Ấn Độ điều gấp tên lửa S-400 lên biên giới
Ấn Độ đã triển khai trung đoàn tên lửa S-400 đầu tiên đến Punjab. Đây là trung đoàn tên lửa phòng không S-400 “Triumph” vừa được Nga chuyển giao cho quân đội Ấn Độ trong tháng 11 vừa qua, chúng lập tức được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu chỉ sau một tháng.
Trung đoàn tên lửa trên đã được triển khai đến vùng biên giới phía tây Ấn Độ, cụ thể hơn là bang Punjab. Các hệ thống S-400 tiếp theo sẽ được bố trí xung quanh đường kiểm soát thực tế (LOC) chạy dọc tuyến biên giới giáp với Pakistan.
Không quân Ấn Độ cho biết, việc triển khai S-400 đến Punjab sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng không của nước này dọc theo vùng biên giới phía Tây.
Ukraine nghi ngờ Nga đang chuẩn bị cho cuộc chiến hạt nhân toàn diện
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 22/12, Chủ tịch Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine là ông Ruslan Stefanchuk nghi ngờ về những tín hiệu cho thấy Nga có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân tổng lực nhằm vào Ukraine.
Theo ông Stefanchuk, “tính tới năm 1991, Ukraine là quốc gia có năng lực hạt nhân đứng hàng thứ 3 trên thế giới”, do quốc gia này kế thừa kho đầu đạn hạt nhân số lượng lớn kể từ khi Liên Xô cũ sụp đổ.
Ông Stefanchuk khẳng định chính Kiev “đã tình nguyện từ bỏ để trở thành quốc gia phi hạt nhân” chỉ sau vài năm. Song ông Stefanchuk nghi ngờ, “nếu Ukraine tiếp tục phát triển theo đường lối dân chủ, Nga có thể sẽ tấn công hạt nhân vào quốc gia láng giềng”.
Kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ giảm mạnh trong tài khóa 2021
Ngày 22/12, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo về hoạt động xuất khẩu trang thiết bị, khí tài quân sự của nước này trong tài khóa 2021, kết thúc ngày 30/9 vừa qua.
Báo cáo cho biết doanh số xuất khẩu các mặt hàng quân sự của Mỹ trong tài khóa 2021 đã giảm 21%, đạt doanh thu 138 tỷ USD, nguyên nhân là chính quyền của Tổng thống Joe Biden điều chỉnh một số quy định về xuất khẩu vũ khí.
Có 2 phương thức hợp pháp để các chính phủ nước ngoài mua vũ khí của các công ty Mỹ, bao gồm trao đổi hợp đồng mua bán trực tiếp với công ty hoặc liên hệ qua Đại sứ quán Mỹ tại nước đó. Các hợp đồng mua bán khí tài quân sự theo cả hai phương thức này đều cần có sự phê chuẩn của chính phủ Mỹ.
Mộc Miên (T/h)