Tin tức đời sống mới nhất ngày 6/4/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 18/2/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Cặp song sinh chào đời giữa đại dịch được đặt tên Corona và Covid
Bà Preeti Verma cùng cặp song sinh Corona và Covid. |
Một cặp vợ chồng ở bang Chhattisgarh, miền trung Ấn Độ đã đặt tên cho cặp song sinh mới sinh của họ là Corona và Covid trong bối cảnh nước này đang trong tình trạng phong tỏa toàn quốc do đại dịch.
Cặp song sinh, một trai và một gái, được sinh ra tại một bệnh viện ở thủ đô Raipur vào ngày 27/3, hai ngày sau khi lệnh phong tỏa đất nước bắt đầu có hiệu lực.
“Việc sinh nở diễn ra sau nhiều khó khăn và do đó, chồng tôi và tôi muốn khiến sự kiện này trở nên đáng nhớ”, sản phụ Preeti Verma, 27 tuổi, nói với Press Trust. Họ đã quyết định đặt tên các con là Corona và Covid.
Verma cho biết vợ chồng chị không có ai giúp đỡ bởi người thân không thể đến Raipur do lệnh phong tỏa.
“Khi hoạt động vận tải ngừng, cả hai chúng tôi đã phải khó khăn lắm mới tới được bệnh viện trong đêm khuya. Vì việc sinh con diễn ra sau những khó khăn đó, chúng tôi muốn có những cái tên đáng nhớ và độc đáo để đặt cho các con”, chị Verma nói và cho biết hai tên này là do nhân viên bệnh viện đã gợi ý.
“Bên cạnh đó, những cái tên này rất đẹp, với Corona trong tiếng Latin có nghĩa là vương miện”, Vinay Verma, người cha của hai bé nói thêm.
1,3 tỷ người dân Ấn Độ ở trong tình trạng phong tỏa 3 tuần cho tới ngày 14/4, theo đó các hoạt động vận tải đều phải ngừng, ngoại trừ việc đi chợ hoặc nhà thuốc thì vẫn được phép.
Các trường hợp nhiễm virus corona tăng đột biến với gần 3.000 ca và 68 trường hợp tử vong.
Tổng số ca bệnh được biết đến ở Ấn Độ là nhỏ so với Mỹ, Italy và Trung Quốc, nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo nếu có sự đột biến lớn về số ca nhiễm sẽ gây áp lực cho hệ thống y tế công cộng vốn đã quá tải ở nước này.
Bệnh nhân Covid-19 nhổ nước bọt vào hành khách trước khi chết trên tàu
Cảnh người đàn ông xếp hàng mua vé tàu. |
Thi thể của Anan Sahoh được phát hiện vào thứ Ba sau khi anh ta lên một chuyến tàu từ Bangkok đến Narathiwat thuộc phía nam Thái Lan một ngày trước đó.
Sau đó, người đàn ông này được xác nhận có Covid-19 và các quan chức đã khử trùng tàu, ra lệnh cách ly trong 14 ngày với tất cả những ai có mặt trên tàu lúc đó. Nhưng khi đoạn phim CCTV từ trạm được kiểm tra, lực lượng chức năng đã kinh hoàng khi biết Anan, 56 tuổi, đã làm gì khi mua vé.
Cảnh quay cho thấy Anan chống nạng, không thèm quan tâm đến khoảng cách an toàn lúc xếp hàng và nhổ vào mặt một người đàn ông xếp hàng trước.
Sau sự việc, Anan bỏ đi và lên chuyến tàu mà sau đó anh ta được tìm thấy đã chết.
Chính quyền Thái Lan đang đau đầu truy vết nạn nhân bị nhổ vào mặt tại nhà ga Bang Sue, lo sợ rằng anh ấy có thể bị nhiễm Covid-19.
Giám đốc Đường sắt Nhà nước Thái Lan, Thakoon Intrachom, cho biết: “Chúng tôi đang lo lắng về một người đàn ông bị nhổ nước bọt trong đoạn phim camera an ninh. Ban đầu, chúng tôi phối hợp với cảnh sát đường sắt nhưng họ chưa tìm thấy anh ta. Chúng tôi muốn thông báo rằng nếu có ai biết anh ta hoặc nếu anh ta có nghe về tin tức, hãy đến bệnh viện ngay lập tức”.
Các chuyên gia y tế Thái Lan cho biết Anan gần đây đã trở về từ Pakistan và có đi qua sân bay Suvarnabhumi. Anh ta có chứng nhận sức khỏe phù hợp để bay và không bị phát hiện khi kiểm tra thân nhiệt tại sân bay.
Anan sau đó lên tàu và kiểm tra thân nhiệt tại nhà ga cho thấy nhiệt độ bình thường: 36 độ C. Tuy nhiên, người đàn ông này bị ho và nôn trong suốt hành trình. Nhân viên tàu đã chụp ảnh anh ta và chứng minh thư. Nhưng tình trạng của anh khá hơn khi tàu đến ga Hua Hin.
Kiểm tra thân nhiệt lần nữa vẫn cho kết quả 36 độ C, Anan được khuyên nên nghỉ ngơi tại ga Hua Hin, nhưng anh ta khăng khăng muốn tiếp tục hành trình.
Vào khoảng 22h15, nhân viên tàu phát hiện hành khách ngã gục trước nhà vệ sinh khi tàu đến quận Thap Sakae tại Prachuap Khiri Khan. Nhân viên y tế đã thực hiện các xét nghiệm trên cơ thể người đàn ông, kết quả dương tính với covid-19.
