Lực lượng Nga và Syria thực hiện 130 cuộc không kích
Máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng của Nga đã liên tiếp thực hiện các cuộc không kích dữ dội vào vùng nông thôn của Homs và Hama trên sa mạc Syria.
Các nhà hoạt động của Đài quan sát Syria đã ghi nhận hơn 100 cuộc không kích trong 48 giờ qua của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Máy bay chiến đấu của Syria cũng đã tham gia.
Năm máy bay thuộc lực lượng quân chính phủ đã thực hiện hơn 15 cuộc không kích khác nhau vào các vùng nông thôn phía đông của Homs, trong khi máy báy trực thăng thả 16 quả bom thùng.
Theo số liệu từ Đài quan sát Syria, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga và quân chính phủ Syria đã thực hiện ít nhất 130 cuộc không kích trong 48 giờ qua.
Israel không kích các cơ sở quân sự ở Dải Gaza
Các nguồn tin an ninh Palestine cho biết các máy bay chiến đấu của Israel ngày 17/6 đã không kích một số cơ sở quân sự của Lữ đoàn al-Qassam, một nhánh của phong trào Hồi giáo Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza.
Theo các nhân chứng, có nhiều tiếng nổ ở khu vực phía Bắc và phía Nam Gaza sau khi các máy bay chiến đấu của Israel không kích các cơ sở quân sự của Hamas.
Vụ không kích gây hư hại nghiêm trọng các cơ sở quân sự này, nhưng không có báo cáo thương vong.
Truyền thông Israel đưa tin các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở quân sự của Hamas được tiến hành sau khi các vụ thả bóng bay gây cháy từ Gaza sang miền Nam Israel diễn ra trong 3 ngày liên tiếp.
Hé lộ những hình ảnh mới nhất về tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc
Những hình ảnh mới nhất về tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, được thu thập từ mạng xã hội Trung Quốc và được Andreas Rupprecht, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc, đăng trên Twitter, đã hé lộ những gì đã được mong đợi từ lâu về con tàu mới này. Thậm chí đã có một số bức ảnh chụp cận cảnh con tàu sân bay mới.
Ông Matthew Funaiole, một thành viên cấp cao và là chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã xem xét hình ảnh vệ tinh về việc đóng tàu sân bay tại Giang Nam.
Con tàu này lớn hơn đáng kể so với hai tàu sân bay đầu tiên là Sơn Đông và Liêu Ninh, mang lại cho Trung Quốc khả năng trang bị một phi đội lớn hơn và đa dạng hơn, một bước đi cần thiết khi Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại có thể triển khai sức mạnh ra xa bờ biển của mình.
"Họ vẫn chưa đưa đài chỉ huy vào vị trí cũ. Họ vẫn đang làm việc trên sàn đáp. Vẫn còn khá nhiều việc phải làm", ông nói với Insider.
Mộc Miên (T/h)