Tại phiên tòa xét xử băng nhóm bảo kê bến xe miền Đông, trùm giang hồ Tý "điên" và đồng bọn đã lên tiếng kêu oan, tố bị điều tra viên đánh đập, ép cung nên mới nhận tội.
Báo Dân trí đưa tin, ngày 12/7, TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử băng nhóm giang hồ do Nguyễn Trọng Ngôn (còn gọi là Tý “điên”, sinh năm 1974, ngụ quận Bình Thạnh) cầm đầu cùng về tội Cố ý gây thương tích.
5 bị cáo khác, gồm: Nguyễn Quốc Mạnh (sinh năm 1967, ngụ quận Bình Thạnh), Dương Văn Lành (sinh năm 1981, ngụ tại Trà Vinh), Đinh Trọng Quý (sinh năm 1990, ngụ tại Hưng Yên), Ngô Quang Đồng (sinh năm 1988, ngụ tại Thừa Thiên-Huế) và Hồ Sỹ Quý (sinh năm 1983, quê Thanh Hóa).
So với phiên tòa được mở lần trước đã bị hoãn, phiên tòa lần này ít hơn hai bị cáo. Do phía bị hại rút đơn, không đủ cơ sở truy tố nên cáo trạng lần này bỏ tội danh cưỡng đoạt tài sản đối với 6 bị cáo.
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: báo Dân trí |
Theo báo VnExpress, cáo trạng của TAND TP. Hồ Chí Minh xác định, từ năm 2010 đến đầu năm 2013, Ngôn cầm đầu nhóm giang hồ tại khu vực bến xe Miền Đông, gây ra nhiều vụ đánh nhau tranh giành khách, cưỡng đoạt tài sản của các nhà xe…
Sáng 23/7/2010, tài xế taxi Lê Đức Lợi chở khách vào cổng, hướng dẫn họ vào trong quầy mua vé. Ngôn cùng đàn em tới chửi ông Lợi, nói "để tụi tao kiếm tiền, sao lại chỉ cho họ" rồi kéo khách đi hãng xe của mình.
Khi ông Lợi phản ứng, Ngôn liền lao đến hành hung. Ba đàn em của Ngôn cũng xông vào đánh hội đồng, còn Hồ Sỹ Quý chạy lên xe lấy tuýp sắt quay lại đập vào đầu khiến nạn nhân ngã bất tỉnh. Bị chấn thương sọ não, ông Lợi thoát chết nhưng bị thương tật hơn 58%.
Cơ quan công tố xác định, cuối tháng 6/2011, Ngôn được anh trai nhờ giải quyết mâu thuẫn với Ngô Quang Đồng (còn gọi là Thái Đen) nên đã gọi đàn em đến bến xe Miền Đông tìm người này xử lý.
Trong lúc nhóm của Ngôn đang truy đuổi Đồng, ông Bình và đồng nghệp trong Công ty Hoàng Long đến khuyên can cũng bị chúng tấn công. Trong đó ông Bình bị thương tích hơn 20%.
Ngoài ra, nhóm Ngôn còn bị cho là bảo kê các quán ăn xung quanh bến xe, từng đánh khách bị thương.
Báo Dân trí thông tin thêm, tại phiên tòa ngày 12/7, Hồ Sỹ Quý thừa nhận lời khai trong quá trình điều tra là đúng sự thật. 5 bị cáo còn lại đồng loạt phủ nhận lời khai trong quá trình điều tra.
Các bị cáo này cho rằng do bị điều tra viên ép cung, dùng vũ lực và đe dọa không cho người thân thăm nuôi nên đã nhận tội.
Trả lời xét hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Trọng Ngôn khai nhận bị điều tra viên đánh gây thương tích ở đầu, phải cấp cứu tại bệnh viện 30/4. Ngôn cho rằng có nhân chứng chứng minh thời điểm xảy ra vụ đánh ông Lợi anh ta không có mặt ở hiện trường.
Bị hại Bình cho biết tại thời điểm bị đánh, ông không nhìn rõ mặt ai gây thương tích cho mình. Ông cũng không yêu cầu bồi thường. Bị hại Lợi do bị bệnh nên cử con gái làm người đại diện đến tham dự phiên xét xử.
Phiên tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi vào hôm nay.
Điều 104. Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; E) Có tổ chức; G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)