Bé 3 tuổi mắc tay chân miệng tử vong sau 15 phút nhập viện
Báo Tiền Phong dẫn thông tin từ PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, tại đây vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng.
Cụ thể, bệnh nhi là cháu bé 3 tuổi, ngụ tại Cà Mau. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước đó bé có biểu hiện sốt, mệt được chuyển đến bệnh viện địa phương điều trị. Tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng, bé được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4 và phải thở máy.
Sau 2 ngày thở máy, tình trạng bệnh nhi diễn tiến ngày càng xấu với tiên lượng nặng. Theo nguyện vọng của gia đình, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cấp cứu với hy vọng “còn nước còn tát”.
Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, thời điểm nhập viện bệnh nhi đã trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng chỉ sau 15 phút nhập viện, bệnh nhi đã ngưng tim và tử vong với chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4.
“Đây là trường hợp mắc tay chân miệng rất nặng, chúng tôi đã cố gắng cứu chữa nhưng trẻ không qua được. Từ Cà Mau chuyển lên TP.HCM quãng đường xa quá”, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang đau xót cho hay.
Đồng Nai phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên
Theo thông tin trên báo Nhân Dân, ngày 25/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai xác nhận, vừa ghi nhận một ca bệnh dương tính với virus đậu mùa khỉ (monkeypox) trên địa bàn. Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ là anh L.V.T, 25 tuổi, làm nghề lao động tự do, ngụ xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc), tạm trú tại TP.HCM.
Trước đó, ngày 17/9, bệnh nhân khởi phát bệnh, với triệu chứng như: Sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục. Bệnh nhân đến điều trị tại phòng khám tư nhưng không thuyên giảm.
Ngày 22/9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM với các triệu chứng nổi hạch bẹn, phát ban dạng mủ tại vùng mặt, niêm mạc miệng, lòng bàn tay, chân. Nghi ngờ bệnh nhân T mắc bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viện đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với virus đậu mùa khỉ.
Theo điều tra dịch tễ, từ ngày 28/8 đến ngày 17/9, chưa ghi nhận bệnh nhân đi nước ngoài hoặc tiếp xúc với người nước ngoài. Ngày 2/9, bệnh nhân về nhà tại ấp Trung Nghĩa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc. Tại đây, người bệnh có tiếp xúc với 4 người trong nhà. Đến tối, bệnh nhân trở lại nơi tạm trú ở TP.HCM.
Ngày 16/9, bệnh nhân tiếp xúc với bạn gái là chị N.T.L, tạm trú tỉnh Bình Dương. Chị L. làm nghề lao động tự do, đang có triệu chứng phát ban dạng mụn mủ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, đây là ca đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Hiện, chưa xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai đã điều tra dịch tễ, lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân T. từ 21 ngày trước khởi phát đến nay.
Đồng thời, phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tỉnh Bình Dương điều tra lịch sử tiếp xúc của trường hợp bệnh nhân này với người thân trong khoảng thời gian từ ngày 17/9 đến nay. Như vậy, đây là ca bệnh đầu mùa khỉ thứ 3 được ghi nhận tại Việt Nam tính đến thời điểm này.
Phẫu thuật cắt tử cung có đa u xơ, kích thước lớn cho nữ bệnh nhân
VTV News đưa tin, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa phẫu thuật cắt tử cung có đa u xơ kích thước lớn cho người bệnh 47 tuổi. Được biết, nữ bệnh nhân có tiền sử u xơ tử cung, nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều vùng hạ vị.
Tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, các bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, kết quả, trên phim chụp MRI có hình ảnh tử cung kích thước to hơn bình thường, thành tử cung có các khối bờ tròn đều, phát triển đẩy lồi ra ngoài, khối lớn nhất ở thành trước kích thước 70x52mm.
Người bệnh được chẩn đoán đa u xơ tử cung và có chỉ định cắt tử cung toàn phần. Sau 1 giờ, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công. Hiện tại, người bệnh tỉnh tiếp xúc tốt, các chỉ số sinh tồn ổn định, dự kiến xuất viện sau vài ngày tới.
Bác sĩ CKII. Hà Thị Hải Hường - Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho biết, u xơ tử cung thường là những khối u lành tính nên thường không gây nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, số đông phụ nữ không khám phụ khoa định kỳ nên bệnh thường phát hiện muộn, điều trị khó khăn và có thể gây các biến chứng nguy hiểm.
XEM THÊM: Nên hay không việc muối dưa cà, ngâm sấu trong bình nhựa?
Phụ nữ ở mọi lứa tuổi nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng - 1 năm/ lần. Trường hợp phát hiện u xơ tử cung kích thước nhỏ nhưng gây rong kinh, rong huyết nhiều lần, gây thiếu máu đã điều trị nội khoa không đạt kết quả thì vẫn phải phẫu thuật để bóc u xơ. Với khối u xơ có kích thước lớn hoặc đa u xơ, nên phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Đinh Kim(T/h)