Cô gái 21 tuổi sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm
Pháp Luật Việt Nam đưa tin, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (tỉnh Ninh Bình) vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân V.T.M.N (21 tuổi) bị sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tay chân lạnh, mạch quay khó bắt, huyết áp không đo được, phù mặt, vùng cổ và tay chân nổi mẩn đỏ rải rác, khó thở, SPO2 thấp, phản xạ nuốt kém, tim nhịp nhanh, khó nghe tần số 120 đến 130 lần/phút.
Người nhà cho biết bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bột mì. Khoảng 7h, bệnh nhân ăn mì tôm, khoảng 30 phút thì có biểu hiện mệt, khó thở, nổi mẩn đỏ ngứa toàn thân, phù mặt. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định đây là trường hợp sốc phản vệ độ III do thực phẩm, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Sau cấp cứu, bệnh nhân ổn định, tỉnh táo tiếp xúc được, huyết áp ổn định, không khó thở, SP02 99%, hết nổi mẩn đỏ ngứa toàn thân, không nôn, hết phù.
Người đàn ông chấn thương tinh hoàn khi lái xe phân khối lớn
VietNamNet dẫn thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp tai nạn hy hữu. Cụ thể, nam bệnh nhân Đ.V.G (45 tuổi) đến bệnh viện khám do có tình trạng sưng đau, bầm tím lớn vùng bìu (tinh hoàn).
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó, anh bị tai nạn xe máy, quá trình điều khiển xe đã nhả tay côn, xe giật đột ngột khiến vùng bìu đập mạnh vào bình xăng của xe. Sau khi thực hiện chỉ định cận lâm sàng, siêu âm, các bác sĩ phát hiện đụng dập tụ máu nhu mô tinh hoàn phải rách bao trắng. Bệnh nhân lập tức được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Khi mổ, các bác sĩ nhận thấy tinh hoàn phải bệnh nhân bị đụng dập rách bao trắng kích thước 1x2cm, lộ nhu mô. Bệnh nhân đã được tiến hành lấy máu tụ, khâu bảo tồn tinh hoàn. Sau mổ, bệnh nhân ổn định, dự kiến ra viện sau 3 ngày.
Nghịch bật lửa, bé 11 tuổi bị bỏng toàn bộ vùng mặt
Theo Sức khỏe & Đời sống, khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận một bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bỏng vùng mặt, vùng mắt.
Bệnh nhi là em L.V.Đ (11 tuổi, trú tại Uông Bí, Quảng Ninh), được đưa vào viên trong tình trạng bỏng vùng cổ, vùng mặt độ I, II; Bỏng da mi, kết mạc, giác mạc độ I, II. Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ lập tức tiến hành xử trí, dùng giảm đau, làm sạch vết thương cho người bệnh.
Theo lời kể của gia đình, trong lúc bất cẩn không để ý, bệnh nhi đã chơi bật lửa và bị cháy bén vào vùng mặt. Thời điểm xảy ra sự việc, chỉ có người bà đang ở cùng bệnh nhi. Thấy cháu bị như vậy, người bà đã bôi dầu luyn vào toàn bộ vùng bỏng của bệnh nhi rồi mới đưa đi viện cấp cứu.
Nhân trường hợp này, các bác sĩ nhắc nhở tuyệt đối không được bôi, chườm bất cứ thứ gì lên vùng da bị bỏng của bệnh nhân. Đối với trường hợp của bệnh nhi 11 tuổi nói trên, việc bôi dầu luyn vào vùng bỏng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây khó khăn cho việc điều trị tiếp theo.
Đinh Kim(T/h)