Phẫu thuật cắt trọn khối u màng não rất lớn cho người phụ nữ
Bệnh viện Trưng Vương vừa phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân T.T.P (68 tuổi, ngụ TP.HCM), lấy trọn khối u màng não có kích thước khổng lồ, theo thông tin trên VOV.
Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng đau đầu, mệt mỏi kéo dài nhiều năm. Người nhà đã nhiều lần đưa bà đi bệnh viện khám, dùng thuốc bớt đau, khỏe rồi lại về nhà. Lần này, bệnh nhân nhập viện vào Bệnh viện Trưng Vương do không chỉ đau đầu mà còn thêm mệt, yếu nửa người bên trái, lừ đừ, tiếp xúc kém.
Tại Bệnh viện Trưng Vương, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có u màng não lớn ở vùng thái dương bên phải, có nhiều mạch máu nuôi u, cần được phẫu thuật.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu, các bác sĩ tiếp tục phát hiện bệnh nhân mắc bệnh lý mạch vành nên phải hội chẩn lại. Đồng thời, có thêm bác sĩ chuyên khoa can thiệp nội mạch (DSA) để tắt mạch máu nuôi khối u, hạn chế máu chảy khi phẫu thuật.
Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi sau đó. Các bác sĩ đã bóc tách được khối u rất lớn. 9 ngày sau mổ, bệnh nhân hồi phục tỉnh táo, hết yếu liệt, sinh hoạt bình thường.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi có triệu chứng đau đầu kéo dài, người bệnh nên đi khám ở những bệnh viện có khả năng chẩn đoán được các khối u não và cũng nên miêu tả rõ tình trạng bệnh lý của mình để bác sĩ có hướng xử trí hợp lý.
Cấy máy phá rung tự động cứu người đàn ông suy tim nặng
Theo báo Nhân Dân, ngày 26/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, các bác sĩ khoa nội Tim mạch của đơn vị vừa thực hiện thành công ca cấy máy phá rung tự động (ICD), cứu sống nam bệnh nhân M.X.D (68 tuổi, ở xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bị suy tim nặng.
Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng tức ngực, choáng váng, khó thở, huyết áp tụt, mệt mỏi nhiều, có tiền sử suy tim, đã đặt 3 stent động mạch vành từ năm 2020.
Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, siêu âm tim, đo điện tim, ghi điện tim bằng thiết bị theo dõi nhịp tim 24 giờ, kết quả cho thấy bệnh nhân bị suy tim nặng (độ 3), chức năng co bóp thất trái giảm nặng, phân suất tống máu thất trái EF còn 24%, nhịp nhanh thất bền bỉ.
Các bác sĩ chuyên môn nhận định, bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nguy hiểm có thể diễn tiến tử vong do ngưng tim bất kỳ lúc nào, nên sử dụng thuốc chống loạn nhịp, điều trị suy tim tích cực.
Quá trình điều trị theo phác đồ, bệnh nhân xuất hiện nhiều cơn loạn nhịp và phải sốc điện cấp cứu 5 lần. Sau vài ngày điều trị, tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện, nhịp tim ổn định nhưng sau đó lại xuất hiện những cơn nhanh thất dai dẳng trở lại.
Đề phòng những cơn loạn nhịp tim khiến nguy cơ đột tử có thể xuất hiện trong tương lai, các bác sĩ khoa nội Tim mạch chỉ định cấy máy phá rung tự động (ICD) cho bệnh nhân. Đây là phương pháp hiệu quả và an toàn trong y học hiện đại, giúp dự phòng đột tử do các rối loạn nhịp tim nguy hiểm gây ra.
Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng 1,5 giờ. Sau khi cấy máy phá rung tự động (ICD) kết hợp với điều trị nội khoa, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, không đau ngực, khó thở, huyết động ổn định. Người bệnh đã được xuất viện.
Thai phụ nhập viện vì mắc thủy đậu bội nhiễm
Báo Pháp Luật Việt Nam thông tin, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bệnh nhân 22 tuổi, đang mang thai 22 tuần bị thuỷ đậu bội nhiễm.
Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng 4 ngày nay chị xuất hiện tình trạng đau họng, chảy mũi, nổi nốt phỏng toàn thân, kèm đau khớp gối 2 bên âm ỉ, tự dùng thuốc không rõ xuất xứ. Sau đó, sản phụ xuất hiện mẩn đỏ da toàn thân, ngứa nhiều, lan nhanh nên đã đến bệnh viện thăm khám.
Kiểm tra toàn diện cho bệnh nhân và thai nhi, bác sĩ chẩn đoán tình trạng thai ổn định, thai phụ phải nhập viện điều trị với chẩn đoán thuỷ đậu bội nhiễm. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, các mụn nước khô dần.
Các bác sĩ chia sẻ, phụ nữ từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được chủng ngừa bệnh thủy đậu thì được miễn dịch với bệnh này, trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Do đó, khi mang thai, những thai phụ đã có kháng thể chống lại bệnh thủy đậu không cần phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân họ cũng như thai nhi.
"Thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu có nguy cơ viêm phổi do virus varicella 10 – 20%, trong số người viêm phổi do virus này nguy cơ tử vong lên đến 40%. Tỉ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu cao nhất trong số những người lớn nhiễm bệnh này", bác sĩ nói.
Đối với những thai phụ bệnh thủy đậu nguyên phát khi mang thai, sự ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào từng giai đoạn tuổi thai. Cụ thể, trong 3 tháng đầu, đặc biệt tuần lễ thứ 8 đến 12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0.4%.
Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần.
Trong 3 tháng giữa, đặc biệt tuần 13 – 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng trên thai. Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền sang con.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, phụ nữ có kế hoạch mang thai phải hoàn thành chủng ngừa đầy đủ khi còn nhỏ hoặc ít nhất 3 tháng trước khi mang thai để phòng ngừa bệnh.
Đinh Kim (T/h)