Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/4/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 14/4/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Hút thuốc từ 18 tuổi, 15 năm sau mắc ung thư
Anh H. nhập viện điều trị tại bệnh viện K. (Ảnh: VNN) |
Ở tuổi 33, anh Bùi Văn Hùng (Ninh Bình) luôn thấy cơ thể khỏe mạnh, sung sức. Tuy nhiên gần đây, anh thường xuyên thấy khó thở, tức ngực nhiều, người mệt mỏi.
Khi đến bệnh viện K (Hà Nội) khám bệnh, bác sĩ thông báo anh mắc ung thư phổi, giai đoạn không còn sớm.
Anh Hùng cho biết bản thân hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, dần nghiện lúc nào không hay, ngày hút nhiều nhất từ 1,5 đến 2 bao thuốc.
Ung thư phổi được xếp vào nhóm khó chẩn đoán, điều trị khó khăn. Ngay tại các nước phát triển, tỉ lệ phát hiện sớm ung thư phổi cũng chưa tới 25%.
Tại Việt Nam, trên 75% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn muộn. Ở giai đoạn sớm, các dấu hiệu ung thư phổi rất nghèo nàn. Các biểu hiện như ho khan dai dẳng, sốt về chiều, sút cân, đau ngực, ho ra máu... đều không phải những dấu hiệu đặc hiệu của ung thư phổi, các triệu chứng này cũng dễ gặp trong viêm nhiễm phế quản phổi.
Vì vậy, bệnh nhân ung thư phổi khi chụp X-quang phát hiện ra bệnh, khối u đã to 2-10cm.
Vì vậy để phát hiện sớm ung thư phổi, bác sĩ luôn khuyến cáo người dân cần đi khám sức khoẻ định kỳ, không hút thuốc, tránh xa khói thuốc lá và môi trường độc hại, ô nhiễm.
Ghép tế bào gốc tự thân cho bé gái 3 tuổi
Ê-kíp y bác sĩ điều trị cho bé gái. (Ảnh: Zing) |
Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi H.T.T. (3 tuổi, người dân tộc Vân Kiều, quê ở Vĩnh Linh, Quảng Trị).
Bệnh nhi nhập viện đầu tháng 9/2020 trong tình trạng sốt cao, mắt phải lồi to, sưng đau hàm má phải, ăn uống kém. Qua xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bé bị u nguyên bào võng mạc di căn tủy xương và gan, kèm theo nhiễm trùng huyết.
Sau khi tiếp nhận, trẻ được điều trị bằng thuốc kháng sinh, truyền dịch để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
Sau khi thống nhất phương pháp ghép tế bào gốc, bệnh nhi được các bác sĩ điều trị ổn định nhiễm trùng, kết hợp dùng hóa chất theo phác đồ nguy cơ cao, phẫu thuật bóc mắt bệnh. Tiếp đó, ê-kíp bác sĩ thu hoạch tế gốc, điều trị hóa chất liều cao ghép tủy, xạ trị cho bệnh nhân.
Sau nhiều tháng được tận tình chăm sóc, tình trạng bệnh của bé gái thuyên giảm và được xuất viện.
Chó cắn rách mặt bé 4 tuổi
Bé trai 4 tuổi được đưa vào trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) với nhiều vết thương nặng ở vùng đầu, thái dương, hàm mặt, trán.
Khi phẫu thuật, các mũi khâu phải tỉ mỉ, tránh nhiễm trùng và đảm bảo tính thẩm mỹ cho khuôn mặt của bé sau khi phục hồi. Hiện, sức khỏe và tâm lý bệnh nhi ổn định.
Việt Hương (T/h)