Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/1/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 9/1/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Uống rượu không ăn, người đàn ông tử vong
Hình minh họa. |
Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân hôn mê sâu, thở máy, suy thận, nguyên nhân uống rượu mà không ăn uống.
Theo đó, sau bữa rượu từ chiều với bạn, anh T. (Phố Nối, Hưng Yên) bỏ cả bữa tối, bữa sáng. Đến khi gia đình phát hiện, thì anh đã hôn mê sâu, não tổn thương không thể phục hồi.
Theo gia đình, 14h chiều 3/1, anh T. có đi uống rượu cùng bạn, đến 16h thì về nhà nằm ngủ. Tối cùng ngày gia đình gọi dậy, anh có trả lời nhưng không ăn. Anh cũng bỏ cả bữa sáng ngày hôm sau. Đến khi gia đình gọi thì anh đã rơi vào tình trạng hôn mê, gọi không biết gì, tay chân lạnh, duỗi cứng.
Ngay lập tức gia đình đưa anh vào bệnh viện huyện. Lúc này anh đã hôn mê sâu, có dấu hiệu đồng từ giãn, ứ đọng dờm dãi, suy hô hấp, đường máu thấp, bị hạ đường huyết, phải đặt nội khí quản, thở máy. Kết quả chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ cho thấy có hình ảnh phù não, tổn thương não lan tỏa hai bên.
Sau đó, tối 4/1, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Ths.Bs Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy, nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ vận nặng, suy thận.
Bệnh nhân bị tổn thương não do hạ đường huyết dẫn đến suy hô hấp, không có dấu hiệu phục hồi. Vì thế, sáng 6/1, gia đình xin bệnh nhân về nhà.
Bé trai 4 tuổi bị bỏng thực quản do nuốt pin đồng xu
Cục pin đồng xu mà bệnh nhi 4 tuổi nuốt. (Ảnh: BV) |
Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) vừa tiếp nhận bé trai N.H.P.T (4 tuổi, ngụ TP.HCM) trong tình trạng than mệt, đau ở cổ họng, ăn vào nôn ói và ho sặc sụa do nuốt pin đồng xu.
Khi tiếp nhận bệnh nhi, qua kiểm tra lâm sàng, nghi ngờ bé T. đã nuốt phải dị vật, bác sĩ nhanh chóng cho bé chụp X-quang để xác định nguyên nhân chính xác.
Kết quả X-quang cho thấy chỗ 1/3 thực quản trên của bé có dị vật kim loại hình tròn, dẹt như đồng xu. Bé được đưa vào phòng mổ để gây mê, nội soi gắp dị vật khẩn.
Kết quả nội soi các bác sĩ gắp dị vật ra và đó là một cục pin đồng xu đang bị gỉ sét.
Sau khi gắp cục pin đồng xu ra, bác sĩ tiến hành hút rửa dung dịch hóa chất, đặt ống thông mũi dạ dày và chuyển bé đến Khoa Hồi sức nhi để theo dõi và điều trị viêm loét do bỏng thực quản và viêm phổi vì trước đó bé đang điều trị viêm phổi ngoại trú.
Hiện tại sức khỏe bệnh nhi nuốt pin đồng xu đã ổn định, thở đều, không còn ho sặc sụa nhưng vẫn ho đàm do viêm phổi, không phát hiện dịch nâu ở sonde dạ dày chảy ra thêm, chứng tỏ chỗ vết loét nơi dị vật có khả năng đã ngưng chảy máu.
Bệnh nhi được tiếp tục duy trì truyền dịch, cho nhịn ăn, theo dõi dịch qua sonde dạ dày nhằm đánh giá diễn tiến viêm loét thực quản và điều trị kháng sinh cho bé do có tình trạng viêm phổi đi kèm.
Thêm 2 ca phải cắt cụt ngón tay do pháo tự chế phát nổ
Các bác sĩ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) vừa tiếp nhận cấp cứu thêm 2 trường hợp chấn thương nặng do nổ pháo tự chế.
Trường hợp đầu tiên là nam bệnh nhân H.V.Đ. (41 tuổi, ở Hải Phòng). Người bệnh được đưa vào cấp cứu ngày 7/1 trong tình trạng hàm mặt xây xát; mắt 2 bên đau, nhìn mờ; tay phải dập nát 3 ngón, đầu chi xẹp, tím lạnh.
Ông Đ cho biết, khi đang chế tạo pháo, thuốc pháo bất ngờ phát nổ khiến ông bị chấn thương nặng.
Tại bệnh viện, bệnh nhân nhanh chóng được mổ cấp cứu, sửa mỏm cụt ngón tay, xử lý vết thương phần mềm gan tay và khâu vết thương bìu. Hiện tại, bệnh nhân Đ. đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật chấn thương chung, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.Q.T. (nam, 15 tuổi, ở Hà Nội). T. được chuyển đến bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 3h sáng ngày 8/1.
Khi vào viện, bệnh nhi có tình trạng hàm mặt sưng nề; giảm thị lực mắt phải, chấn thương đụng dập nhãn cầu và tổ chức hốc mắt phải; tay trái dập nát 4 ngón, lóc da phức tạp gan tay và mu tay. Phim chụp Xquang cho thấy cháu bé bị gãy phức tạp nhiều xương ở bàn tay trái.
Bố của T. chia sẻ, ngày 7/1, T. cùng bạn tự chế tạo pháo. Người bạn cạo bột từ hộp que diêm, sau đó T. lấy bột đã cạo để đốt. Không may, pháo tự chế phát nổ khiến T. chấn thương.
Các bác sĩ khuyến cáo, hiện tình trạng tự chế tạo pháo diễn ra thường xuyên, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Cơ quan chức năng cần khuyến cáo phụ huynh, nhà trường nên phối hợp tuyên truyền, giáo dục, có biện pháp phòng ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra cho các em.
Việt Hương (T/h)