+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/9: Hội chứng khiến người bệnh bị viêm đường hô hấp, đảo ngược phủ tạng

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/9/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 7/9/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Hội chứng khiến người bệnh bị viêm đường hô hấp, đảo ngược phủ tạng

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Quân y 175 cho biết, hai bệnh nhân nhập viện do hội chứng Kartagener là điển hình rất hiếm gặp.

    Bệnh nhân thứ nhất là N.K.V (nam, 34 tuổi), tiền sử viêm đường hô hấp tái diễn nhiều lần từ khi còn nhỏ với biểu hiện chảy nước mũi, ho khạc đàm nhầy mủ kết hợp sốt vừa đến cao. Các triệu chứng thường giảm sau một đợt điều trị kháng sinh, chống viêm, long đàm và dễ tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi như thay đổi thời tiết. 

    Bệnh nhân thường xuyên phải nhập viện vì các triệu chứng nhiễm trùng phổi và suy hô hấp. Bệnh nhân kết hôn năm 27 tuổi và tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có con. Xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy có sự giảm số lượng tinh trùng hoạt động. 

    Hiện tại, bệnh nhân phụ thuộc vào chăm sóc y tế và điều trị duy trì bằng kháng sinh đường uống từng đợt, long đàm, oxy liệu pháp và thở máy không xâm nhập.

    Trường hợp thứ 2 là N.V.T (nam, 45 tuổi) cũng nhập viện vì biểu hiện viêm phổi, giãn phế quản và suy hô hấp. Người bệnh có biểu hiện viêm hô hấp mạn tính với triệu chứng chảy nước mũi, ho, khạc đàm tái diễn nhiều đợt từ thời thiếu niên.

    Bệnh nhân đã phát hiện bị đảo ngược phủ tạng khi 25 tuổi. Đến năm 40 tuổi xuất hiện khó thở liên tục, tăng dần theo thời gian. Đặc biệt, bệnh nhân đã lấy vợ và có 2 người con khỏe mạnh.

    Bệnh nhân được điều  trị  phác đồ kháng sinh, long đàm, chống viêm, giãn phế quản, thở máy không xâm nhập. Sau điều trị ổn định bệnh nhân được ra viện tiếp tục điều trị duy trì.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 792023 hoi chung khien nguoi benh bi viem duong ho hap dao nguoc phu tang
    Hình ảnh cho thấy tim, mạch máu đảo ngược quay sang phải và giãn phế quản ở cả 2 phổi trên phim ở bệnh nhân Kartagener. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    TS.BS Nguyễn Hải Công – Chủ nhiệm Khoa Lao và bệnh phổi cho biết, hội chứng Kartagener là một rối loạn di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường hiếm gặp, gây khiếm khuyết trong hoạt động của lông mao ở nhiều cơ quan, biểu hiện đặc trưng bởi sự có mặt của bộ 3 tổn thương: giãn phế quản, viêm xoang mạn tính và đảo ngược phủ tạng.

    Trong hội chứng Kartagener, đột biến gen làm suy giảm khả năng vận động của lông mao, dẫn đến viêm phổi, viêm xoang tái diễn, vô sinh và sai lệch vị trí trái-phải của các tạng. Vì vậy, chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng Kartagener chủ yếu dựa vào các tiêu chuẩn lâm sàng do bác sĩ xác định, với biểu hiện của 3 chứng giãn phế quản, viêm xoang mạn tính và đảo ngược phủ tạng. Các xét nghiệm gene thường khó thực hiện và tốn kém.

    Phương pháp điều trị hô hấp cho bệnh nhân Kartagener bao gồm vật lý trị liệu hô hấp, thuốc long đàm, kháng sinh, oxy liệu pháp và thở máy hỗ trợ khi có suy hô hấp.

    Những người thường xuyên có nhiễm trùng phổi cần dùng kháng sinh dự phòng liều thấp kéo dài, tiêm phòng vaccine cúm và phế cầu định kỳ. Đặc biệt, cần tránh phơi nhiễm với các tác nhân có hại như khói thuốc lá, bụi, lạnh…

    Bệnh nhân mắc hội chứng Kartagener nên được tư vấn và áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản ở giai đoạn sớm nếu có bất thường về chức năng sinh sản. Suy hô hấp thường gặp ở giai đoạn cuối và là nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân mắc Kartagener.

