Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/12/2020. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 18/12/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Người đàn ông suy đa tạng sau khi bị mò đốt
Vết loét do mò đốt ở vùng bụng của bệnh nhân. (Ảnh: BV) |
Người đàn ông 46 tuổi (trú tại Đà Bắc, Hoà Bình) đi phát cỏ ở đồi keo. Sau đó, xuất hiện một vết loét ở vùng bụng kèm theo sốt cao, rét run, đau mỏi người.
Ngày 16/12, người này xuất hiện khó thở, được cơ sở tuyến dưới chuyển đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cấp cứu.
Bệnh nhân được chẩn đoán, vết loét vùng bụng do mò đốt. Hiện người này có tình trạng suy đa tạng, tổn thương gan và viêm phổi nặng. Các bác sĩ đã hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Ấu trùng mò thường sống ở bụi cây, cỏ ẩm ướt, hang đá hoặc nơi có các loài gặm nhấm. Thời gian ủ bệnh từ 6 đến 21 ngày (kể từ khi bị ấu trùng mò đốt). Bệnh nhân thường sốt cao liên tục, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người. Vết loét ngoài da do mò đốt lúc đầu là nốt phỏng tiến triển thành hình bầu dục trên nền sẩn đỏ.
Sau 4-5 ngày, chúng vỡ ra thành nốt kích thước 0,5-2cm, có vảy đen. Khi bong vảy, nó sẽ để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không có mủ, không tiết dịch, bờ viền hồng đỏ hoặc đen tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Vết loét không đau nên dễ bỏ sót.
Để tránh bị ấu trùng mò đốt, người dân khi đi nương rẫy, đồi núi cần mặc quần áo kín, có tẩm hóa chất chống côn trùng.
Người đàn ông mang khối u nặng 3,5kg
Các bác sĩ mất 5 giờ để lấy trọn khối u cho bệnh nhân. (Ảnh: Zing) |
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) đang phẫu thuật thành công cho bệnh nhân T.V.N. (58 tuổi, trú tại Sóc Trăng), mang khối u hiếm gặp, kích thước “khổng lồ”, nặng tới 3,5kg.
Bệnh nhân cho biết cách đây khoảng một năm, ông bắt đầu tăng cân, bụng to dần nhưng nghĩ cơ thể béo lên. Bệnh nhân còn dùng thêm một số loại thực phẩm chức năng nhưng tình trạng này không thuyên giảm. Khi bụng căng cứng và khó chịu nhiều hơn, ông mới đi khám tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Qua thăm khám cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện phần bụng trên của bệnh nhân có khối u to, nhiều thùy, mật độ không đồng nhất, kích thước 28x22x14 cm chiếm toàn bộ thể tích bụng trên, dính vào gan trái và dạ dày, đè đẩy các tạng lân cận.
Ba ngày sau mổ, bệnh nhân có thể vận động, ăn nhẹ với thức ăn lỏng và sinh hoạt gần như bình thường.
Cần Thơ: Hai ngày liên tiếp cứu 10 bệnh nhân nhồi máu cơ tim
Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ thông tin, chỉ trong 2 ngày, khoa Tim mạch can thiệp của bệnh viện vừa cứu sống 10 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp.
Cụ thể, trong 2 ngày 9/12 và 11/12, bệnh viện Trung ương Cần Thơ tiếp nhập 10 bệnh nhân nhồi máu cấp được đưa vào cấp cứu.
Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh viện đã huy động cùng lúc 2 ê-kíp can thiệp mạch vành can thiệp cả 10 trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Các ê-kíp bác sĩ khẩn trương thực hiện can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân. Cho đến ngày 16/12/2020 tất cả 10 bệnh nhân đều ổn định.
Các bác sĩ cho biết, nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành - động mạch cung cấp máu nuôi tim một cách đột ngột, làm chết tế bào cơ tim.
Nhồi máu cơ tim được các bác sĩ đánh giá là một tình trạng khẩn cấp, người bệnh có thể tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời, những trường hợp may mắn sống sót thì nguy cơ suy tim trong tương lai cũng rất cao.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần chú ý giữ gìn sức khỏe khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi trời lạnh.
Việt Hương (T/h)