Bóc tách khối u nặng gần 1kg chèn ép đường thở bệnh nhân 78 tuổi
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết đơn vị này vừa tiến hành phẫu thuật thành công bóc khối u khổng lồ chèn ép đường thở bệnh nhân N.T.C. (78 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội), theo báo Kinh Tế Đô Thị.
Được biết, người bệnh bị khối u khổng lồ ở tuyến giáp chèn ép vào khí quản, mạch máu gây khó ăn, khó thở. Gia đình kể, bệnh nhân phát hiện khối u này cách đây khoảng 15 năm trước, tuy nhiên không điều trị do khối u lành tính. Khoảng 4 năm trở lại đây, khối u to dần gây khó khăn trong sinh hoạt.
4 ngày trước, người bệnh nhập viện trong tình trạng khó thở độ một, giọng khàn, hạn chế quay cổ, ăn uống khó. Sau khi thăm khám, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, qua siêu âm và chụp CT Scaner cho thấy, hai thùy kích thước rất lớn, có nhiều khối tỷ trọng hỗn hợp, một vài khối trong có vôi hóa.
Các khối phát triển lan rộng ra xung quanh gây chèn ép dây thanh và các cấu trúc lân cận, phát triển sâu xuống trung thất, vượt qua đường nối giữa hai khớp ức đòn, thùy phải có khối hỗn hợp âm, khối lớn kích thước 6,7 x 3,1cm. Thùy trái có nhiều khối hỗn hợp bờ đều, khối lớn kích thước 8,3 x 5,8cm.
Người bệnh được chẩn đoán có u nang lành tính ở tuyến giáp rất lớn, chèn ép đường thở, mạch máu, chỉ định phẫu thuật bắt buộc. Sau hơn 1 tiếng, khối u bóc ra chia thành hai phần, đều có kích thước gần bằng quả bưởi, nặng gần 1kg. Hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhân ổn định, dự kiến sẽ khoảng ra viện sau 5-7 điều trị.
“Khối u quá to nên làm biến dạng toàn bộ vùng cổ và toàn bộ mốc giải phẫu. Khó nhất là khi mổ ở thùy bên trái, khối u đã đẩy toàn bộ khí quản lệch khỏi vị trí ban đầu. Chúng tôi vận dụng kinh nghiệm và cẩn thận phẫu thuật từng lớp để bóc tách nguyên vẹn khối u.
Một khó khăn nữa khi gây mê cho người bệnh đó là kíp gây mê đã chuẩn bị kỹ các phương tiện đặt nội khí quản, nhưng phải đặt ống lần thứ 4 mới thành công và phải dùng ống cúp kết hợp đèn trên mới đặt được nội khí quản cho bệnh nhân do khối u quá to, chèn ép đường thở”, bác sĩ Cung Đình Hoàn - Trưởng khoa Tai Mũi Họng chia sẻ về ca bệnh.
Đỉa sống trong mũi người phụ nữ suốt 2 tháng
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân T.T.T (53 tuổi tại Ngọc Mỹ, Lập Thạch) nhập viện với tâm lý hết sức lo lắng do chảy máu mũi kéo dài không rõ nguyên nhân.
Khai thác tiền sử được biết, cách đây không lâu, khi đi rừng lấy măng, người bệnh đã dùng nước ở khe suối. Sau 2 tháng kể từ ngày đi rừng, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nôn, khạc ra máu, chảy máu mũi.
Qua 2 tháng điều trị nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây, bác sĩ kiểm tra và tiến hành nội soi phát hiện có dị vật sống là một con đỉa trong khe mũi bên trái của người bệnh.
Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định can thiệp bằng phương pháp nội soi gắp dị vật. Với sự hỗ trợ của máy siêu âm, dị vật sống đã được loại bỏ khỏi xoang mũi của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân được theo dõi tại khoa Tai - Mũi - Họng với tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, dừng chảy máu mũi và được xuất viện ngay trong ngày.
Lọc máu liên tục cứu bé trai bị hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan
Báo Cần Thơ đưa tin, sau 1 tháng điều trị tích cực, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã chữa khỏi cho bệnh nhi T.N.H (13 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) bị hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan.
Trước đó, bệnh nhi sốt cao liên tục 5 ngày, vào Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ trong tình trạng rối loạn tri giác, chi lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp. Qua thăm khám và kết quả cac xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan.
Bệnh nhi tiếp tục chuyển biến nặng, sốt cao, rối loạn tri giác, suy hô hấp, vàng da và phù toàn thân, vô niệu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi và màng bụng lượng nhiều. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng kháng sinh cao cấp, truyền máu, điều trị nâng đỡ nhưng tình trạng suy đa cơ quan vẫn xấu dần.
Sau hội chẩn nội viện và được sự hỗ trợ trực tuyến từ các chuyên gia y tế tuyến trên, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tiến hành lọc máu liên tục, thay huyết tương cùng với các biện pháp hồi sức tích cực cho bệnh nhi. Sau hơn 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhi cải thiện dần chức năng gan, thận, ngưng lọc máu, cai máy, tập thở.
Đinh Kim(T/h)