+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 19/6/2024: Bác sĩ kể thời điểm cứu trẻ đuối nước ở bể bơi

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/6/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 19/6/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Bác sĩ kể thời điểm cứu trẻ đuối nước ở bể bơi

    Theo thông tin trên tạp chí Tri Thức, khi tham dự hội nghị khoa học ở Hạ Long (Quảng Ninh), hai bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã kịp thời cứu sống một bé gái bị đuối nước tại bể bơi.

    Cụ thể, bác sĩ Hoàng Anh Tuấn ở khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) kể sự việc xảy ra vào lúc 18h ngày 8/6, khi anh và bác sĩ Hà Hoài Nam (cùng khoa) đang bơi tại bể bơi thì nghe tiếng kêu cứu.

    "Sau đó, một bé gái bị đuối nước được đưa lên bờ và một người đàn ông dốc ngược cháu để nước chảy ra. Tuy nhiên, tình trạng tím tái của cháu bé không cải thiện. Nhận thấy trẻ nguy kịch, tôi và bác sĩ Hà Hoài Nam đã đặt bé xuống nền cứng và tiến hành hồi sinh tim phổi", bác sĩ Anh Tuấn nói.

    Sau khoảng 2 phút ép tim, khoang miệng bé gái có nhiều thức ăn trào ra. Bác sĩ Hoài Nam đã phối hợp cùng một bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để khai thông đường thở cho bé. Sau 5 phút cấp cứu khẩn trương, bé gái đã tỉnh, có ý thức và được đưa đến trung tâm y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi và điều trị.

    Hai bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kịp thời cứu sống một bé gái bị đuối nước tại bể bơi. Ảnh minh họa

    Hai bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kịp thời cứu sống một bé gái bị đuối nước tại bể bơi. Ảnh minh họa

    Bác sĩ Anh Tuấn cho hay: "Sáng hôm sau, gia đình bé gái vui mừng thông báo cho các bác sĩ biết kết quả kiểm tra của bé đều tốt. Đây thực sự là niềm hạnh phúc của chúng tôi".

    Nhân sự việc này, bác sĩ Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sơ cứu ban đầu khi xảy ra đuối nước. Trong trường hợp này, việc vác nạn nhân đuối nước dốc ngược xuống là cách sơ cứu hoàn toàn sai lầm. Thay vào đó, cần tiến hành hồi sinh tim phổi kịp thời để đảm bảo oxy cho não bộ, tránh tổn thương não không hồi phục do thiếu oxy.

    Theo bác sĩ Anh Tuấn, việc cần làm đầu tiên trong sơ cứu trẻ đuối nước là đưa lên khỏi mặt nước và đánh giá tình trạng xem có ngừng thở hay ngừng tim không. Nếu có, chúng ta cần nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi và đồng thời báo người xung quanh gọi cấp cứu 115.

    Thanh niên bất ngờ bị sét đánh ngất khi đang trong phòng ngủ

    VietNamNet đưa tin, người bệnh là anh Đ.H.L (29 tuổi, ở Bắc Sơn, Lạng Sơn). Vụ tai nạn xảy ra lúc hơn 3h ngày 16/6. Người nhà đưa anh đến trung tâm y tế huyện cấp cứu.

    Tại viện, bệnh nhân tỉnh táo nhưng kêu đau nhiều, vật vã, kích thích. Sét đánh khiến bệnh nhân có vết bỏng ở khuỷu tay trái hình chữ nhật, kích cỡ khoảng 10x18cm (nghi là đầu ra của tia lửa điện). Toàn bộ vùng lưng trái bỏng rát, chuyển màu nâu đen; chân trái có biểu hiện giảm vận động.

    Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng điện độ III- IV vùng lưng, cánh tay trái, đùi trái, cẳng bàn chân trái diện tích khoảng 40%. Đến ngày 18/6, tình trạng bệnh nhân tạm ổn định, được theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại của Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn.

    Người dân nên tìm chỗ trú ẩn an toàn khi gặp mưa giông, tránh xa những nơi trống trải, cây to, cột điện cao thế. Ảnh minh họa

    Người dân nên tìm chỗ trú ẩn an toàn khi gặp mưa giông, tránh xa những nơi trống trải, cây to, cột điện cao thế. Ảnh minh họa

    Bác sĩ khuyến cáo người dân trong mùa mưa bão hạn chế ra ngoài trời khi trời mưa giông, tìm chỗ trú ẩn an toàn khi gặp mưa giông, tránh xa những nơi trống trải, cây to, cột điện cao thế; không nên trú mưa dưới mái hiên nhà, không đứng thành nhóm đông người gần nhau.

    Nếu ở ngoài trời, người dân cần ở vị trí càng thấp càng tốt; tốt nhất nên đứng nhón chân trên mặt đất hoặc ngồi xuống, lấy tay che tai.

    Mọi người tuyệt đối không sử dụng các thiết bị điện tử khi trời mưa giông và tắt nguồn điện, ngắt các thiết bị điện trong nhà khi có sấm sét. Đặc biệt, nếu phát hiện có người bị sét đánh, sau khi sơ cứu hãy nhanh chóng liên hệ với cán bộ y tế để được hỗ trợ hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

    Nội soi gắp đồng xu 20mm ra khỏi thực quản bé 3 tuổi

    Theo VTV Times, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vừa thực hiện thành công ca nội soi gắp đồng xu kim loại có kích thước 20mm ra khỏi thực quản bệnh nhi 3 tuổi.

    Gia đình bệnh nhi kể, trưa 17/6, bệnh nhi chơi đùa tại nhà thì không may nuốt phải đồng xu. Sau khi phát hiện sự việc, gia đình đã lập tức đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để cấp cứu.

    Sau khi thăm khám và chụp X-quang, các bác sĩ xác định có dị vật kim loại nằm trong thực quản của bệnh nhi và nhanh chóng tiến hành nội soi lấy dị vật.

    Sau khoảng 30 phút, dị vật đã được đưa ra ngoài an toàn. Sức khỏe của bệnh nhi ổn định và được xuất viện chiều cùng ngày.

    Phim chụp X-quang và dị vật là đồng xu kim loại có kích thước 20mm được gắp ra ngoài. Ảnh: VTV Times

    Phim chụp X-quang và dị vật là đồng xu kim loại có kích thước 20mm được gắp ra ngoài. Ảnh: VTV Times

    Bác sĩ CKI. Mạc Quốc Dũng - Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, nuốt dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như: nghẹt thở, tổn thương thực quản, dạ dày, ruột...

    Bởi vậy, phụ huynh cần lưu ý không nên cho trẻ chơi các vật nhỏ dễ nuốt (đồng xu, pin, hạt cườm...). Bên cạnh đó, dạy trẻ không cho đồ vật vào miệng và hướng dẫn trẻ biết cách khạc nhổ khi ngậm phải vật nhỏ. Phụ huynh cần lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu nghi ngờ trẻ nuốt dị vật.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-19-6-2024-bac-si-ke-thoi-iem-cuu-tre-uoi-nuoc-o-be-boi-a435842.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan