Tin tức đời sống mới nhất ngày 30/4/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 30/4/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Chồng viết hẳn bản kiểm điểm xin lỗi vợ làm dân mạng cười ngất
Mới đây, một người dùng mạng tên Huỳnh Phi đã chia sẻ lại câu chuyện vợ mang bản kiểm điểm của chồng đến quán photo để ép plastic trong một hội nhóm chuyên bàn chuyện tình cảm.
Bên cạnh hình ảnh chụp lại bản kiểm điểm, Huỳnh Phi viết: “Sáng nay, mình đi photo, có chị kia đi vô sau mình, chị đi ép plastic "Bản tự kiểm điểm" của chồng chị. Mình thấy dễ thương nên đăng lên đây, anh chị U40 cả rồi”.
Người dùng mạng có tên Huỳnh Phi đã chụp lại bản kiểm điểm và chia sẻ câu chuyện dễ thương lên mạng xã hội. Ảnh: Infornet |
Từ hình ảnh được chia sẻ, có thể thấy bản kiểm điểm được người chồng viết rất ngắn gọn nhưng đong đầy tình cảm: “Nay anh viết bản kiểm điểm này để kiểm điểm lại bản thân mình, trong thời gian qua, vì lý do giận vu vơ và dùng những từ thiếu tế nhị làm tổn thương đến người mình yêu. Việc làm đó khiến em buồn trong thời gian qua. Nay anh đã biết lỗi… Anh xin lỗi và hứa từ nay trở đi sẽ không bao giờ được như thế nữa, sẽ luôn làm em vui và hạnh phúc! I love you”.
Sau khi được đăng tải không lâu, bài viết ngay lập tức nhận được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Nhiều người không khỏi cười thích thú trước câu chuyện hài hước nhưng đáng yêu hết nấc. Một số khác lại chia sẻ với người chồng làm sai nhưng biết hối lỗi và vong anh sẽ làm được những điều đã hứa trong bản kiểm điểm.
Chia sẻ với Infornet về bài đăng gây xôn xao cộng đồng mạng, Huỳnh Phi cho hay: “Mình cảm thấy câu chuyện khá hài hước, thú vị và vô cùng dễ thương nên đã xin chị ấy chụp và đăng lên mạng xã hội".
Cứu chữa thành công người đàn ông bị xương cá đâm xuyên thủng gan
Theo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vào sáng ngày 29/4 cho biết bệnh viện vừa cứu chữa một người đàn ông ở Bến Tre bị xương cá dạng “ngà voi” đâm thủng gan nhưng không biết, tưởng bị ung thư gan.
Được biết, nam bệnh nhân 55 tuổi từng đi siêu âm tại một phòng khám ở TP.HCM. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là u gan. Do không yên tâm, bệnh nhân tiếp tục tới thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Dị vật đã được các bác sĩ lấy ra thành công, không xâm lấn gan và nội tạng của bệnh nhân. Ảnh: Người Lao Động |
Sau quá trình kiểm tra và chụp MSCT (điện toán 768 lát cắt), các bác sĩ phát hiện dị vật là mảnh xương cá dạng “ngà voi” xuyên thủng dạ dày, đâm thủng đến gan trái. Bệnh nhân sau đó được tiến hành nội soi tiêu hóa để rút dị vật. Dị vật được rút ra thành công, không xâm lấn gan và nội tạng.
Chia sẻ về trường hợp của người đàn ông này, TS-BS Đỗ Minh Hùng (người trực tiếp nội soi) cho hay, lỗ thủng ở gan rất may chỉ viêm nhẹ, chưa hình thành áp xe, nếu không thì phải xử lý nhiều hệ lụy về sau. Mặc dù vẫn phải giải quyết những hệ lụy khác, bác sĩ và người nhà của người đàn ông đều rất vui vì bệnh nhân không còn nỗi lo sợ bị ung thư gan.
Theo bác sĩ Hùng, sự cố xảy đến với người đàn ông là hồi chuông cảnh tỉnh đối với mọi người về thói quen ăn gà, cá cả xương hoặc không cẩn thận trong ăn uống. “Tưởng là chuyện bình thường nhưng hóa ra lại rất nghiêm trọng, không ít trường hợp hóc dị vật biến chứng nhiễm trùng, hoại tử dẫn đến tử vong”, bác sĩ Hùng nói.
Bé gái 9 tuổi bất ngờ đột quỵ khi đang ngồi học
Người Lao Động đưa tin, vào ngày 29/4, PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) cho hay cách đây vài ngày bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhi bị đột quỵ nhưng chưa xác định được nguyên nhân. Bệnh nhi là một bé gái 9 tuổi, được chuyển đến từ Hà Nam.
Theo lời kể của người nhà, bệnh nhi đột nhiên bị tê bì liệt nửa người bên trái khi đang ngồi học ở lớp và đã ngay lập tức được đưa đến cơ sở y tế. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nghĩ nhiều tới nguy cơ bé bị đột quỵ. Bệnh nhi sau đó được chuyển tiếp tới Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch mai.
Qua kết quả chụp cộng hưởng từ, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị đột quỵ vì thiếu máu não, tuy nhiên vẫn chưa rõ căn nguyên. PGS Mai Duy Tôn cho biết bệnh nhi được các bác sĩ điều trị, kết hợp với tập phục hồi chức năng. Sau khi điều trị được 1 tuần, bệnh nhi đã hồi phục gần như hoàn toàn và may mắn không để lại di chứng.
PGS-TS Mai Duy Tôn. Ảnh: Người Lao Động |
Theo PGS Mai Duy Tôn, tính từ thời điểm thành lập tới hiện tại (hơn 5 tháng), Trung tâm Đột quỵ đã cấp cứu cho khoảng 5.500 bệnh nhân bị đột quỵ. Mỗi tháng trung bình có 1000 ca đột quỵ, trong số đó nhóm người trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm 10%. Đáng chú ý, trong số bệnh nhân cấp cứu do đột quỵ chỉ có 30% bệnh nhân được đưa đến viện sớm và can thiệp kịp thời khi có biểu hiện bệnh (trước 4,5 giờ).
"Với bệnh nhân đột quỵ não, chúng ta phải chạy đua với thời gian để tới viện sớm nhất có thể khi có triệu chứng nghi ngờ. Đó là méo miệng một bên, nói ngọng, thất ngôn, yếu liệt hoặc tê bì tay chân một bên, mất thị lực đột ngột một hoặc hai mắt...
Chúng ta không được phép để mất một giây phút nào để nằm bất động đợi chờ tự hồi phục hay tự điều trị theo “phương pháp dân gian truyền miệng”, PGS Mai Duy Tôn khuyến cáo.
Đinh Kim(T/h)