ đường không đã được tổ chức từ ngày 17 - 21 tháng 7/2020.
Quân đội Nga sẽ được trang bị xe bọc thép tối tân Typhoon VDV vào năm 2021
Xe thiết giáp tối tân Typhoon-VDV của quân đội Nga. Ảnh: AP |
Theo Izvestia, Lực lượng trinh sát và đặc nhiệm là những đơn vị đầu tiên trong Lực lượng lính dù của Nga được trang bị loại xe thiết giáp tối tân Typhoon-VDV.
Trước đó, theo kế hoạch việc thử nghiệm loại xe này lẽ ra đã hoàn thành vào cuối năm 2019, nhưng vào tháng 5 năm nay Bộ Quốc phòng Nga cho biết quá trình này vẫn đang tiếp tục.
Với tính năng cơ động cao, hỏa lực mạnh, bọc giáp tốt, K-4386 (Typhoon VDV) được coi là “Hoàng tử đổ bộ đường không” của quân đội Nga.K4386 (Typhoon-VDV) là sản phẩm mới nhất được phát triển bởi công ty Kamaz cho lực lượng đổ bộ đường không Nga. Typhoon VDV được bọc thép cấp 3 STANAG 4569, tức là đủ sức chống lại các loại đạn xuyên giáp cỡ 7.62mm ở khoảng cách 30m. Nó có thể chịu được một vụ nổ của 6-8kg thuốc nổ mạnh ở dưới gầm xe.
Pháp và Đức muốn độc lập với Mỹ về vũ khí
Một máy bay chiến đấu của Đức. Ảnh: Reuters |
RT đưa tin hôm 2/8, Pháp và Đức hiện muốn cắt giảm sự phụ thuộc công nghệ của mình vào Mỹ, đồng thời thúc đẩy sản xuất các sản phẩm quân sự của chính họ.
Các công ty sản xuất vũ khí quân sự ở Đức và Pháp đang cố gắng loại bỏ các công nghệ của Mỹ trong chế tạo trực thăng, đồng thời nghiên cứu tự chế tạo một loại súng trường tấn công mới cho Lực lượng Vũ trang Đức (Bundeswehr), cũng như một loại máy bay chiến đấu mới được phát triển theo chương trình Hệ thống Không quân Tương lai (FCAS).
Lý do đằng sau quyết định này của Pháp và Đức là vì hai nước muốn bảo vệ các thông tin nhạy cảm của họ không lọt vào tay Mỹ.
Hơn nữa, họ cũng lo ngại rằng Washington sẽ có quyền kiểm soát tất cả các thiết bị sử dụng công nghệ của mình theo Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR), và thông qua đó có quyền ngừng cung cấp vũ khí cho Paris và Berlin.
Mộc Miên (T/h)