Người phụ nữ co giật nửa mặt, liên tục mất ngủ suốt 4 năm
Báo Tiền Phong đưa tin, Bệnh viện Quốc tế City TP.HCM vừa tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân T.X.H. (40 tuổi, ngụ tại thành phố Tân An, tỉnh Long An). Được biết, đây là trường hợp bị co giật nửa mặt trong thời gian dài rất ít gặp.
Qua khai thác bệnh sử từ phía người bệnh ghi nhận, khoảng 4 năm trước, chị có biểu hiện bị co thắt một bên mặt. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị nhưng tình trạng không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm.
Trước khi nhập viện, bệnh nhân thường xuyên bị co thắt nửa mặt bên trái. Tình trạng bệnh không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt thường ngày, hạn chế tầm nhìn mà còn khiến bệnh nhân mất ngủ kéo dài, mất tự tin trong giao tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.
Qua thăm khám và kiểm tra hình ảnh, ekip chuyên môn hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh co thắt và giật nửa mặt bên trái do bị chèn ép vi mạch dây thần kinh số 7. Đối với bệnh lý này khi việc điều trị nội khoa không mang lại kết quả, phẫu thuật là phương pháp tối ưu.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật cho người bệnh. Sau 3 giờ khẩn trương trong phòng mổ, bằng kỹ thuật kết hợp cùng lúc hệ thống kính vi phẫu và hệ thống nội soi, các bác sĩ đã giải ép vi mạch dây thần kinh số 7 thành công cho người bệnh.
Sau 4 ngày phẫu thuật, sức khỏe người bệnh tiến triển tốt, cơn co giật nửa mặt bên trái hết hoàn toàn. Bệnh nhân đã có thể xuất viện trở về với cuộc sống bình thường.
Nắp thuốc xịt họng rơi vào phế quản bệnh nhân 42 tuổi
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.B.H. (42 tuổi, trú Thị trấn Thạch Hà, Hà Tĩnh). Người bệnh đã điều trị viêm phổi trong thời gian dài ở bệnh viện tuyến dưới mà không thấy thuyên giảm.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau ngực, khó thở. Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ đã thăm khám và chẩn đoán người bệnh bị xẹp phổi phải, nghi mắc dị vật ở phế quản. Người bệnh được các bác sĩ khoa Nội tổng hợp thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm, phát hiện dị vật bằng nhựa, có hình ống, nghi là nắp thuốc xịt họng của bệnh nhân trong lòng phế quản trung gian.
Bác sĩ tiến hành gắp dị vật lấy ra 1 nắp thuốc kích thước khoảng 2.5x1.5cm. Sau khi dị vật được lấy ra, bệnh nhân giảm ho, ăn uống tốt, sức khỏe trở lại bình thường.
Nhân trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo mọi người, đặc biệt là người già khi uống thuốc, sử dụng các loại thuốc thuốc nên cẩn trọng. Trẻ em dùng thuốc phải có sự giám sát của người lớn tránh các trường hợp không mong muốn hoặc không may để lọt các dị vật qua đường thở gây nguy hiểm.
Bị giun ký sinh trong má sau lần bị muỗi đốt
Theo RT, các bác sĩ phẫu thuật tại Nga đã phát hiện ký sinh trùng dài 12cm trong lúc tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u trên mặt người phụ nữ 51 tuổi.
Trước đó, bệnh nhân đến bệnh viện ở thị trấn Lyubertsy, gần Thủ đô Moscow (Nga) trong tình trạng sưng và ngứa ở vùng má sau khi bị muỗi đốt. Qua thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có khối u lành tính và quyết định cắt bỏ.
Bác sĩ Sergey Grevtsev, Trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt chia sẻ sau khi gây tê cục bộ, ekip rạch khu vực có khối u và thấy đầu một con giun, bên cạnh nó là một quả trứng. Ngay sau đó, các bác sĩ đã loại bỏ quả trứng và gắp ra một con giun dài 12 cm từ má bệnh nhân.
Các bác sĩ giải thích, hiện tượng sưng và ngứa ở má của người phụ nữ được gây ra bởi cử động của con giun này. Con giun xuất hiện trong má bệnh nhân sau khi bà bị muỗi nhiễm giun đốt.
Theo bác sĩ Sergey Grevtsev, đây là lần đầu tiên ông gặp phải ca bệnh như vậy trong suốt 10 năm hành nghề. Cơ quan y tế cho biết trong một thông cáo rằng thú cưng cũng có thể mang mầm giun sán.
Đinh Kim (T/h)