Tin tức đời sống mới nhất ngày 4/12/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 4/12/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Lương Phan Văn Đức từng chỉ đủ mua kem đánh răng
Chia sẻ với báo chí về niềm vui Phan Văn Đức ghi bàn cho Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2018, bà Vũ Thị Hiền (mẹ Phan Văn Đức) nói: “Ôi, cô vui quá. Tối qua ngồi xem mà hồi hộp lắm. Đức ghi bàn thì cả nhà cô cùng hàng xóm reo mừng.
Vui lắm chứ. Đức ghi bàn và Việt Nam chiến thắng. Cô nghĩ ai cũng vui khi Việt Nam thắng Philippines”.
Phan Văn Đức giúp Việt Nam hạ Philippines 2-1. |
Trong niềm hân hoan, bà Hiền kể tiếp: “Từ hồi Đức đá AFF Cup 2018 thì cô chưa có lần nào nói chuyện với con. Đợt tập trung ở Hà Nội, Đức bị chấn thương ở tay, cô lo lắm. Sau đó, Đức điện về nói: Con chỉ bị đau nhẹ thôi, mẹ yên tâm, đừng lo quá”.
Trong niềm hân hoan khi nói về con trai, bà Hiền kể lại chuyện ngày xưa đi đá bóng của Văn Đức: “Nó đi đá bóng từ năm 11 tuổi. Thực sự, Đức trải qua rất nhiều thăng trầm trước khi được lên ĐTQG.
Cô nhớ hai năm trước, Đức đá bóng chỉ được trợ cấp vài trăm nghìn thôi. Tiền đó chỉ đủ cho con mua kem đánh răng, xà bông, còn cô phải cho thêm tiền tiêu vặt.
Năm ngoái, Đức lên đội I SLNA thì lương hơn 3 triệu/tháng. Sau U23 châu Á, Đức được nâng lương lên 7 triệu đồng. Thế nên, Đức cũng chỉ đủ trang trải cho bản thân. Nhưng được như thế thì cô vui lắm rồi. Cô nhớ mãi hồi năm cháu đi đá U19 Việt Nam, cháu trước ngày lên đường thì điện về xin cô gửi tiền cho mua đôi giày.
Tính ra, ngót ngắt cũng 10 năm thì Đức đá bóng, nỗ lực mới được như bây giờ. Cô mong sao Đức có thể chơi bóng tốt, sống tốt với niềm đam mê bóng đá”.
10 năm đi đá bóng, Phan Văn Đức nhận số tiền trợ cấp chỉ đủ mua kem đánh răng. Thế nên, gia đình gần như phụ cấp tiền tiêu vặt cho con. Đó là sự cố gắng rất lớn của bà Hiền để chăm lo cho con theo nghiệp cầu thủ.
Niềm tin đó cũng đến ngày “nở hoa”. Số phận của Văn Đức đã thay đổi một cách ngoạn mục trong năm 2018. Bây giờ, gia đình không còn phải cho thêm tiền để Văn Đức tiêu vặt. Thu nhập đã cải thiện rất nhiều kể từ lúc khoác áo ĐTQG.
Đúng hơn, Phan Văn Đức trở thành hiện tượng kỳ lạ nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2018. Chàng trai người xứ Nghệ được gọi lên U23 Việt Nam theo kiểu “tàu vét”. Sau đó, Văn Đức “bay” lên ĐTVN với một phong độ chói sáng.
Và không còn nghi ngờ gì nữa, Phan Văn Đức đang chứng tỏ đẳng cấp trong màu áo ĐTVN. Phan Văn Đức đã có 2 bàn thắng vào lưới Campuchia và Philippines đều rất đẹp. Hơn hết, bàn thắng vào lưới Philippines đang giúp cho Việt Nam có cơ hội lớn giành vé vào chung kết AFF Cup 2018.
“Con trai chơi tốt, ghi bàn thì cô vui lắm. Cô hy vọng Việt Nam có thể vô địch AFF Cup 2018 như sự kỳ vọng của hàng triệu người hâm mộ”, bà Vũ Thị Hiền nói.
Thai nhi gần 3,5 kg chết trong bụng mẹ
Ngày 2/12, phản ánh với báo chí, gia đình sản phụ C.K.N. (SN 1994, ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, vào khoảng 8h ngày 29/10, chị N. thấy ra nước ối nhiều nên đã kêu gia đình đưa đến Bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) để chờ sinh. Lúc này, chị N. đang mang thai được 39 tuần 1 ngày.
Sau khi thăm khám cho chị N., bác sĩ kết luận sản phụ có hiện tượng ra dịch nhầy, mở nửa phân nhưng chưa có dấu hiệu sinh. Sau đó, chị N. được bác sĩ cho về nhà nghỉ ngơi với lời dặn sau 3 ngày, nếu có dấu hiệu đau bụng, thai máy yếu, ra huyết… thì nhập viện ngay.
Mặc dù gia đình tỏ ra lo lắng nhưng vẫn làm theo lời dặn của bác sĩ và cho chị N. về nhà theo dõi. Đến khoảng 4h ngày 31/10, chị N. đau bụng, có ra một chút máu nhưng thai vẫn máy bình thường. Ngay lập tức, gia đình tiếp tục đưa N. tới Khoa cấp cứu của Bệnh viện Từ Dũ thăm khám.
