Cứu bé gái 5 tuổi mắc tay chân miệng nặng bằng kỹ thuật ECMO
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19 của của bệnh viện vừa sử dụng kỹ thuật ECMO để cứu sống bệnh nhi T.N.Y. (5 tuổi, ở TP.HCM) mắc bệnh tay chân miệng nguy kịch.
Bác sĩ CKI Võ Thành Luân - Phó trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và COVD-19 chia sẻ, đây là ca bệnh tay chân miệng nặng nhất và cũng là bệnh nhân đầu tiên phải dùng tới kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể).
Cụ thể, bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng độ 4. Khai thác bệnh sử ghi nhận, bé Y. có biểu hiện đau đầu, sốt cao không hạ. Hôm sau, bé vẫn sốt cao, ngủ gà, run tay chân, giật mình nhiều lần khi thức, thở mệt, da nổi bông tím toàn thân.
Gia đình đã đưa bệnh nhi nhập viện tuyến dưới và được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).
Tại đây, bệnh nhi lập tức được cho thở máy, truyền thuốc IVIg (Immunoglobulin), sử dụng các thuốc vận mạch, trợ tim và can thiệp lọc máu liên tục. Tuy nhiên, tình trạng của bé ngày càng nặng do tổn thương tim nặng, hoại tử tế bào cơ tim, men tim tăng hơn 5.000 lần so với bình thường, loạn nhịp phức tạp, rơi vào cơn nhịp nhanh thất.
Các bác sĩ nhanh chóng sốc điện nhiều lần cho bé, truyền thuốc chống loạn nhịp và hồi sức tim phổi ngoài lồng ngực nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Hội chẩn toàn viện được triển khai. Các bác sĩ nhận thấy, bệnh nhi dù có tổn thương tim, phổi nặng nhưng vẫn có đáp ứng về thần kinh nên đã quyết định can thiệp ECMO cho bé.
Thời điểm chuẩn bị can thiệp ECMO, tim bệnh nhi suy yếu dần, nhịp tim giảm và rời rạc, huyết áp tụt liên tục. Các bác sĩ phải luân phiên hồi sức tim phổi, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đồng thời vận hành hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể.
Sau 5 ngày triển khai kỹ thuật này cùng với các điều trị hỗ trợ tích cực như thở máy, lọc máu, vận mạch, trợ tim, dinh dưỡng…, tình trạng bệnh của bé cải thiện, các tổn thương tim dần hồi phục, các cơ quan khác như thần kinh ổn định và được cai ECMO.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với EV71, tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao. Sau ba tuần điều trị, sức khoẻ bé Y. đã ổn định, thần kinh cải thiện tốt, ăn uống bình thường, dự kiến bé sẽ sớm được xuất viện.
Gắp viên sỏi đường mật “hình cây” hiếm gặp cứu bệnh nhân 45 tuổi
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (TP.HCM), các bác sĩ tại đây vừa phẫu thuật gắp viên sỏi đường mật "hình cây" hiếm gặp cứu bệnh nhân N.T.K (45 tuổi, ngụ TP Thủ Đức).
Bệnh nhân K. cho biết bị đau bụng kéo dài khoảng 3 ngày trước khi đến bệnh viện. Qua thăm khám, hình ảnh CT-scaner bụng cho thấy gan lớn, đường mật trong gan giãn có nhiều sỏi với kích thước 66x15mm. Ống mật chủ giãn kích thước khoảng 17mm, đoạn cuối ống mật chủ có sỏi khoảng 24x12mm.
Bệnh nhân được nhập viện điều trị. Sau 3 ngày, tình trạng đau bụng cải thiện, giảm đau, giảm sốt nhưng bệnh nhân vẫn còn chán ăn, vàng da nhiều, các chỉ số sinh hóa máu có giảm nhưng vẫn còn trong mức cao. Do đó, bệnh nhân được chỉ định mổ lấy sỏi đường mật giải quyết nguyên nhân.
Báo Người Lao Động đưa tin, quá trình mổ, bác sĩ ghi nhận gan bệnh nhân to ứ mật nhiều, túi mật thành mỏng. Ống mật chủ và ống gan chung giãn khoảng 20mm có sỏi cứng, tắc hoàn toàn đường mật ngoài gan.
XEM THÊM: FDA phê duyệt thuốc uống điều trị trầm cảm sau sinh đầu tiên trên thế giới
Bác sĩ đã gắp ra 3 viên sỏi đường mật (2,5x1,5cm; 6,5x2cm và 1x1,5cm) bị đứt rời tạo thành "hình cây" đường mật ngoài gan. Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, bụng mềm, dẫn lưu khoảng 400 ml dịch mật, vết mổ khô... Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Người phụ nữ 35 tuổi tử vong sau khi uống gần 2 lít nước
Trong lúc cùng chồng và hai con gái đi chơi tại hồ Freeman (bang Indiana, Mỹ) trong dịp Quốc khánh Mỹ 4/7, chị Ashley Summers đột nhiên cảm thấy mất nước nghiêm trọng.
“Em tôi bắt đầu bị đau đầu dữ dội và rất khát nên quyết định uống nhiều nước", Devon Miller, anh trai của Ashley, nói với Good Morning America. Ashley đã uống khoảng 4 chai, tương đương gần 2 lít nước.
Tuy nhiên, chị Ashley không hết đau đầu mà còn cảm thấy chóng mặt. Trên đường cả gia đình về nhà, chị gục xuống khi đu ngang qua garage. Chồng của chị đã thực hiện hô hấp nhân tạo cho vợ nhưng vô vọng. Khi vào bệnh viện, Ashley buộc phải thở máy, não của chị bị sưng và chết dần. Chị qua đời vào đêm hôm đó.
Các bác sĩ thông báo người phụ nữ tử vong do ngộ độc nước. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tình trạng hiếm gặp này xảy ra khi một người uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn, làm đảo lộn cân bằng điện giải trong cơ thể.
Khi còn sống, chị Ashley đã đăng ký hiến tặng nội tạng. Tim, phổi, gan, thận và mô xương của chị được sử dụng để đem lại cơ hội sống cho 5 người khác.
Đinh Kim (T/h)