Học sinh 14 tuổi sốc nhiệt sau khi tập thể dục ở trường
Theo báo Người Lao Động, ngày 5/5, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhi T.T.K (14 tuổi) bị sốc nhiệt sau khi tập thể dục ở trường.
Bệnh nhi được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, tự thở qua nội khí quản, sốt 39 độ C, mạch 126 lần/phút, huyết áp 110/80mmHg, da khô nóng, được chẩn đoán sốc nhiệt trên trẻ vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng.
Khai thác bệnh sử, trước khi nhập viện, buổi sáng bệnh nhi tham gia tập chạy quanh sân bóng của trường khoảng 10 vòng, mỗi vòng trung bình 400m trong 30 phút. Sau khi chạy xong, bệnh nhi than mệt, vã mồ hôi, chuột rút, nhức đầu và ngất xỉu không còn biết gì.
Bệnh nhi nhanh chóng được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, thở yếu, sốt 41 độ C, SpO2 70%, mạch nhẹ 165 lần/phút, huyết áp 80/50mmHg. Tại đây, bệnh nhi được xử trí đặt nội khí quản giúp thở truyền dịch chống sốc, được làm CT-scan não không ghi nhận tổn thương. Do tình trạng trẻ diễn tiến nặng nên bệnh viện địa phương chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được làm các xét nghiệm máu, X-quang phổi, CT-scan não kiểm tra ghi nhận trẻ có tổn thương gan, thận, toan chuyển hóa, lactate máu tăng. Trẻ được tiếp tục truyền dịch, lau mát bằng nước thường kết hợp với quạt để tăng cường thải nhiệt, điều chỉnh điện giải, đường huyết, truyền bicarbonate.
Kết quả sau 6 giờ điều trị, tình trạng trẻ cải thiện, còn sốt 38 độ C, tỉnh táo tự thở khá nên được cai máy thở thở oxy và được tiếp tục điều trị hỗ trợ gan, thận, đồng thời theo dõi tình trạng huyết động.
Nhân đây, bác sĩ Tiến lưu ý vào mùa nắng nóng, cha mẹ nên cho con em mình mặc đồ vải mỏng, ngắn tay, màu nhạt tránh hấp thu nhiệt, uống nhiều nước, tránh chơi vận động mạnh dưới trời nắng nóng, cho trẻ đội nón rộng vành khi đi ngoài trời nắng.
Tự ý bỏ thuốc, người đàn ông phải nhập viện cấp cứu
Tờ Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, cách đây 5 tháng, khi đi khám, ông N.V.T (trú tại Quảng Ngãi) phát hiện mắc bệnh lý thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc một tháng, bệnh nhân tự ý bỏ thuốc.
Người bệnh nghĩ rằng bản thân không mắc bệnh tim. Đến ngày 26/4, bệnh nhân xuất hiện đau ngực trái và mệt đột ngột. Người nhà đưa bệnh nhân đi khám tại bệnh viện trên địa bàn và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim.
Sau đó, người bệnh được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán sốc tim do nhồi máu cơ tim, tình trạng rất nặng, sức co bóp tim (EF 19%) chỉ bằng 1/4 người bình thường.
Ngay lập tức, bệnh nhân được xử trí cấp cứu và nhanh chóng chuyển lên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để ổn định tình trạng huyết động hô hấp. Theo các bác sĩ, tình trạng của bệnh nhân như "nghìn cân treo sợi tóc".
Bên cạnh cho bệnh nhân thở máy, duy trì vận mạch, các chuyên gia đã hội chẩn khẩn cùng khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch và Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Kết quả chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân hẹp nặng 3 thân động mạch vành, tắc cấp LAD. Xác định đây là trường hợp nhồi máu cơ tim nặng, bệnh nhân được can thiệp mạch vành cấp cứu song song với hồi sức tim phổi (ECMO).
Sau 24 giờ được can thiệp đặt Sten mạch vành cấp cứu và áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực nâng cao, tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân đã cắt được vận mạch và rút ống nội khí quản.
Bé gái 8 tuổi bị đột quỵ sau khi tắm
Đơn vị Phục hồi chức năng, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận bệnh nhi N.T.A (8 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) đột quỵ, được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, theo VTC News.
Bệnh nhi có tiền sử khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường. Khoảng 18h ngày 28/3, sau khi tắm xong, bệnh nhi có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật.
Bệnh nhi được sơ cứu ban đầu tại trung tâm y tế huyện trước khi chuyển thẳng xuống Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán nhồi máu não nhân bèo trái không rõ nguyên nhân - liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải.
Sau 9 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được chuyển về phục hồi chức năng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng miệng méo, nói chưa tròn tiếng, nửa người bên phải yếu, đi lại sinh hoạt cần sự trợ giúp của người nhà, không thể tự đánh răng, rửa mặt, buộc tóc; cầm nắm đồ vật nhỏ rất khó; không thể viết chữ.
10 ngày tích cực điều trị tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhi hồi phục tốt. Miệng của bé hết méo, ăn uống không rơi vãi, có thể tự đi lại, vui chơi mà không phải phụ thuộc vào dụng cụ trợ giúp hay người nhà hỗ trợ, hoạt động sinh hoạt hàng ngày bằng tay bên phải như đánh răng, rửa mặt, tự mặc quần áo, viết được chữ to tuy còn xấu.
Đinh Kim(T/h)