Người phụ nữ nguy kịch vì “hội chứng trái tim vỡ”
VTV News đưa tin, giữa tháng 3, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh vừa cứu sống nữ bệnh nhân G. (45 tuổi, trú tại Hòa Thành, Tây Ninh) bị "Hội chứng trái tim tan vỡ" (Takotsubo) thoát cơn nguy kịch.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp. Chiều cùng ngày nhập viện, bệnh nhân đột ngột có cảm giác đau sau ức vùng thượng vị, buồn nôn. Trong quá trình đến khám tại một cơ sở y tế gần nhà, bệnh nhân đột ngột tím tái, được chẩn đoán rung thất, ngừng tim và được xử trí hồi sinh tim phổi ngoài lồng ngực.
Sau khi hồi sức thành công, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh. Nhận được tín hiệu báo động đỏ liên viện, ngay khi vừa tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ khoa Cấp cứu cùng các bác sĩ chuyên khoa liên quan gồm Nội tim mạch - Can thiệp tim mạch, Hồi sức tích cực… đã có mặt thăm khám và hội chẩn khẩn.
Kết quả siêu âm tim cho thấy giảm vận động toàn bộ các thành tim và sức co bóp cơ tim rất thấp. Người bệnh lập tức được chuyển lên phòng can thiệp, kết quả chụp mạch vành trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA cho thấy: hẹp 80% D2 ( mạch máu nhỏ). Các bác sĩ thống nhất chẩn đoán: Bệnh cơ tim do căng thẳng hay còn gọi là Takotsubo.
Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực tại khoa Hồi sức tích cực trong 2 ngày đầu, sau đó tiếp tục được theo dõi tại khoa Nội tim mạch. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, không đau ngực, không khó thở, siêu âm tim kiểm tra sức co bóp cơ tim hồi phục gần như hoàn toàn và đã được xuất viện sau hơn 10 ngày điều trị.
Người phụ nữ bị áp xe tuyến giáp do tự ý đắp thuốc nam
Khoảng 1 tháng trước khi nhập viện, nữ bệnh nhân T.T.T. (41 tuổi, sống tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) phát hiện bướu nhỏ sờ cộm trước cổ đã mua thuốc nam về uống và đắp liên tục trong hơn 2 tuần, theo thông tin trên Tri Thức Trực Tuyến.
Đến khi phát hiện kích thước bướu tăng nhanh, sưng to, gây đau, sốt, bệnh nhân mới ngừng đắp thuốc và đến bệnh viện thăm khám. Tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, người bệnh được chẩn đoán bị áp xe tuyến giáp.
Sau đó, bệnh nhân được can thiệp phẫu thuật để nạo hút ổ áp xe, đặt dẫn lưu và sử dụng kháng sinh điều trị sau mổ. Sau một tuần, người bệnh được xuất viện. Tuyến giáp và vết mổ lành tốt, kết quả xét nghiệm bilan nhiễm trùng, chức năng tuyến giáp ổn định.
Áp xe tuyến giáp là bệnh lý ít gặp tại tuyến giáp, có thể xuất hiện trên tuyến giáp bình thường hoặc có bướu tuyến giáp trước đó.
Qua trường hợp này, bác sĩ CKI Dương Văn Ninh – khoa Ung bướu khuyến cáo bệnh nhân đi khám bốc thuốc không rõ nguồn gốc trong khi chưa rõ bệnh, đắp thuốc trong thời gian dài có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu không kịp điều trị, bệnh nhân có thể gặp di chứng, hậu quả nặng nề về sau.
Đồng thời, bác sĩ lưu ý tất cả loại thuốc đều là con dao hai lưỡi. Điều trị bằng y học dân tộc hay y học hiện đại đều sẽ đạt hiệu quả cao nếu chúng ta biết rõ về bệnh sinh và sử dụng đúng thuốc, đúng mục đích.
Đi khám vì đau bụng, người đàn ông phát hiện mắc ung thư dạ dày
Theo VietNamNet, nam bệnh nhân N.T.N (56 tuổi, ở tỉnh Quảng Nam) đi khám ở địa phương vì đau vùng bụng trên. Kết quả nội soi phát hiện khối u ở chỗ nối giữa thực quản và dạ dày. Sau khi hội chẩn đánh giá, bác sĩ xác định người bệnh bị ung thư dạ dày giai đoạn sớm.
Bác sĩ CKII Nguyễn Viết Hải – khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đây là vị trí khó trong điều trị ung thư dạ dày. Để điều trị triệt để, người bệnh cần phải phẫu thuật. Trước đây, phương pháp thường được sử dụng là cắt toàn bộ dạ dày, ảnh hưởng nhiều đến khả năng ăn uống sau mổ, người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng.
Một phương pháp khác trong tình huống này cắt nửa phần trên dạ dày. Tuy nhiên, việc nối lại thực quản và dạ dày sau khi cắt là một thách thức bởi khi phẫu thuật, cơ tâm vị có chức năng chống trào ngược đã được bỏ đi. Nếu nối trực tiếp, người bệnh sau này có nguy cơ bị trào ngược hoặc khó khăn khi ăn uống, ảnh hưởng đến việc nằm ngủ.
Các bác sĩ đã quyết định cắt nửa phần trên dạ dày, phục hồi lưu thông tiêu hóa kiểu Double-Flap có tái tạo van chống trào ngược hoàn toàn bằng phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. Đây còn được gọi là phẫu thuật bảo tồn chức năng, vừa điều trị khỏi bệnh vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi tốt, tỷ lệ khỏi bệnh trên 90%. Ca phẫu thuật này được ekip của TS.BS Võ Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thực hiện mổ thị phạm trong Hội nghị Ung thư dạ dày Châu Á - Thái Bình Dương với hơn 500 đại biểu tham dự.
Đinh Kim(T/h)