Nga có thể đào tạo 260.000 tân binh mỗi năm
"Nếu không bị gián đoạn, mỗi 6 tháng, Nga có khả năng huấn luyện khoảng 130.000 binh sĩ thành các đơn vị và đội hình gắn kết, sẵn sàng tiến hành các chiến dịch", báo Dân trí dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Estonia kết luận trong một báo cáo được công bố gần đây trong tháng 12.
Như vậy, Nga có thể huấn luyện đầy đủ 260.000 tân binh Nga mỗi năm để duy trì lực lượng triển khai khoảng 420.000 quân tại Ukraine. "(Nga) có thể huy động số binh sĩ bổ sung và đưa họ vào Ukraine làm lực lượng thay thế chưa qua huấn luyện, nhưng những binh sĩ này không mang lại sức mạnh chiến đấu hiệu quả", Bộ Quốc phòng Estonia ước tính trong báo cáo.
Báo cáo cho rằng Kiev nên gây ra tổn thất cho Moscow lớn đến mức hệ thống đào tạo của Nga phải tăng sản lượng bằng cách tăng tốc quá trình đào tạo cơ bản. Nguyên nhân là vì tân binh hoặc lính nghĩa vụ càng được huấn luyện ít thì càng có ít giá trị trên chiến trường và càng có nhiều khả năng bị thương vong, từ đó khiến cơ sở huấn luyện phải tăng tốc độ hơn nữa.
Theo Bộ Quốc phòng Estonia, việc loại khỏi vòng chiến đấu ít nhất 100.000 lính Nga vào năm 2024 có thể làm giảm đầu ra của cơ sở huấn luyện Nga xuống chỉ còn 80.000 tân binh được đào tạo đầy đủ mỗi năm. Vòng lặp này có thể là con đường trực tiếp nhất dẫn đến "chiến thắng" của Ukraine, báo cáo nhận định.
Ở chiều ngược lại, quân đội Ukraine phải thực hiện mục tiêu trên trong lúc giảm thương vong của mình. "Quân đội Ukraine đã mở rộng từ 150.000 lính bộ binh lên hơn 700.000 vào năm 2022", báo cáo chỉ ra. Nhưng lực lượng Ukraine cũng đã phải chịu gần 200.000 người thương vong - bao gồm chết và bị thương - trong 22 tháng chiến sự.
Đức lần đầu đóng quân thường trực ở nước ngoài sau gần 80 năm
VnExpress dẫn nguồn tin từ hãng tin Reuters cho biết, Đức đã ký thỏa thuận triển khai 4.800 quân đồn trú ở Litva, đánh dấu lần đầu tiên đóng quân thường trực ở nước ngoài từ sau Thế chiến II.
Thỏa thuận được ký hôm 18/12 tại thủ đô Vilnius của Litva giữa Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và người đồng cấp nước chủ nhà Arvydas Anusauskas. Đức sẽ bắt đầu điều một phần lữ đoàn gồm 4.800 binh sĩ tới đồn trú ở Litva từ năm 2024, phần lớn sẽ đến trong hai năm tiếp theo và đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào năm 2027. Litva cam kết cung cấp mọi cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự cần thiết cho lính Đức và thân nhân của họ.
Thỏa thuận được công bố lần đầu hồi tháng 6, song lúc đó hai bên chưa tiết lộ mốc thời gian cụ thể. Bộ trưởng Anusauskas ca ngợi đây là "bước tiến lịch sử" trong quan hệ Litva - Đức, giúp gia tăng đáng kể tiềm năng phòng vệ của Vilnius, cũng như tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà hai nước đều là thành viên.
Bộ trưởng Pistorius cho rằng việc Đức triển khai quân thường trực tới Litva là bước đi tích cực trong quan hệ quốc phòng, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài. "Đức hiểu rõ tình hình chính trị, an ninh mới và đang thể hiện vai trò lãnh đạo, cũng như thực hiện trách nhiệm của mình khi triển khai một lữ đoàn tới Litva", ông Pistorius cho biết, thêm rằng động thái này là lời cảnh báo đối với những ai đang "đe dọa hòa bình và an ninh ở châu Âu".
Litva có đường biên giáp với vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga, cũng là nơi đặt tổng hành dinh Hạm đội Baltic của hải quân Nga. Nước này cũng tiếp giáp Belarus, đồng minh của Moscow. Litva bày tỏ lo ngại về an ninh của mình sau khi Nga mở chiến dịch tại Ukraine cuối tháng 2 năm ngoái.
Theo thỏa thuận, lữ đoàn Đức sẽ đóng quân ở thị trấn Rukla tại thành phố Kaunas và thao trường Rudninkai gần thủ đô Vilnius. Các địa điểm này rất gần "Hàng lang Suwałki", tuyến liên kết trên bộ duy nhất giữa ba nước vùng Baltic, gồm Litva, Latvia và Estonia, với phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU).
Phương Uyên(T/h)