Người đàn ông liệt nửa người cùng lúc mắc 2 bệnh ung thư
VTV Times dẫn lời nam bệnh nhân C.V.T. (67 tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ) cho hay năm 2019, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, để lại di chứng liệt nửa người bên phải nên phải di chuyển bằng xe lăn và cần có người nhà hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày.
Cách đây 4 tháng, bệnh nhân có biểu hiện đau họng, nuốt khó, mệt mỏi và kém ăn nên đã đến thăm khám tại một bệnh viện tuyến trung ương. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư hạ họng/ tai biến mạch máu não cũ. Dù được các bác sĩ tư vấn điều trị tại đây nhưng bệnh nhân và người nhà đã xin về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để điều trị.
Cuối tháng 10/2023, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám và xin vào viện điều trị. Tiếp nhận kết quả khám bệnh của bệnh nhân tại bệnh viện tuyến trung ương, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện thêm một số chỉ định cận lâm sàng.
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc 2 bệnh ung thư là ung thư hạ họng và ung thư thực quản/ tai biến mạch máu não cũ, rối loạn cân bằng nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan. Nhận thấy đây là trường hợp đặc biệt, các bác sĩ Trung tâm Ung bướu đã tiến hành hội chẩn cùng với các chuyên gia để đưa ra phương án điều trị tối ưu và phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Sau hội chẩn, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Xạ trị - Y học hạt nhân, Trung tâm Ung bướu để điều trị xạ trị theo kế hoạch hóa trị, xạ trị đồng thời. Sau hơn 3 tháng điều trị, bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định, ăn uống tốt, không còn đau họng.
Trái với tình trạng mệt mỏi khi mới vào viện, hiện tại bệnh nhân vui vẻ và tràn đầy sức sống. Bệnh nhân được chỉ định cho ra viện theo dõi tại nhà, định kỳ tái khám 1 tháng 1 lần để kiểm tra sức khỏe.
Theo các bác sĩ, nếu được phát hiện sớm, hầu hết các bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi hoặc kiểm soát được bệnh lâu dài. Vì vậy, người dân nên có ý thức chủ động kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ, ít nhất 1 lần/năm.
XEM THÊM: “Đam mê” hút bóng, nữ sinh 20 tuổi mất cảm giác ở chân nhiều ngày
Đặc biệt là những người có nguy cơ cao như: gia đình có tiền sử người thân từng mắc ung thư; người có thói quen sinh hoạt, lối sống thiếu lành mạnh như hay thức khuya, uống rượu bia, hút thuốc lá thường xuyên…; người làm việc trong môi trường ô nhiễm, có chứa hóa chất độc hại; người mắc các bệnh lý mạn tính như viêm gan B mạn tính, viêm loét dạ dày mạn tính, viêm đại tràng mạn tính… không được điều trị triệt để, bệnh dễ tái phát và có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư.
Lào phát hiện dịch cúm gia cầm chủng H5N1
Theo TTXVN, Cục Chăn nuôi và Thủy sản - Bộ Nông Lâm Lào mới đây cho biết nước này đã phát hiện dịch cúm gia cầm chủng H5N1 ở một chợ ở thủ đô Viêng Chăn.
Trung tâm nghiên cứu bệnh động vật của Lào thông báo đã tiếp nhận 65 mẫu bệnh phẩm từ gà và vịt ở chợ Danxang (quận Saythani, Viêng Chăn), trong đó có 30 mẫu từ gà, 30 mẫu từ vịt và 5 mẫu từ môi trường.
Qua xét nghiệm bằng phương pháp PCR đã phát hiện 30 mẫu bị nhiễm dịch cúm H5N1. Để xác nhận thêm, cơ quan này đã thu thập thêm thông tin trên một số động vật bị mắc bệnh và lấy thêm 11 mẫu, qua xét nghiệm phát hiện chủng H5N1 ở 5 mẫu và H9N2 ở 5 mẫu.
Trước tình hình trên, Sở Nông Lâm thủ đô Viêng Chăn đã chỉ đạo ngành chăn nuôi phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra nguyên nhân dịch bệnh, thu thập thông tin, khoanh vùng dịch.
Đồng thời, cấm vận chuyển gia cầm, thực hiện tiêu hủy các gia cầm bị mắc bệnh hoặc có nguy cơ lây nhiễm cần phải được khoanh vùng; tuyên truyền hướng dẫn chủ vật nuôi và người dân vệ sinh phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột lên chuồng và khu vực xung quanh.
Hàm răng giả mắc kẹt trong thực quản bệnh nhân 59 tuổi
Theo thông tin trên VTV Times, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An vừa nội soi lấy ra hàm răng giả từ thực quản nam bệnh nhân L.V.C. (59 tuổi, trú tại Long An).
Trước đó, trong lúc ăn sáng, răng giả của người bệnh không may bị rớt và nuốt trôi theo. Bệnh nhân cố tìm cách tự lấy hàm răng ra nhưng không được, gia đình vội vã đưa bệnh nhân đến viện cấp cứu.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, ngay lập tức được ekip nội soi đã tiến hành nội soi thực quản lấy di vật. Qua nội soi, phát hiện có dị vật là hàm răng giả với một chiếc răng mắc kẹt tại thực quản.
"Bằng dụng cụ qua máy nội soi, cùng với sự hỗ trợ của gây mê giãn cơ, chúng tôi thao tác nhẹ nhàng, lựa chiều xoay từ từ gắp thành công hàm răng giả này ra ngoài, tránh tối đa những tổn thương niêm mạc thực quản. Bệnh nhân đã bớt khó chịu và xuất viện ngay sau đó", bác sĩ CKI Trương Minh Hiếu - Trưởng Khoa Nội soi cho biết.
Hàng năm, khoa Nội soi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An tiếp nhận rất nhiều trường hợp dị vật tiêu hóa, bao gồm các ca dị vật là dụng cụ sinh hoạt như răng giả, vỏ thuốc, tăm, nút chai… cho tới các ca dị vật bã thức ăn. Để tránh mắc phải dị vật, người dân nên thận trọng khi ăn uống, nhai kỹ, nuốt chậm, không ăn vội vàng, tránh nuốt sặc hay hít sặc.
Những người có sử dụng răng giả càng nên cẩn trọng khi ăn, nhất là răng giả đã dùng lâu ngày có thể bị mòn, bị lỏng chân, không bám chặt vào hàm và rơi ra rất nguy hiểm vì dễ lọt vào đường ăn và đường thở. Khi đã lỡ nuốt sặc hay hít sặc, nên nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.
Đinh Kim (T/h)