Lạm dụng thuốc xịt mũi, 2 anh em ruột bị suy thượng thận
Báo Hà Nội Mới dẫn thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận hai anh em ruột (15 tuổi và 11 tuổi) chẩn đoán suy thượng thận do dùng thuốc xịt mũi có thành phần chứa corticoid.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trong 3 năm gần đây, do bị viêm mũi dị ứng, hai anh em liên tục dùng thuốc xịt mũi. Cả hai anh em béo phì, BMI (hay còn gọi là chỉ số khối cơ thể) ở mức 36,22 ở người anh và 32,1 đối với người em (chỉ số bình thường dao động trong khoảng 18,5 - 24,9), phù hai chi dưới, kiểu hình Cushing rõ rệt.
Trước khi nhập viện 10 ngày, bệnh nhi đi khám dinh dưỡng, phát hiện cortisol máu thấp, được bác sĩ tư vấn ngừng sử dụng thuốc xịt mũi. Sau khi ngừng thuốc, bệnh nhi mệt mỏi, chán ăn, trướng bụng. Do vậy, người nhà đã đưa hai anh em đến Bệnh viện Nội tiết trung ương thăm khám và điều trị.
Các chuyên gia cho biết, việc sử dụng nhiều thuốc có chứa corticoid có thể khiến mắc hội chứng Cushing. Trong khi đó, trên thực tế, rất nhiều loại thuốc không được bác sĩ kê toa trên thị trường hiện nay để chữa các bệnh lý xương khớp, sổ mũi, viêm xoang… đều có thành phần corticoid. Do đó, nếu bệnh nhân tự ý mua về dùng một cách tùy tiện, rất dễ bị hội chứng Cushing, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Theo các chuyên gia y tế, hội chứng Cushing là tình trạng cơ thể có nhiều rối loạn như giữ nước, tăng cân, rạn da, tăng huyết áp, yếu cơ, loãng xương… Hội chứng Cushing gây ra biến chứng nặng nề như suy thượng thận cấp, suy kiệt, rối loạn điện giải nặng, nhiễm trùng cơ hội…
Người đàn ông bị sốc độc tố từ vết côn trùng cắn
Theo thông tin trên báo Phụ Nữ Việt Nam, TS.BS Dương Bích Thủy - khoa Truyền nhiễm Bệnh viện FV (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa điều trị thành công cho bệnh nhân cơ địa đái tháo đường bị sốc độc tố từ vết côn trùng cắn.
Trước đó, khi về thăm quê tại Bến Tre, ông P.N.N (54 tuổi, Việt kiều Mỹ, cơ địa bệnh đái tháo đường) bị côn trùng đốt ở cẳng chân trái. Vết đốt không nghiêm trọng nhưng trong một lần đi gặp trời mưa, vết thương bị tiếp xúc với nước ngập, gây sưng viêm.
Trong vòng 4 ngày, vết côn trùng cắn sưng tấy, lan rộng từ mắt cá trái tới cẳng chân, lên gối, rồi đùi trái và thậm chí lên tới bẹn. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân có dấu hiệu sốc, mạch nhanh, tụt huyết áp, thở nhanh …nên lập tức được chuyển vào phòng săn sóc đặc biệt (ICU).
Song song đó, các thông tin về ca bệnh nhanh chóng được chuyển đến các chuyên khoa bao gồm khoa Truyền nhiễm, khoa Chấn thương chỉnh hình để có được những can thiệp chính xác kịp thời.
"Khi xem qua bệnh cảnh của bệnh nhân, tôi nghi ngờ đây là một trường hợp sốc độc tố, nên đã đề xuất sử dụng các kháng sinh bao phủ độc tố", bác sĩ Thủy cho hay.
Khoảng 1 ngày sau nhập viện, khoa Xét nghiệm cho biết cấy mủ vết thương của ông N. mọc hai loại vi khuẩn là Streptococcus pyogenes và Stenotrophomonas maltophilia. Trong đó, Streptococcus pyogenes là loại vi khuẩn nguy hiểm vì có khả năng phóng thích độc tố vào máu, gây sốc độc tố, đúng như tiên lượng ban đầu của các bác sĩ.
Theo bác sĩ Thủy, đây là một bệnh cảnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 70%. Trường hợp ông N., hội chứng sốc độc tố đã dẫn đến viêm cân mạc hoại tử cẳng chân trái và suy thận, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể phải chịu đoạn chi mới hy vọng giữ được tính mạng. Theo y văn thế giới, viêm cân mạc hoại tử cẳng chân cũng là bệnh cảnh dẫn tới mất chi nhiều nhất.
XEM THÊM: Trẻ 5 tuổi thủng màng nhĩ vì thói quen nhiều phụ huynh mắc phải
Một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa giữa các bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ gây mê hồi sức và bác sĩ truyền nhiễm đã được tiến và thống nhất chỉ định phẫu thuật cắt lọc mô chết ở chân trái, cùng với sử dụng kháng sinh thích hợp, vừa có tác dụng diệt vi khuẩn vừa có tác dụng trung hòa độc tố do vi khuẩn tiết ra. Đồng thời bệnh nhân cần được điều trị hồi sức tích cực mới hy vọng bảo toàn tính mạng và giảm thiểu nguy cơ mất chi.
Ngay sau đó, bác sĩ CKI Trương Hoàng Vĩnh Khiêm - khoa Chấn thương chỉnh hình cùng ekip đã tiến hành phẫu thuật cho ông N. Bệnh nhân phải trải qua 3 cuộc mổ để cắt lọc mô chết. Sau 3 tuần điều trị nhiễm trùng và chăm sóc hậu phẫu tích cực, vết thương đã liền mép, ông N. được xuất viện.
Cứu nam bệnh nhân nguy kịch sau cú va chạm với container
Báo Người Lao Động đưa tin, sáng 25/8, sau gần 1 tháng được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An tận tình cứu chữa, sức khỏe của ông N.V.H (69 tuổi, ở Hà Nam) đã phục hồi. Ông có thể tự ngồi dậy, đi vệ sinh, gấp duỗi các khớp hai chân.
Trước đó, khi đang đi xe máy, ông H. bị va chạm với container khiến cẳng chân phải biến dạng lộ xương gãy, lộ gân cơ, dập nát gối trái, cổ bàn chân trái. Ông được người đi đường đưa vào sơ cứu tại một phòng khám trước khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An trong tình trạng nguy kịch.
Các bác sĩ tại bệnh viện đã khẩn cấp xử trí cấp cứu, hồi sức tích cực, mổ cầm máu, cắt lọc các vết thương, cắt cụt bàn chân trái, nắn xương giữ trục, đặt cố định ngoài hai chân, làm sạch gân cơ dập nát, chống nhiễm trùng.
Tuy nhiên, do bệnh nhân lớn tuổi, mất lượng máu quá lớn trước khi đến bệnh viện nên sau mổ đã rơi vào suy đa cơ quan. Ông được hồi sức tích cực và tạm ổn sau 7 ngày. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục trải qua 3 lần mổ nữa để ghép da, tháo khung cố định ngoài, đóng đinh nội tuỷ xương chày phải và bình phục nhiều ngày sau đó.
Theo TS.BS CKI Nguyễn Tuấn Khanh - Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An, đây là trường hợp nặng, thương tổn hai chân rất phức tạp, mất máu... dễ tử vong nếu không xử trí kịp thời. Ông H. được cứu sống là một nỗ lực lớn của cả tập thể y bác sĩ nhiều chuyên khoa.
Đinh Kim (T/h)