Đến phòng cấp cứu lúc 9h cùng ngày với sức khoẻ yếu, chị N. vẫn phải bốc số ngồi chờ tới lượt vào khám. Vào phòng đo tim thai nhưng sau 2 lần đổi máy đo, bác sĩ không thấy được tim thai của thai nhi và chị N. được chuyển tới phòng siêu âm. Tại đây, bác sĩ siêu âm khẳng định tim thai không còn đập. Thai nhi được chuẩn đoán nặng 3,450 kg.
Bé trai sau khi được bác sĩ bắt ra đã được gia đình mặc quần áo để đưa đi mai tang. |
Chia sẻ với PV, chị T.T.H. (chị gái của chị N.) cho hay: “Khi N. lên Bệnh viện Từ Dũ cấp cứu, có mẹ tôi và chồng em ấy. Vợ chồng tôi sắp xếp đồ để lên sau. Thế nhưng, thật sự sốc khi em trai tôi khóc gọi điện báo N. bị thai lưu. Sau 2 tiếng đồng hồ, tôi đến bệnh viện nhưng vẫn thấy em N. phải ngồi ngoài hành lang trong khi sức khoẻ em tôi khi ấy rất yếu”.
“Nóng ruột đứng ngồi không yên, tôi phải chạy đi tìm các bác sĩ để xin giường cho em tôi nằm nghỉ ngơi. Khi đó, bác sĩ nói do bệnh viện quá tải nên em tôi đành phải đợi và sau đó mới được chăm sóc đặc biệt”, chị H. chia sẻ thêm.
Anh T.N.G. (chồng chị N.) bức xúc cho biết: “Chúng tôi đã đi tìm bác sĩ hỏi về nguyên nhân vợ tôi bị lưu thai nhưng câu trả lời người nhà tôi nhận được là thai lưu không rõ nguyên nhân. Bác sĩ giải thích là phía bệnh viện đã làm đúng phác đồ. Gia đình chúng tôi không thể chấp nhận được câu trả lời như vậy. Trong sự việc này, gia đình tôi cho rằng bác sĩ đã tắc trách khiến con tôi chết lưu trong bụng mẹ. Tôi đề nghị bệnh viện cần thành lập hội đồng y khoa để trả lời cụ thể về trường hợp của con tôi”.
Theo anh G., nằm 1 ngày trong bệnh viện, chị N. được chỉ định sinh thường để bắt thai lưu lúc 15h ngày 1/11. Khi bắt ra, bé trai vẫn hồng hào nhưng không còn hy vọng sống với dây rau quấn cổ đã tím bầm.
Liên quan đến vụ việc, BS.CK1 Bùi Văn Hoàng (Bệnh viện Từ Dũ) kết luận: “Việc thai nhi tử vong trong bụng mẹ là “rủi ro trong y khoa”. Đây là ca chết ngoại viện, không phải sai sót trong chuyên môn. Việc thai chết lưu không phải do dây rốn quấn cổ. Phía bệnh viện chúng tôi chia buồn cùng gia đình”.
Cũng với vấn đề này, TS.BS Lê Ngọc Diệp (Trưởng phòng công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ) chia sẻ: “Một năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 65.000 ca sinh, việc thai lưu cũng xảy ra 2 đến 3 trường hợp là “rủi ro trong y khoa”. Những trường hợp này khó có thể giải thích được nguyên nhân vì sao thai đột tử bất thường”.
Bác sĩ Hoàng cũng đưa ra khuyến cáo, việc tràng hoa quấn cổ là bình thường và không quá nguy hiểm. Theo chỉ định của bệnh viện không nên cho sản phụ biết về vấn đề này để sản phụ giảm bớt lo lắng trong quá trình mang thai. Ngoài ra, các thai phụ đặc biệt chú ý tới cử động thai như thai máy bất thường, thai máy yếu, ra nước hay huyết âm đạo, đau bụng… cần đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Người đàn ông bị gai đâm xuyên thủng mắt
Thông tin từ khoa Mắt, bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba - Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, các bác sĩ khoa này vừa phẫu thuật cấp cứu cho một người đàn ông bị gai đâm xuyên thủng mắt trong khi đi làm rừng.
Được biết, bệnh nhân T.X.T. (45 tuổi), trú tại xã Mai Hoá, huyện Tuyên Hoá, nhập viện trong tình trạng bị chấn thương vùng mắt.
Cái gai sau khi đã được bác sĩ phẫu thuật lấy ra khỏi mắt. |
Bệnh nhân T. cho biết, trong lúc đi rừng ông đã bị gai của cây mây đâm vào mắt phải. Vì quá đau, ông T. đã dụi mắt làm gãy gai, xuất hiện đau nhức và nhìn mờ. Khi về nhà, ông này được gia đình đưa đi nhập viện.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T. bị chấn thương xuyên thủng nhãn cầu, dị vật nội nhãn và vỡ thể thủy tinh. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật ra khỏi mắt bệnh nhân ngay lập tức.
Hiện, bệnh nhân T. đang được theo dõi và điều trị tại khoa Mắt.
Bác sĩ Nội trú Phạm Thị Diệu Trâm, phẫu thuật viên chính cho biết, đây là trường hợp chấn thương nặng, nếu không phẫu thuật ngay, bệnh nhân có nguy cơ viêm mủ nội nhãn dẫn đến mất thị lực là rất cao.
Đồng thời, bác sĩ Diệu Trâm cũng khuyến cáo, người dân đi rừng nên mang kính bảo hộ mắt đề phòng chấn thương mắt đáng tiếc xảy ra.
Thu Hằng (T/h)