Người đàn ông nhập viện sau bữa cơm có món cá
VietNamNet đưa tin, ông B.X.L. (62 tuổi, trú tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) cấp cứu trong tình trạng mắc nghẹn vùng cổ, đau họng khi nuốt và xuất hiện cơn ho sặc dữ dội.
Theo lời kể của người nhà, trước khi vào viện, bệnh nhân đã ăn sáng gồm cơm với cá. Gia đình nghi ngờ ông nuốt phải xương cá vào họng.
Sau khi thăm khám, nắm bắt được tình trạng của người bệnh, các bác sĩ đã thực hiện nội soi để gắp dị vật. Xương cá nằm mắc tại vị trí hạ họng, hai đầu dị vật đều cắm vào niêm mạc, gây chảy máu nên không thể lấy được dị vật. Các bác sĩ phải chỉ định nội soi tiêu hoá ống mềm để lấy dị vật bằng kìm sinh thiết.
Sau 3 phút, các bác sĩ lấy ra được mảnh xương cá có kích thước gần 20x2 mm, người bệnh đã được cầm máu tại vị trí bị tổn thương. Quá trình tiến hành thủ thuật diễn ra an toàn, người bệnh tỉnh táo, hết cảm giác đau buốt ở cổ và được ra về sau một giờ theo dõi.
Bác sĩ CKI Đinh Đại Lâm - khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, khuyến cáo người dân nên cẩn thận, chú ý khi sinh hoạt, ăn uống hằng ngày để tránh xảy ra các trường hợp nuốt phải dị vật gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Hóc dị vật khi ăn uống là tai nạn khá phổ biến, thường gặp nhất là hóc xương cá, xương gà. Đây là những dị vật có đầu sắc nhọn dễ gây tổn thương, chảy máu, nhiễm trùng vùng cổ hoặc đường tiêu hóa. Nếu nghi ngờ nuốt phải dị vật, người bệnh cần đến khám, điều trị, can thiệp sớm tại các cơ sở y tế, không nên tự điều trị tại nhà, tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Cứu người phụ nữ có thai lạc trong ổ bụng bị vỡ
Báo Đại Đoàn Kết đưa tin ngày 11/7, đại diện Bệnh viện Quân y 175 cho biết khoa Phụ sản của bệnh viện vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công một trường hợp bệnh nhân có thai lạc trong ổ bụng và bị vỡ.
Cụ thể, bệnh nhân N.T.T.V (34 tuổi, ngụ tại quận 12, TP.HCM) được Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc được nhưng da niêm mạc tái nhợt, mạch nhanh, đau bụng nhiều.
Qua thăm khám bệnh nhân được xác định có thai nhưng siêu âm lại không thấy thai trong tử cung, vòi trứng hay tiểu khung, dịch ổ bụng lượng nhiều và có bất thường thêm khối tổn thương gần cực dưới thận trái có điểm chảy máu.
TS.BS Trịnh Hồng Hạnh - Chủ nhiệm Khoa phụ sản Bệnh viện Quân y 175, trưởng kíp trực cho biết, với tình trạng chảy máu trong ổ bụng do thai ngoài tử cung vỡ, tuy chưa xác định vị trí khối thai, phẫu thuật nội soi thám sát tìm khối thai lạc chỗ.
Phẫu thuật đã diễn ra ngay sau đó bằng cách di chuyển camera quan sát toàn bộ ổ bụng thì tại vị trí góc lách có khối nghi ngờ là khối thai.
Bệnh nhân sau đó được chuyển mổ mở theo đường trắng giữa trên vệ dưới rốn, thấy khối thai tại vị trí đại tràng ngang góc lách, kích thước 3x4cm có điểm vỡ đang chảy máu và được mạc nối phủ lên bề mặt.
Ekip đã tiến hành bóc tách, lấy khối thai nằm trên bề mặt đại tràng. Kiểm tra diện bóc tách không chảy máu, đại tràng không tổn thương. Sau gần 2 giờ, ca phẫu thuật kết thúc thành công, bệnh nhân máu mất 600ml.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã vượt qua nguy kịch, sức khỏe đã dần bình phục. Theo TS.BS Trịnh Hồng Hạnh, thai lạc chỗ trong ổ bụng là một dạng thai ngoài tử cung khi thai làm tổ và phát triển ở một vị trí ngoài buồng tử cung nhưng tỷ lệ thai lạc chỗ trong ổ bụng rất hiếm.
Người đàn ông ở Nam Định nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”
Theo tạp chí Tri Thức, người đàn ông 64 tuổi (trú tại Giao Thuỷ, Nam Định) được đưa đến khoa Hồi sức nội khoa và chống độc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
ThS.BS Nguyễn Thị Huyền Trang ở Trung tâm Hồi sức Tích cực, cho biết người đàn ông này bị nhiễm trùng cẳng bàn chân. Tổn thương lan nhanh sau khi vết thương hở tiếp xúc với nước trong khi làm ruộng.
"Chỉ sau vài giờ làm ruộng, vết thương ở vùng bàn chân của bệnh nhân lan nhanh lên cẳng chân và đùi trái với triệu chứng đau buốt, phỏng nước, thâm tím vùng da tổn thương, rối loạn cảm giác. Tổn thương được xác định là viêm cân mạc hoại tử gây nhiễm trùng nhiễm độc nặng", bác sĩ Trang nói.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được thở máy, lọc máu, rạch mở rộng vùng da, cân tổn thương, cấy dịch vết thương, cấy máu. Kết quả cho thấy dương tính với vi khuẩn Vibrio vulnificus.
Được biết, Vibrio vulnificus là một loại vi khuẩn gram âm, được xem là một trong những "vi khuẩn ăn thịt người" bởi độc tố gây phá hủy mô liên kết và các mô trong cơ thể. Vi khuẩn này thường gây ra viêm cân mạc hoại tử lan rộng và nhanh chóng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Trang, vi khuẩn Vibrio vulnificus thường được tìm thấy trong môi trường nước mặn, nước lợ ven biển nhiệt đới và cận nhiệt đới với nhiệt độ nước trên 20 độ C. Người dễ nhiễm khuẩn là người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, bệnh tiểu đường.
Nguy cơ nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus có thể do ăn các thực phẩm chứa vi khuẩn như hàu sống hoặc phơi nhiễm qua vết thương hở như tiếp xúc trực tiếp với nước biển, nước lợ trong lao động, vui chơi trên biển.
Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm loại “vi khuẩn ăn thịt người” này, người dân cần tránh ăn hải sản sống, tiếp xúc vết thương hở với nước biển, nước lợ hoặc hải sản sống, đặc biệt là các loại có vỏ. Người có cơ địa suy giảm miễn dịch, tiểu đường, bệnh mạn tính cần đặc biệt cẩn trọng hơn.
Khi có vết thương hở, mọi người nên rửa bằng xà phòng và nước sạch nếu có tiếp xúc với nước biển; đến ngay cơ sở y tế nếu có triệu chứng sưng đau, phỏng nước ở vùng da tổn thương sau khi tiếp xúc với môi trường có nguy cơ.