Tin tức đời sống mới nhất ngày 27/7/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 27/7/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Cứu sống bé gái ngưng thở bằng tim nhân tạo
Sáng 26/7, trao đổi với báo Tri Thức Trực Tuyến, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa cứu sống bệnh nhi L.P.T. (8 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) do viêm cơ tim tối cấp.
Gia đình bệnh nhi cho biết trước đó, bé bị sốt khoảng 38 độ C, vẫn ăn uống bình thường. Đến ngày thứ ba, T. giảm sốt nhưng rơi vào tình trạng khó thở, nôn ói liên tục nên gia đình đưa vào Bệnh viện quận Tân Phú. Sau đó, bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 do tình trạng sốc nặng.
Sức khỏe của bệnh nhi dần ổn định sau một tuần chạy ECMO. Ảnh: BSCC. |
Bác sĩ Quang cho biết bệnh nhi nhập viện lúc 23h ngày 17/7 trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp nặng, môi tím tái, trụy tim mạch. Bệnh nhi nhanh chóng được đặt nội khí quản, sử dụng thuốc chống rối loạn nhịp tim và hội chẩn với khoa Tim mạch can thiệp hỗ trợ.
Theo bác sĩ Bạch Văn Cam, cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé may mắn được chuyển viện kịp thời. "Chỉ cần chậm 15 phút nữa, bé T. sẽ tử vong", bác sĩ Cam nói.
Nhận thấy diễn tiến của bé ngày càng xấu, bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ toàn viện và hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, để áp dụng kỹ thuật ECMO (hay còn gọi tim phổi nhân tạo, tuần hoàn và trao đổi oxy ngoài cơ thể).
Tuy nhiên, trước khi kịp đặt máy ECMO, bệnh nhi rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ phải tiến hành hồi sức, ép tim cho bé gần một giờ đồng hồ. Nhận định T. có thể đối điện nguy cơ thiếu oxy não, các bác sĩ tiến hành song song kỹ thuật hạ thân nhiệt xuống 35 độ C để bảo vệ não cho bệnh nhi.
“Các trường hợp khác, sau khi áp dụng ECMO, chúng tôi đều nghĩ khả năng cứu sống cao. Tuy nhiên, trường hợp này, sau vài tiếng chúng tôi vẫn còn chưa dám khẳng định. Phải đến một ngày sau, mắt bé bắt đầu chớp, tay chân cử động được, chúng tôi mới tin chắc bé đã sống”, bác sĩ Quang chia sẻ.
Sau 7 ngày tiến hành kỹ thuật ECMO và các máy trợ tim, tình trạng bé đã ổn định, huyết động học tốt, tim hồi phục tốt. Ngày 25/7, bé cai được ECMO và máy thở, có thể xuất viện trong tuần tới.
Cô gái nuốt gần 1,7 kg trang sức vào bụng
Các bác sĩ ở bệnh viện Rampurhat thuộc bang Tây Bengal (Ấn Độ) đã đã thành công lấy số lượng lớn trang sức và tiền xu ra khỏi dạ dày của Runi Khatun (26 tuổi).
Khi được người nhà đưa đến bệnh viện vì nôn mửa sau khi ăn, cô gái vô cùng hốc hác, xanh xao. TS Siddhartha Biswas - Trưởng khoa phẫu thuật tại Đại học Y và Bệnh viện Rampururhat khẳng định tình trạng của nữ bệnh nhân đã nghiêm trọng đến mức cô không thể ăn uống như bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ từ chối tiết lộ cô mắc chứng bệnh gì.
Sau khi biết rõ trong bụng cô gái chứa thứ gì, các bác sĩ lập tức tiến hành ca phẫu thuật. Trong lúc giải phẫu, các bác sĩ đã phải truyền ít nhất 5 lít máu để bệnh nhân không rơi vào trạng thái nguy hiểm.
“Bệnh nhân không thể ăn uống, nên chúng tôi buộc phải truyền dinh dưỡng cho cơ thể bằng cách tiêm vào tĩnh mạch”, TS Siddhartha Biswas nói.
Ca phẫu thuật lấy số trang sức lớn từ bụng của nữ bệnh nhân. |
Sau 1,5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện ra rằng Runi Khatun đã nuốt xuống 69 sợi dây chuyền, 80 cặp bông tai, 46 đồng xu, 8 mặt dây chuyền, 11 khuyên mũi, 4 chiếc chìa khóa, 5 chiếc lắc chân và 1 chiếc đồng hồ. Tổng cộng, các bác sĩ đã loại bỏ 1,7 kg nữ trang và tất cả các vật phẩm khác từ dạ dày để cứu mạng cô gái.
Được biết giá trị của số kim loại này lên đến hơn 66.000 USD (1,5 tỷ VND).
Mẹ Khatun cho biết, con gái không ổn định về tinh thần. “Nó bắt đầu nôn thốc nôn tháo sau mỗi bữa ăn từ nhiều ngày qua. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng các đồ trang sức dần biến mất. Mỗi lần chúng tôi hỏi Khatun, nó đều bật khóc to”, bà kể.
Hiện Khatun đang hồi phục sau phẫu thuật và cô sẽ được điều trị về tâm thần.
Cứu sống ca đột qụy nguy kịch nhờ… cuộc gọi khẩn
Chiều 26/7, trao đổi với báo Thanh Niên, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa cứu sống ca đột quỵ nguy hiểm ở cách xa nhờ qui trình phối hợp với tuyến dưới gọi là “báo động đỏ liên viện”.
Bệnh nhân là ông Tr.V V (57 tuổi, ngụ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Rạng sáng 24/7, ông V. đột ngột ngất và không nói chuyện được liệt nửa người trái sau đó được người nhà chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cấp cứu.
Bệnh nhân V. đã được cứu sống nhờ sự phối hợp tốt giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ảnh: Thanh Niên |
Tại đây bệnh nhân được chụp CT scanner sọ não và MRI mạch máu não. Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não do huyết khối động mạch não giữa bên phải giờ thứ ba và có chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết (Alteplase).
Nhận thấy ca cấp cứu vượt khả năng, ngay lập tức, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, liên hệ gấp với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để phối hợp cấp cứu bệnh nhân.
Nhận cuộc gọi, Khoa Hồi sức tích cực - đơn vị can thiệp đột quỵ của Bệnh viện Đa Khoa Trung Ương Cần thơ liền bố trí đội cấp cứu đột quỵ và kích hoạt đội can thiệp mạch máu não trong tư thế sẵn sàng.
Đúng 7h15 cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần thơ trong tình trạng lơ mơ, khó tiếp xúc và được tức tốc chuyển sang phòng can thiệp DSA. Ê kíp can thiệp đột quỵ do BS.CK1 Trần Công Khánh, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BS.CK1 Phạm Minh Phước đã thực hiện chụp và xác định bệnh nhân tắc gần như hoàn động mạch não giữa bên phải.
Ê kíp can thiệp đã thực hiện can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ. Kết quả chụp kiểm tra sau can thiệp đã tái thông hoàn toàn động mạch não giữa phải. Từ lúc vào viện đến tái thông mạch máu não là 1 giờ 30 phút. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến lúc can thiệp là dưới 6 giờ.
Hiện tại, sau can thiệp, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, mặc dù còn hơi yếu nửa người bên trái, nhưng khả năng hồi phục là rất cao.
Nguyễn Phượng (T/h)