Tin tức đời sống mới nhất ngày 1/1/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 1/1/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Kỳ diệu song thai, 1 bé đẻ non ở tuần 24, 1 bé vẫn giữ lại được
Sản phụ mổ sinh tại BV Phụ sản Hà Nội. (Ảnh: BV) |
Mang song thai nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản, chị Nguyễn Thị T. (SN 1984, Hà Nội) có dấu hiệu ra máu ở tuần thứ 5 của thai kỳ. Khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, chị được chỉ định nhập viện điều trị tại khoa A5.
Đến tuần 12 khi sức khỏe ổn định, chị được xuất viện. Tới tuần 15, chị T. khâu cổ tử cung. Tuy nhiên đến tuần 17 xuất hiện dịch âm đạo.
Tuần 20 của thai kỳ, tử cung ra máu nhiều, chị nhập viện điều trị tại khoa Sản bệnh A4. Tới tuần 24, chị xuất hiện hiện tượng vỡ ối, có dấu hiệu nhiễm trùng ối: sốt cao, môi khô, khó thở, chỉ số nhiễm trùng CRP và PCT tăng cao. Mặc dù vậy, sản phụ và gia đình đều có nguyện vọng muốn giữ 2 em bé.
Ngay sau đó, chị được chuyển sang điều trị tại khoa Sản nhiễm trùng C3. Sau 1 ngày, chị lên cơn đau nhiều, Ths. Bs. Lê Quang Hòa - Phó trưởng khoa C3 nhận định cổ tử cung đã mở hết, không thể giữ thai thêm được nữa. Chị sinh non 1 bé nặng 500g bị mất tim thai.
Theo nguyên tắc, thai còn lại cũng sẽ ra khỏi tử cung vì lúc này cổ tử cung đã mở, nếu cố gắng giữ lại cả sản phụ và em bé đều đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng vô cùng lớn. Nhưng một điều kỳ diệu đã xảy ra mà y học không thể chứng minh được.
Dây rốn của thai bị sảy tự tụt vào trong, cổ tử cung đóng kín và dưới siêu âm thấy chiều dài cổ tử cung là 6,8cm – điều này gần như không có với người mang bầu con so.
Ngay sau đó bác sĩ theo dõi chặt chẽ tình trạng sản phụ, xét nghiệm máu ra chỉ số nhiễm trùng CRP đã giảm. Được sự chỉ đạo của Ban giám đốc Bệnh viện, Ths. Bs. Lê Quang Hòa quyết định giữ em bé còn lại trong bụng sản phụ. Hành trình 8 tuần tại khoa C3, chị T. được chăm sóc tận tình, điều trị và theo dõi sát sao.
Ngày 30/12/2020, đến tuần 33, chị được chỉ định mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho bé, tránh nguy cơ suy thai. 16h, một bé trai nặng 1600g khỏe mạnh cất tiếng khóc chào đời trong niềm hân hoan của cả ekip và sản phụ.
Bé gái 7 tuổi mắc kẹt lưỡi vào bình uống nước
Bé gái 7 tuổi mắc kẹt lưỡi vào miệng bình uống nước cầm tay. (Ảnh: BV) |
Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận cấp cứu một bé gái trong vụ tai nạn hy hữu. Đó là bé gái 7 tuổi có lưỡi bị mắc kẹt trong bình uống nước, phần lưỡi đã phù nề, hơi tím, có tình trạng thiếu máu nuôi.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, trong đêm 30-12, bé gái lấy bình uống nước thì bất ngờ bị lưỡi dính vào miệng bình uống nước cầm tay, không thể gỡ ra được. Lập tức, bệnh nhi được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để được bác sĩ can thiệp.
Tại khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Dương Minh Toàn thăm khám thấy phần lưỡi bị kẹt phù nề, hơi tím, có tình trạng thiếu máu nuôi. Bé được ổn định tâm lý, sau đó, bác sĩ Toàn gây tê cho bé, dùng dụng cụ cắt phần nắp bình nước để lấy ra khỏi lưỡi bé. Sau khi nắp bình nước được lấy ra, bác sĩ kiểm tra lại thấy lưỡi bé trầy xước nhẹ, không chảy máu, còn phù nề. Bé được xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi.
Bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh có con nhỏ cần cẩn trọng khi cho con sử dụng các vật nhỏ, vật dụng có lỗ... vì bé có thể để các bộ phận cơ thể vào (nhất là tay, chân), dễ gây mắc kẹt. Nếu trẻ bị kẹt các bộ phận cơ thể vào vật gì đó thì không nên cố gắng lấy ra vì dễ gây phù nề làm siết chặt bộ phận bị kẹt hơn, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý thích hợp.
Mảnh xương gà nằm trong phế quản suốt 2 năm
Mới đây, các bác sĩ tại bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã tiếp nhập và mổ cấp cứu thành công cho một bệnh nhân N.T.T. (62 tuổi, ngụ tại TP.HCM) bị dị vật đường thở bị bỏ quên.
Cách đây 2 năm khi bà đang ăn cháo gà thì bất ngờ bị ho sặc, cảm giác vướng ở vùng cổ. Bà T. nhiều lần cố gắng ho khạc nhưng không được, không khó thở, không tím tái, sau đó triệu chứng vướng ở cổ giảm bớt. Vì chủ quan, bà T. không đi khám, tuy nhiên sau đó thường có những đợt ho kéo dài dai dẳng.
Trong vòng 2 năm qua, bà đã đi khám tại nhiều phòng khám tư nhân, bệnh viện trên địa bàn, thậm chí uống thuốc đông y nhưng tình trạng ho không thuyên giảm.
Tại bệnh viện Tai Mũi Họng, sau khi lắng nghe bệnh sử, các bác sĩ đã nghi ngờ bệnh nhân bị dị vật bỏ quên trong đường thở.
Bệnh nhân được chỉ định chụp CT-Scan ngực, phát hiện dị vật nằm trong phế quản bên trái, xơ hoá nhẹ ngoại vi thuỳ lưỡi bên trái. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị tăng huyết áp, đái tháo đường đang điều trị.
Ngay trong đêm, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi ống cứng lấy dị vật đường thở.
Các bác sĩ đã lấy thành công dị vật là một mảnh xương gà 1,5cm trong phế quản gốc bên trái của bệnh nhân. Dù dị vật đã bỏ quên 2 năm nhưng vẫn còn nguyên mô, không xuất hiện tình trạng phân huỷ. Sau phẫu thuật bệnh nhân giảm các triệu chứng ho rõ rệt, sức khoẻ nhanh chóng bình phục.
Việt Hương (T/h)