    Điều trị cho người đàn ông bị nhiễm khuẩn huyết do Vibrio vulnificus

    VietNamNet đưa tin, nam bệnh nhân 45 tuổi được đưa vào khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vì đau nhiều vùng thắt lưng, hạn chế vận động kèm sốt, đau họng. Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng nặng, toan chuyển hóa; kết quả cấy máu phát hiện vi khuẩn Vibrio vulnificus.

    "Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết do Vibrio vulnificus, suy thận cấp trên nền bệnh viêm gan B. Tiên lượng bệnh rất nặng", bác sĩ CKI Nguyễn Thế Hưng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc cho biết.

    Bác sĩ tiến hành các biện pháp điều trị hồi sức tích cực với kháng sinh liều cao phổ rộng, thuốc vận mạch, cân bằng điện giải. Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân thoát sốc, tỉnh táo, dấu hiệu phục hồi tốt.

    Được biết, Vibrio vulnificus là loại vi khuẩn sống ở vùng nước biển ấm, nước lợ (như cửa sông, ao nước lợ hoặc vùng ven biển). Khuẩn này đi vào cơ thể qua các vết thương hở; ăn các thực phẩm nhiễm Vibrio vulnificus không được chế biến thích hợp hoặc các thực phẩm sống như tôm, hàu, cá… có chứa khuẩn này.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 792023 hoi chung khien nguoi benh bi viem duong ho hap dao nguoc phu tang
    Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân thoát sốc, tỉnh táo, dấu hiệu phục hồi tốt. Ảnh: VietNamNet

    Theo bác sĩ Hưng, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificu thường xuất hiện các triệu chứng như: Mệt mỏi, sốt cao, sưng, đau tại vị trí vết thương - đường vào nhiễm khuẩn, viêm tấy mô mềm… "Bệnh cảnh diễn tiến nhanh, dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng… thậm chí tử vong nhanh chóng", bác sĩ nói.

    Đặc biệt, người có bệnh lý nền như đái tháo đường, gan mạn tính và suy giảm miễn dịch hay đang sử dụng các thuốc điều trị gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cần cẩn thận với loại khuẩn này vì có thể xảy ra nhiễm khuẩn nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

    XEM THÊM: Chuyên gia lý giải việc bóng bay phát nổ có thể gây thương tích

    Bệnh lý do nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificu dễ nhầm với các bệnh cảnh nhiễm trùng huyết khác như vi khuẩn liên cầu lợn, nhiễm não mô cầu, tụ cầu, liên cầu… Do đó, bác sĩ lưu ý người dân cần cảnh giác với căn bệnh này, đặc biệt là những người làm nghề nuôi trồng hải sản và sinh sống ở vùng biển.

    Khi cơ thể có biểu hiện như sốt, mệt mỏi, xuất hiện tổn thương bọng nước hoại tử ngoài da… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

    Người phụ nữ bị gãy cột sống do rơi thang máy

    Theo thông tin trên báo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay đơn vị vừa cứu chữa một phụ nữ bị gãy cột sống do rơi thang máy. Nạn nhân là bà N.T.P (53 tuổi, ở Đồng Tháp). 

    Trước đó, khi đang bên trong thang máy một tòa nhà ở địa phương, bà P. bất ngờ bị rơi tự do từ độ cao khoảng 4m dẫn đến đa chấn thương, toàn thân đau dữ dội, không thể cử động và được chuyển ngay lên TP.HCM cấp cứu. 

    Bác sĩ CKI Trần Xuân Anh - Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ, bà P. bị gãy hai đốt sống và gãy xương gót chân trái, vận động rất đau đớn, không thể ngồi hoặc trở mình được. May mắn, các mảnh vỡ xương gãy không làm tổn thương tủy sống nên không gây ra tình trạng yếu liệt hai chi dưới.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 792023 hoi chung khien nguoi benh bi viem duong ho hap dao nguoc phu tang1
    Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Người Lao Động

    Bệnh nhân được phẫu thuật can thiệp tối thiểu bắt vít qua da làm vững cột sống và khôi phục khả năng vận động một cách nhanh nhất. Đây kỹ thuật mới, khắc phục được khuyết điểm của phương pháp phẫu thuật truyền thống.

    Sau phẫu thuật, bà P. đã có thể ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng với sự hỗ trợ của khung tập đi, giảm đau và không nghĩ rằng mình được phục hồi nhanh như vậy. 

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-7-9-2023-hoi-chung-khien-nguoi-benh-bi-viem-duong-ho-hap-dao-nguoc-phu-tang-a589947.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan