4 trẻ nhập viện cấp cứu vì nổ pháo không rõ nguồn gốc
Theo TTXVN, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đơn vị vừa tiếp nhận 4 trẻ nhập viện cấp cứu do nổ pháo không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, tối 4/2, khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận ba cháu (từ 3-14 tuổi, cùng ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) bị bỏng nhiều vùng do đốt thuốc pháo mua trôi nổi trên mạng xã hội. Trước đó, đơn vị cũng tiếp nhận một bệnh nhi khác (trú tại huyện Phú Lộc) bị bỏng diện rộng vì chơi pháo không rõ nguồn gốc.
Sau khi được cấp cứu, hai bệnh nhi nhỏ tuổi được chuyển đến theo dõi tại khoa Hồi sức Tích cực - Cấp cứu Nhi - Trung tâm Nhi khoa. Hai ca bệnh tạm ổn định được chuyển về điều trị, chăm sóc tại khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình di chứng - Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Phẫu thuật Tạo hình.
ThS.BS Hồ Đăng Quân - Phó Trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Cấp cứu Nhi, cho biết hai bệnh nhi tại đơn vị đã tỉnh táo. Hai trẻ có bị bỏng rát vùng mặt, đang được điều trị truyền dịch và kháng sinh. Đặc biệt, cháu bé 3 tuổi có độ bỏng sâu, diện tích bỏng là 16% ở vùng bàn tay, cẳng chân và mặt bị sưng phù.
Hiện, hai trường hợp tại khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình di chứng cũng đã tỉnh táo, đang được chăm sóc tích cực. Trong đó, trường hợp một cháu (trú huyện Phú Lộc) bị bỏng diện rộng vùng mặt, cẳng chân, bàn tay, bụng và ngực, chẩn đoán diện tích bỏng là 12%; vùng da tay bị cháy sâu và đang có kế hoạch phẫu thuật trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Đức Hạnh - Trưởng khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình Di chứng, may mắn là các bệnh nhi được tiếp nhận kịp thời và tích cực hồi sức qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần quan tâm, quản lý không để trẻ tham gia các hoạt động như tự chế, chơi pháo, thuốc súng không rõ nguồn gốc trong dịp Tết, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Cứu sống cụ ông 100 tuổi mắc bệnh tim mạch nguy hiểm
Báo Hà Tĩnh đưa tin, dưới sự hỗ trợ của hệ thống chụp can thiệp mạch số hoá xoá nền, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành can thiệp, thành công cứu sống cụ ông N.H.H (100 tuổi, trú tại thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà) bị block nhĩ thất độ 3.
Trước đó, người bệnh nhập viện tuyến dưới. Sau 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, đau sưng đỏ khớp bàn chân và ngón chân phải kèm đau mỏi cột sống thắt lưng, chóng mặt, ù tai, mắt nhìn mờ nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Qua thăm khám, các bác sĩ khoa Nội tim mạch chẩn đoán bệnh nhân bị block nhĩ thất độ 3 hay còn gọi là block nhĩ thất hoàn toàn. Nếu không xử lý nhanh chóng, nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhân rất lớn.
Nhận định đây là một trường hợp bệnh nặng, nguy hiểm, các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên phòng can thiệp. Dưới sự hỗ trợ của hệ thống chụp can thiệp mạch số hoá xoá nền (DSA), quá trình can thiệp diễn ra kịp thời và chính xác. Mọi thao tác cấp cứu được tiến hành rất khẩn trương, đồng bộ. Kíp can thiệp đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn hai buồng để cứu sống bệnh nhân.
Sau can thiệp, bệnh nhân đã giảm đau ngực, giảm chóng mặt, khỏe hơn, huyết động ổn định, các thông số xét nghiệm theo dõi cho thấy tình trạng sức khỏe phục hồi tốt và có thể xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Nỗ lực cứu người phụ nữ bị ngưng tim 7 lần
Theo tạp chí Tri Thức, ngày 5/2, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho hay người bệnh là bà Đ.T.T (72 tuổi, ngụ Phú Thọ), nhập viện vì đau ngực trái. Trước khi đến bệnh viện, bà được cấp cứu tại Trung tâm y tế Hạ Hòa (Phú Thọ), chẩn đoán sốc tim do nhồi máu.
Lúc đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh đã rơi vào tình trạng sốc tim rất nặng, huyết áp tụt thấp và mạch rời rạc. Sau 5 phút nhập viện, bệnh nhân bị ngừng tim.
Các bác sĩ nhanh chóng kích hoạt quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người bệnh. Từ đây, cứ sau mỗi lần cấp cứu, tim của bệnh nhân chỉ đập 3-5 phút rồi lại ngừng. Đến lần thứ 6, gia đình của bà T. xin về vì thấy không còn hy vọng.
Tuy nhiên, các bác sĩ đã khuyên người nhà "còn nước còn tát", tiếp tục cấp cứu ngừng tim cho người bệnh. Khi tim đập trở lại, một cuộc hội chẩn nhanh chóng diễn ra giữa các khoa. Người bệnh được chuyển thẳng lên phòng can thiệp tim mạch với tình trạng hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn tối đa, dùng thuốc vận mạch liều cao.
Kết quả chụp động mạch vành cho thấy tim của người bệnh tổn thương nặng, trong đó có nhánh động mạch vành phải tắc hoàn toàn. Bệnh nhân được đặt stent, tái thông dòng máu cấp nuôi cho tim và đặt máy tạo nhịp tạm thời.
Tuy nhiên, sau can thiệp, bà T. tiếp tục ngừng tim lần thứ 7. Bác sĩ cấp cứu ngừng tim liên tục trong 10 phút. Cuối cùng, điều kỳ diệu đã đến, tim bệnh nhân đập trở lại trong lồng ngực. Khi về khoa, người bệnh vẫn hôn mê sâu, đồng tử giãn tối đa, phản xạ ánh sáng rất yếu, sốc nặng do toan chuyển hoá, suy đa cơ quan, rối loạn điện giải nặng.
XEM THÊM: Cứu sống bé gái 15 tuổi nhảy từ cửa sổ chung cư xuống đất vì “cảm thấy buồn”
Các bác sĩ nhanh chóng cho bệnh nhân thở máy, đặt PICCO (hệ thống theo dõi huyết động cấp cao) để theo dõi huyết động, lọc máu liên tục điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, bù điện giải và điều chỉnh các thông số. Chuẩn bị sẵn sàng ECMO trong tình huống người bệnh diễn biến xấu hơn.
Sau 24 giờ hồi sức liên tục, người bệnh có tín hiệu của sự sống và dần phục hồi. Các thuốc vận mạch được giảm liều, chức năng thận dần hồi phục, người bệnh có nước tiểu trở lại.
Đến ngày thứ 5 điều trị, tình trạng hô hấp, huyết áp của bà ổn định. Đặc biệt, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, không có bất kỳ di chứng thần kinh nào mặc dù thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn kéo dài. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị phục hồi tại bệnh viện.
Đinh Kim(T/h)