+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 23/7: Người phụ nữ sốc phản vệ độ 3 sau khi bị kiến đốt

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 23/7/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 23/7/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Người phụ nữ sốc phản vệ độ 3 sau khi bị kiến đốt

    Theo VietNamNet, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, các bác sĩ tại đây vừa cấp cứu cho một trường hợp hi hữu sốc phản vệ sau khi bị kiến đốt. Bệnh nhân là chị N.T.T (39 tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ).

    Cách đây 4 ngày, chị T. bị kiến đốt vào vùng vai trái gây ngứa khắp cơ thể. Sau khi điều trị tại nơi khác không khỏi, người bệnh đã vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị T. sốc phản vệ độ 3.

    Người bệnh có tiền sử bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin và bệnh lý tăng huyết áp. Sau 12 giờ dùng thuốc điều trị theo phác đồ chống sốc của Bộ Y tế, các triệu chứng của người bệnh đã thuyên giảm và sức khỏe dần ổn định.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 2372023 nguoi phu nu soc phan ve do 3 sau khi bi kien dot
    Sau khi dùng thuốc điều trị theo phác đồ chống sốc của Bộ Y tế, các triệu chứng của người bệnh đã thuyên giảm và sức khỏe dần ổn định. Ảnh: VietNamNet

    Các bác sĩ khuyến cáo mùa hè là thời gian phát triển của rất nhiều loại côn trùng có ngòi như ong, kiến… Nọc độc của chúng có thể gây phản ứng độc cục bộ cho cơ thể và dị ứng ở những người nhạy cảm. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào liều nọc độc và sự nhạy cảm của người bệnh.

    Những người có nồng độ IgE đặc hiệu cao có nguy cơ bị sốc phản vệ, nhất là trẻ em, khi bị kiến đốt. Do đó, người dân nên chú ý phòng tránh, đặc biệt là những người mắc bệnh nền hoặc có cơ địa dị ứng.

    Trong trường hợp bị kiến hoặc các loại côn trùng có nọc độc đốt, cắn, người bệnh thấy có những dấu hiệu bất thường trên cơ thể thì hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được xử trí đúng và kịp thời.

    Đỉa sống trong mũi người đàn ông suốt 2 tuần

    Báo Pháp Luật Việt Nam đưa tin, nam bệnh nhân H.V.A (61 tuổi, trú tại xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) bị ngạt mũi, chảy máu mũi cách đây 2 tuần mà không tìm được nguyên nhân, dùng các loại thuốc không đỡ nên đã đến Bệnh viện Đa khoa Quang Bình thăm khám.

    Tại Bệnh viện Đa khoa Quang Bình, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có "dị vật sống" trong khe cuốn mũi. Đỉa sống lâu ngày trong khe cuốn mũi nên càng ngày càng to lên, hút máu khiến cho thành cuốn mũi của bệnh nhân bị viêm loét, gây chảy máu mũi.

    Xác định nếu để lâu, dị vật có thể chui vào sâu hơn, gây viêm phổi, khiến bệnh nhân biến chứng hoại tử, thậm chí tử vong. Các bác sĩ tiến hành gắp "dị vật sống" cho bệnh nhân ngay bằng phương pháp sử dụng nội soi mũi. Kết quả, các bác sỹ đã gắp ra con đỉa còn sống dài khoảng 5cm, to bằng đầu đũa.

    XEM THÊM: Sưng ở 5 khu vực này có thể là dấu hiệu của gan nhiễm mỡ

    Đây là trường hợp bệnh nhân có "dị vật sống" nằm ở vị trí khá phức tạp được gắp thành công, nhanh chóng tại bệnh viện. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân khi đi rừng không nên rửa mặt hay uống nước ở khe suối. Nếu có các biểu hiện khó chịu, người dân nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và kiểm tra.

    Người bệnh đái tháo đường nguy kịch sau 3 ngày bỏ thuốc điều trị

    Theo VTV News, Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận một ca bệnh tự ý bỏ thuốc điều trị dẫn đến nôn mửa, nhiễm toan ceton, đường máu tăng cao. Cụ thể, bệnh nhân N.T.Q.V. (36 tuổi, trú tại Hà Nội) được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1 đã 5 năm.

    Bệnh nhân đang điều trị tại tuyến huyện và được cho sử dụng thuốc tiêm insulin. Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân có đi chơi cùng bạn bè và đã không mang theo thuốc tiêm để sử dụng.

    Sau 3 ngày bỏ thuốc, bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều, khó thở, nhiễm toan ceton, đường máu mao mạch lúc nhập viện là 29,5 mmol/l.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 2372023 nguoi phu nu soc phan ve do 3 sau khi bi kien dot11
    Người bệnh được theo dõi điều trị tại bệnh viện. Ảnh: VTV News

    Theo hướng dẫn của Bộ Y tế (năm 2011), người bệnh đái tháo đường để đạt được mục tiêu cần tuân thủ các chế độ điều trị, gồm chế độ sử dụng thuốc, chế độ ăn uống, thay đổi thói quen sống, kiểm soát đường huyết, khám sức khỏe định kỳ.

    Việc không tuân thủ kéo theo những biến chứng cấp tính như hạ đường huyết, nhiễm toan ceton và hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng đường máu không nhiễm toan ceton, hôn mê nhiễm toan lactic, các bệnh nhiễm trùng cấp tính.

    Ngoài ra, còn có những biến chứng mạn tính được ghi nhận như biến chứng thần kinh, loét chân và đoạn chi, biến chứng tim mạch, biến chứng suy thận, biến chứng mắt, suy giảm nhận thức.

    Do đó, việc tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa vàng để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh. Trong điều trị đái tháo đường, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức hợp tác tự quản lý của người bệnh.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-23-7-2023-nguoi-phu-nu-soc-phan-ve-do-3-sau-khi-bi-kien-dot-a583923.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan