Chiến hạm Đức bắn nhầm UAV trinh sát Mỹ trên Biển Đỏ
VietNamNet dẫn nguồn từ The War Zone đưa tin, trong ngày 28/2, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức Michael Stempfle đã thông báo về việc một chiến hạm của nước này suýt nữa bắn trúng máy bay không người lái (UAV) của Mỹ.
Cụ thể, vụ việc xảy ra khi tàu hộ vệ tên lửa Hessen của Đức đang làm nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đỏ, và phát hiện ra một máy bay không người lái khả nghi trong tầm quan sát của radar.
Tàu Hessen đã liên lạc với các quốc gia đồng minh để xác định danh tính của UAV, nhưng không nhận được hồi âm. Ngay sau đó, chiến hạm của Đức đã phóng 2 tên lửa phòng không SM-2 về phía mục tiêu, nhưng cả 2 tên lửa đều không trúng đích và rơi xuống biển.
"Vụ việc kết thúc khi chúng tôi xác nhận được đó không phải là UAV của lực lượng đối địch", ông Stempfle nói. Tuy Bộ Quốc phòng Đức không nêu rõ quốc gia vận hành UAV kể trên, nhưng truyền thông nước này nói rằng đó là UAV trinh sát Mỹ MQ-9 Reaper.
Bên cạnh đó, 2 tên lửa SM-2 không đánh trúng mục tiêu là do "trục trặc kỹ thuật", dù mỗi tên lửa kiểu này có giá từ 1,2-2 triệu USD.Sau sự cố kể trên, tàu hộ vệ Hessen đã sử dụng pháo tự động và tên lửa tầm ngắn để đánh chặn thành công 2 UAV của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ.
Việc phải sử dụng pháo tự động cho thấy các phương tiện của Houthi đã tiến tới khá gần tàu chiến của Đức. Quân đội Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận chính thức nào về thông báo của Bộ Quốc phòng Đức.
Singapore mua thêm tiêm kích tàng hình F-35
VnExpress đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen mới thông báo trong buổi tranh luận về ngân sách tại quốc hội rằng 8 tiêm kích F-35A sẽ được bàn giao cho Singapore vào khoảng năm 2030.
"F-35A được thiết kế với khả năng hoạt động lâu hơn và tải trọng lớn hơn. Chúng sẽ bổ sung cho năng lực cất hạ cánh thẳng đứng của dòng F-35B, giúp gia tăng sự linh hoạt cho hoạt động tác chiến của không quân", Bộ trưởng Quốc phòng Singapore nói.
Singapore trước đó đặt mua 4 tiêm kích F-35B vào năm 2020 và thêm 8 chiếc nữa vào năm ngoái, dự kiến được bàn giao lần lượt vào năm 2026 và 2028. Thương vụ mua 8 chiếc F-35A sẽ giúp không quân Singapore sở hữu tổng cộng 20 tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ.
Bộ trưởng Ng Eng Hen không tiết lộ chi phí thương vụ F-35A, song cho biết dòng chiến đấu cơ này hiện có mức giá cạnh tranh, trong bối cảnh nó đang được đặt hàng với số lượng lớn trên toàn cầu. Ông nhấn mạnh Singapore sẽ sở hữu lực lượng không quân "hàng đầu" thế giới sau khi đưa số F-35 trên vào biên chế.
Thương vụ F-35A là một phần trong kế hoạch dài hơi của Singapore nhằm tăng cường đầu tư vào lực lượng vũ trang. Chi tiêu quốc phòng của nước này sẽ đạt 15 tỷ USD trong năm tài chính 2024/2025, tăng 2,5% so với năm ngoái và tương đương 3% GDP. Singapore dự kiến duy trì mức chi tiêu ở mức độ này trong một thập kỷ tới.
Khi công bố kế hoạch mua 4 chiếc F-35B đầu tiên hồi năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore lưu ý rằng khả năng hoạt động ở xa các căn cứ không quân của dòng tiêm kích này là "yếu tố quan trọng với đất nước có diện tích đất liền hạn chế như Singapore".
Nước này dự kiến đóng cửa bớt một căn cứ không quân ở khu vực Paya Lebar vào thập niên 2030, nên năng lực cất cánh linh hoạt của dòng F-35B càng trở nên giá trị hơn. Trong khi đó, tiêm kích F-35A có thể cất cánh từ đường cao tốc trong trường hợp cần thiết. Biến thể này cũng có giá rẻ và dễ vận hành hơn, tải trọng vũ khí và bán kính chiến đấu lớn hơn so với dòng F-35B.
Phương Uyên(T/h)