Đi khám vì bị táo bón, người đàn ông sốc khi nghe kết quả
Theo thông tin trên VietNamNet, PGS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trung tâm vừa tiếp nhận nam bệnh nhân bị ung thư đại tràng, triệu chứng là táo bón.
Cụ thể, ông T.V.T. (68 tuổi, trú tại Cẩm Giàng, Hải Dương) đến khám vì táo bón kéo dài nhiều tháng nay. Sau khi thăm khám, bác sĩ nghi ngờ người bệnh có tổn thương tại đại tràng nên đã chỉ định nội soi đại trực tràng toàn bộ ống mềm.
Bác sĩ phát hiện đại tràng sigma có tổn thương chiếm 1/2 lòng chu vi thâm nhiễm cứng. Kết quả sinh thiết tổn thương đại tràng là ung thư biểu mô tuyến, biệt hóa vừa. Khi nghe kết quả mắc ung thư, ông T. sốc vì không nghĩ rằng chỉ dấu hiệu đơn giản là táo bón đã âm thầm cảnh báo sớm ung thư từ vài tháng nay.
Được biết, ung thư đại tràng là bệnh ung thư thường gặp trên thế giới sau ung thư phổi, dạ dày và gan. Nếu bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90%. Nhiều người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.
Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa, nên ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay bị rối loạn đại tiện như đi táo, đi lỏng kéo dài. Người bệnh dùng các loại thuốc không có tác dụng, triệu chứng đau quặn bụng, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài rõ rệt hơn.
Cùng với đó, kích thước của chất thải cũng giúp phát hiện những bất thường trong hệ tiêu hóa. Tình trạng phân mỏng rất có thể do vật cản như khối u khiến phân bị chặn lại. Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt cũng là dấu hiệu đáng lo ngại. Ngoài các triệu chứng này, khi ung thư muộn, có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần…
Cả nước ghi nhận hơn 86.000 ca mắc tay chân miệng từ đầu năm 2023
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, theo thống kê trong tuần 37, cả nước ghi nhận 5.250 ca mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. Tích luỹ từ đầu năm, cả nước ghi nhận 86.078 ca mắc, 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 75,4%, số ca tử vong tăng 18%.
Tại Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng trong vài tuần gần đây. Nếu như tuần 36 ghi nhận 70 trường hợp mắc thì tuần 37 tăng lên 105 trường hợp và đến tuần 38 là 139 ca bệnh. Dự kiến số ca mắc có thể gia tăng tiếp tục khi học sinh mầm non, tiểu học đã vào học ổn định.
Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay đang là thời gian đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh tay chân miệng.
Theo ThS.BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, năm nay Khoa Nội Tổng quát tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình là viêm não.
Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ. Ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi loạng choạng…
XEM THÊM: Em bé 18 tháng tuổi được nối liền bàn tay sau tai nạn từ máy cắt đá của gia đình
ThS. Đỗ Thị Thúy Hậu – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ.
Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Nhân viên y tế hiến máu cứu sản bị bị đờ tử cung sau sinh con thứ 4
Theo VTV News, các bác sĩ khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ vừa cấp cứu thành công sản phụ bị đờ tử cung sau sinh con thứ 4, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cụ thể, sản phụ L.T.S (32 tuổi, trú tại xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) có dấu hiệu chuyển sinh được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ. Lúc 13h cùng ngày, sản phụ sinh thường bé gái nặng 3.400 gram và tiếp tục được theo dõi, kiểm soát tử cung tại phòng đẻ.
Đến 14h, sản phụ xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo, tử cung co hồi kém, được chỉ định dùng các thuốc tăng co nhưng không đáp ứng. Sản phụ có dấu hiệu choáng, giảm thể tích, da xanh tái, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Các bác sĩ khoa Phụ Sản mời bác sĩ Gây mê – Hồi sức hội chẩn, thống nhất chẩn đoán đờ tử cung sau sinh, giải thích cho gia đình sản phụ chuyển phẫu thuật cấp cứu. Kíp mổ gồm các bác sĩ khoa Phụ Sản và khoa Ngoại - Phẫu thuật đã tiến hành thực hiện phẫu thuật cắt tử cung bán phần cầm máu.
Song song với đó, sản phụ nhận được 2 đơn vị máu từ bác sĩ Lê Văn Sơn và điều dưỡng Nguyễn Trà My, thành viên ngân hàng máu sống của đơn vị và 1 đơn vị máu từ người nhà sản phụ nên đã kịp thời cấp cứu thành công, sản phụ qua cơn nguy kịch. Hiện tại, sức khỏe của sản phụ và bé đều ổn định, đã được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Nam Thắng - Phó Trưởng khoa Phụ Sản cho biết, đờ tử cung sau sinh là một biến chứng vô cùng nguy hiểm trong sản khoa, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ.
Nguyên nhân có thể do đẻ nhiều lần, tử cung có sẹo, u xơ tử cung, tử cung dị dạng… Do đó, các sản phụ sinh nhiều lần có tiền sử băng huyết, thai to, thai nghén có nguy cơ cao cần được khám thai định kỳ và quản lý thai nghén tốt và theo dõi sát cuộc chuyển dạ.
Đinh Kim (T/h)