Tin tức đời sống mới nhất ngày 29/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 29/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Cứu sống mẹ con thai phụ 37 tuần nguy kịch do TNGT
Sức khỏe của em bé đã ổn định. (Ảnh: VGP) |
Các bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa cấp cứu một trường hợp thai phụ Lê Thị Thanh T. (SN 1989 ở Đan Phượng, Hà Nội), mang thai 37 tuần 3 ngày bị tai nạn giao thông. Bệnh nhân được nhập viện trong trạng thái lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng, mạch huyết áp khó bắt, bụng có vết sẹo mổ cũ.
Chiều 26/9, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã chuyển thai phụ lên phòng mổ cấp cứu. Thời điểm này, mạch và huyết áp của bệnh nhân không thể đo được.
Một ekip gồm các bác sĩ sản phụ khoa, gây mê hồi sức giàu kinh nghiệm của BV đã khẩn trương hồi sức cấp cứu, mổ kịp thời cho bệnh nhân. Sau hơn hai tiếng mổ cấp cứu, mở ổ bụng, các bác sĩ đã lấy 1 em bé nặng 3100g, em bé sau đẻ không khóc, nhịp tim chậm, phải hồi sức bóp bóng, đặt nội khí quản ngay tại phòng đẻ và chuyển cấp cứu sơ sinh.
Các bác sĩ cũng phát hiện, sản phụ T vỡ tử cung trên 15 cm phức tạp, ổ bụng có 2500ml máu loãng và máu cục và đã chỉ định cắt tử cung bán phần, để 2 buồng trứng, kiểm tra gan thận không thấy tổn thương. Bệnh nhân được thở máy, truyền thuốc vận mạch và tiếp tục theo dõi.
Đến sáng 28/9, sau 2 ngày mổ cấp cứu, tình trạng sức khỏe của sản phụ đã ổn định, không phải thở máy, tỉnh táo, giao tiếp tốt. Sức khỏe của em bé cũng đã ổn định. Sản phụ tiếp tục nằm theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực -chống độc và giảm đau.
BSCKII Nguyễn Xuân Hải, Phó trưởng khoa Dịch vụ D5, BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ trên báo điện tử Chính Phủ, đây là ca cấp cứu báo động đỏ toàn viện với sự phối hợp nhanh chóng và nhuần nhuyễn của nhiều chuyên khoa trong BV nhằm đảm bảo tối đa an toàn cho bệnh nhân.
Viên thuốc còn nguyên vỏ nằm trong thực quản nam thanh niên
Viên thuốc còn vỏ gây tổn thương niêm mạc thực quản (trái) và viên thuốc sau khi được gắp ra ngoài (phải). |
Trưa 28/9, BS CKII Đinh Thu Oanh, Trưởng đơn vị Nội soi, bệnh viện Nhân dân 115, cho biết trên VietNamnet, bệnh viện vừa thực hiện nội soi gắp một viên thuốc còn nguyên vỏ trong thực quản cứu sống nam thanh niên (28 tuổi, ngụ TP.HCM).
Trước nhập viện 1 ngày, nam thanh niên nuốt phải viên thuốc còn nguyên vỏ. Dù bệnh nhân đã đến ngay cơ sở y tế gần nhà khám và nội soi để gắp viên thuốc ra nhưng không thành công. Sau đó, tình trạng đau vùng cổ ngày càng tăng nên người này đã đến Bệnh viện Nhân dân 115 để khám.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ ghi nhận, có một viên thuốc còn nguyên vỏ nằm kẹt ở thực quản trên, những cạnh sắc của vỏ viên thuốc gây tổn thương niêm mạc thực quản và xuất huyết. Nếu không kịp thời loại bỏ, dị vật sẽ gây thủng thực quản, áp xe trung thất và có thể gây tử vong.
Bác sĩ Oanh cho biết, do kích thước viên thuốc lớn nên bác sĩ đã dùng nhiều dụng cụ chuyên biệt để gắp dị vật như kìm răng cá sấu để cố định dị vật, mũ trùm bao phủ dị vật tránh tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa khi kéo dị vật ra ngoài.
Năm 2019, Đơn vị nội soi Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiếp nhận và điều trị cho 60 ca dị vật ống tiêu hóa các loại thành công. Trong đó, dị vật hay gặp là viên thuốc còn vỏ, răng giả, xương, tăm xỉa răng…
“Khi nói tới tai nạn uống phải viên thuốc còn vỏ, chúng ta thường nghĩ rằng người bệnh không tỉnh táo, có rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, trong thực tế các trường hợp chúng tôi gặp hầu hết đều là người bình thường, uống phải viên thuốc còn vỏ do vội vàng, sơ ý”, bác sĩ Oanh nhấn mạnh.
Bác sĩ Oanh cũng lưu ý, nhiều người có thói quen cắt thuốc ra để chia liều sau đó để lẫn lộn với các thuốc không còn vỏ. Khi dùng thuốc, họ vội vàng không kiểm tra dẫn tới uống nhầm cả viên thuốc chưa bỏ vỏ.
Để tránh nguy cơ uống phải viên thuốc còn vỏ, cần hạn chế tối đa việc cắt thuốc để chia liều. Trước khi uống thuốc, bạn nên kiểm tra kỹ còn vỏ hay không, nhất là khi phải uống nhiều loại thuốc cùng lúc.
Em trai được cứu nhờ quả thận của chị gái ruột
Báo Công an TP.HCM đưa tin, bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa tiến hành ghép thận thành công cho anh V.Q.D. (31 tuổi, ngụ tại Bình Phước). Người hiến thận cho anh D. chính là chị gái ruột, hiện là một huấn luyện viên yoga, mới chỉ có một người con trai 9 tuổi.
Cách đây 2 năm, anh D. được chẩn đoán bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Sau đó, anh được điều trị bằng thận nhân tạo chu kỳ tại bệnh viện địa phương.
Gần đây trong quá trình chạy thận nhân tạo, anh D. thường xuyên bị tăng huyết áp, khó thở, suy tim, ăn uống kém, chân tay sưng phù, cơ thể bị suy nhược nặng. Anh được chuyển đến BV để điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa đánh giá, ghép thận là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị cho anh D..
Khi biết tin anh D. cần được ghép thận, tất cả các thành viên trong gia đình đều đến bệnh viện để xét nghiệm với hi vọng có thể tìm được quả thận phù hợp cho anh.
Sau khi thực hiện các kiểm tra cần thiết, chỉ chị H. có các chỉ số miễn dịch học, chỉ số sinh hóa phù hợp và đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật cắt một quả thận. Tình yêu thương dành cho người em cùng sự tin tưởng các y bác sĩ là động lực giúp chị H. không chút do dự khi hiến thận cho em trai mình.
Trước phẫu thuật 1 tháng, anh D. được chỉ định tiếp tục chạy thận để duy trì các chỉ số hằng định nội môi của cơ thể. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết và cân nhắc phương án đảm bảo sức khỏe cho cả người nhận, người hiến, Hội đồng ghép thận BV Đại học Y Dược TPHCM quyết định lấy thận phải của chị H. để ghép cho anh D..
Chị H. được thực hiện phẫu thuật nội soi sau phúc mạc (bên phải) để lấy thận. Sau phẫu thuật 4 ngày, chị được xuất viện, sức khỏe ổn định.
Sau ghép thận gần 2 tuần, anh D. được cho xuất viện với tình trạng sức khỏe ổn định, các chỉ số cho thấy chức năng thận đã trở về bình thường. Anh D. được lên kế hoạch điều trị duy trì sau ghép và tái khám định kỳ.
Việt Hương (T/h)