Anan cũng bị tiểu đường. Người ta tin rằng 15 hành khách khác đã có mặt trên cùng khoang tàu với Anan. Các quan chức cho biết họ đã cách ly 11 người, trong đó có hai nhân viên đường sắt từ ga Bang Sue, một nhân viên bảo vệ, bảy công nhân đường sắt và một sĩ quan cảnh sát đường sắt.
Y tá trẻ nhất nước Anh ngã gục, tử vong tại nhà sau khi làm việc liên tục suốt 12 giờ
John Alagos, nam y tá tử vong vì Covid- 19 tại Anh. |
Mới đây, nước Anh ghi nhận ca tử vong thứ 3 là nhân viên y tế, đây cũng là y tá trẻ nhất nước này chết vì Covid- 19.
Sau khi tan ca đêm vào tối 3/4, John Alagos, 23 tuổi, nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Watford, trở về nhà và anh bị sốt, đau đầu suốt cả đêm. Vài giờ sau, anh John đã tử vong ngay tại nhà vì Covid- 19. Đây là ca tử vong thứ 3 là nhân viên y tế được ghi nhận tại nước Anh, và anh John là vị y tá trẻ nhất tử vong vì Covid- 19 tại nước này.
Bà Gustilo (50 tuổi), mẹ của anh John chia sẻ: “Tôi đã hỏi John ‘Tại sao con không về nhà?’ nhưng thằng bé nói rằng, nó đã hỏi các nhân viên khác, họ nói thiếu nhân viên nên họ không thể để thằng bé đi được“.
Nghĩ rằng tình trạng của con không có gì đáng ngại nên bà Gustilo nói con uống một ít thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, sau vài phút anh John nằm co ro trên giường trong tình trạng toàn thân tím tái, xanh lét. Dù đã gọi ngay cho dịch vụ khẩn cấp nhưng anh John không thể qua khỏi.
Người mẹ 50 tuổi cũng cho biết rằng, con trai bà không được mặc quần áo bảo hộ đúng quy định khi làm việc, khiến con trai bà bị nhiễm Covid- 19 và tử vong vì căn bệnh này. Bà Gustilo cũng cho biết thêm, con trai bà không có bệnh lý nền nào.
Trong khi đó, Tracey Carter, y tá trưởng tại bệnh viện Đa khoa Watford, nói: “Nhân viên của chúng tôi được thông báo đầy đủ về các triệu chứng của bệnh Covid- 19 và tất nhiên chúng tôi không muốn nhân viên có triệu chứng bị nhiễm bệnh hoặc không khỏe sẽ ở lại làm việc. Chúng tôi luôn cập nhật cho các nhân viên của mình về phương pháp bảo hộ mới nhất để ngăn ngừa họ bị nhiễm bệnh ở nơi làm việc“.
Tuần trước, 2 y tá khác tại nước Anh đã tử vong vì Covid- 19. Cụ thể, Areema Nasreen, một bà mẹ 3 con, đã chết sau nhiều ngày điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Walsall Manor, nơi cô đã làm việc được 16 năm.
Trường hợp thứ 2 là Aimee O’Rourke, 39 tuổi, cũng là một bà mẹ 3 con, đã tử vong tại Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth ở Margate, Kent nơi cô làm việc.
Số người chết ở Anh đã tăng thêm 708 ca, nâng tổng số lên 4.353 ca trong 24 giờ qua, trở thành ngày tồi tệ nhất của Vương quốc Anh. Tổng số ca nhiễm Covid- 19 tại Anh tính đến ngày 5/4 là 41.903 trường hợp.
Chủ quan không vào viện khám, thiếu niên bị hoại tử tinh hoàn
Tinh hoàn bị xoắn theo chiều mũi tên - Ảnh: Minh họa |
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, khoa Ngoại - Tiết niệu, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thông tin các bác sĩ vừa cắt bỏ một bên tinh hoàn cho bệnh nhân nam 16 tuổi, ở Hưng Yên.
Khi tìm tới bác sĩ Liên, nam bệnh nhân trong tình trạng bìu căng, mất nếp nhăn, đau dữ dội. Kiểm tra, bác sĩ thấy tinh hoàn căng cứng và nghiệm pháp nâng bìu dương tính nên nghĩ ngay tới xoắn thừng tinh. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy tinh hoàn đã hoại tử, không thể cứu chữa. Đây là trường hợp đáng tiếc do chủ quan, xử lý muộn.
Theo bác sĩ Liên, xoắn thừng tinh là bệnh lý của nam giới do thừng tinh xoắn vặn gây ra tắc nghẽn dòng lưu thông mạch máu của thừng tinh - tinh hoàn. Hậu quả gây thiếu máu, ứ máu và hoại tử tinh hoàn nếu không được xử trí kịp thời.
Khi gặp bệnh này, nam giới phải được phẫu thuật khẩn cấp. Bác sĩ Liên khuyến cáo nếu được điều trị trong vòng 6 tiếng, tinh hoàn sẽ được cứu. Sau 12 tiếng, khả năng cứu chỉ còn 20% và sau 24 tiếng là 0%. Khi lưu lượng máu bị cắt đứt quá lâu, một tinh hoàn sẽ bị hư hỏng hoàn toàn và phải loại bỏ.
Chính vì thế, việc điều trị bằng phẫu thuật có thể phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng do chứng xoắn thừng tinh gây ra.
"Trong mùa dịch Covid-19, nhiều người có tâm lý sợ vào bệnh viện. Riêng với bệnh lý này, tôi khuyến cáo cha mẹ đưa ngay con đi khám bệnh nếu trẻ kêu đau bìu, tránh làm ảnh hưởng 'bản lĩnh đàn ông' sau này", bác sĩ Liên khuyến nghị.
Quỳnh Chi(T/h)