Thường xuyên hít bóng cười, cô gái tổn thương tủy sống cổ
Bệnh viện Quân Y 7A (TP.HCM) thông tin, đơn vị đang điều trị cho nữ bệnh nhân (26 tuổi, ngụ TP.HCM) có dấu hiệu ngộ độc sau khi sử dụng 6 - 7 quả bóng cười chứa khí N2O liên tục trong 2 ngày.
VTC News dẫn lời kể của người nhà bệnh nhân cho hay, sau khi hít bóng cười, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện cảm giác kim châm, đi lại khó khăn, các biểu hiện tăng dần kèm theo rối loạn chức năng cơ vòng.
Các biểu hiện này tăng dần nhưng bệnh nhân không đi khám mà tự mua thuốc uống. Sau 15 ngày, khi bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân mới đến Bệnh viện Quân y 7A để khám. Ngoài ra, bệnh nhân thường xuyên sử dụng bóng cười, 1 tuần 2 - 3 lần trong 5 năm nay, mỗi lần sử dụng 5 - 7 quả.
Bác sĩ CKII Kiều Mạnh Hà - Chủ nhiệm khoa Thần Kinh Bệnh viện Quân y 7A chia sẻ bệnh nhân nhập viện ở thể trạng béo phì, dấu hiệu sinh tồn bình thường. Thăm khám vận động, dáng đi bệnh nhân không vững; phản xạ gân xương giảm tứ chi, không có phản xạ bệnh lý tháp. Các cơ quan khác chưa ghi nhận bất thường.
"Việc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc khí cười nhưng lại không đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám mà tự ý mua thuốc điều trị ở nhà sẽ làm tăng các triệu chứng, tổn thương nặng khi nhập viện, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Hiện, bệnh nhân tổn thương tủy cổ đoạn dài từ C1 đến C6, liệt không đi lại được", bác sĩ Hà nói.
XEM THÊM: Chàng trai bỏ ngành y để theo xăm, làm từ thiện hơn 10 năm để xoá bỏ định kiến
Trên thế giới, khí cười được phép sử dụng trong y tế với liều lượng nhất định theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.
Theo bác sĩ Hà, việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong.
Hít khí bóng cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác dẫn đến kích thích, hưng cảm thời gian ngắn, sau đó an thần, nặng có thể mất ý thức, loạn nhịp tim, tụt huyết áp… Hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy.
Bác sĩ lưu ý, khí N2O không tan trong máu, lượng oxy thấp, có quả bóng không có oxy nên khi sử dụng sẽ làm thiếu oxy lên não. Ban đầu có thể phấn khích, sau đó sẽ rơi vào hôn mê nếu người dùng có tiền sử các bệnh tim mạch, hen suyễn, dễ kích ứng thần kinh. Nhiều người không hiểu rõ cơ chế gây tác hại của bóng cười nên vô tư sử dụng để giải trí là điều rất nguy hiểm.
Đi lấy tổ ong, người đàn ông bị ong đốt nguy kịch
Theo báo Đại Đoàn Kết, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, Gám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt, đang trong tình trạng nguy kịch.
Cụ thể, sáng cùng ngày, anh L.V.P. cùng một số người khác đi lấy tổ ong vò vẽ để lấy nhộng bán kiếm tiền lo cho gia đình. Trong lúc lấy tổ ong, không may anh P. bị ong đốt rất nhiều mũi vào vùng mặt và được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Hùng cho biết, anh P. bị sốc phản vệ trong tình trạng nguy kịch, trước khi chuyển vào bệnh viện này thì đã được sơ cứu ở một bệnh viện khác. Sau khi chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, bệnh nhân được các bác sĩ hồi sức, có nhịp tim trở lại. Hiện bệnh nhân đã đưa vào phòng hồi sức, đang được thở máy, các bác sĩ đang tích cực điều trị.
Được biết, hoàn cảnh gia đình anh L.V.P. khó khăn, hai vợ chồng không có việc làm ổn định, nuôi 3 đứa con nhỏ từ 4 đến 6 tuổi. Do đó, anh P. hàng ngày đi vào rừng lấy tổ ong, bán kiếm tiền.
Can thiệp cấp cứu bé gái 12 tuổi bị đột quỵ
Báo Người Lao Động đưa tin, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ cho hay vừa can thiệp cấp cứu bé gái A. (12 tuổi, quê Sóc Trăng) bị đột quỵ. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau đầu nhiều và yếu nửa người trái.
Theo chia sẻ của người nhà, hơn 1 tháng qua, bé A. có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, ăn không ngon, ăn không có mùi vị. Tuy nhiên, gia đình lại cho rằng tình trạng trên là do trẻ học nhiều nên chậm trễ đưa đến bệnh viện.
Kết quả cho thấy bé bị xuất huyết não do vỡ dị dạng thông động tĩnh não (AVM) và có túi giả phình lớn (kích thước 3x3mm) trong búi dị dạng. Trước tình trạng nguy cấp, các bác sĩ can thiệp xử trí tắc túi giả phình cứu bệnh nhi qua nguy kịch.
Theo các bác sĩ, đa số các trường hợp dị dạng mạch máu não thường không có triệu chứng hoặc có những triệu chứng nhưng không điển hình khi chưa vỡ như đau đầu, co giật, động kinh… nên dễ bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác.
Đinh Kim (T/h)