Người đàn ông bị vỡ tinh hoàn sau tai nạn khi đá bóng
Theo thông tin trên VTV Times, khi nhập viện, người đàn ông 39 tuổi (ở Hà Nội) cho biết, ngày hôm trước đi chơi đá bóng, không may bị bóng đập vào vùng bìu. Sau tai nạn, người bệnh có biểu hiện đau tức âm ỉ vùng bìu trái nhưng không đi khám mà theo dõi ở nhà.
Sáng hôm sau, người bệnh đau tăng dần vùng bìu trái, đau dữ dội, lan lên vùng bẹn cùng bên. Chiều cùng ngày, người bệnh được đưa vào khu cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Các bác sĩ tiếp nhận người bệnh trong tình trạng đau dữ dội vùng bìu. Kiểm tra sơ bộ, nhận thấy vùng bìu trái của người bệnh bầm tím và sưng nề nhiều.
Sau khi đánh giá tình trạng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán chẩn thương, vỡ tinh hoàn trái sau tai nạn sinh hoạt. Sau khi hội chẩn cùng ekip gây mê, các bác sĩ khoa Nam học và Y học Giới tính đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh.
ThS.BS Nguyễn Cao Thắng - khoa Nam học và Y học Giới tính Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ, ekip đã thực hiện phẫu thuật lấy máu tụ, dẫn lưu, cắt lọc tổ chức hoại tử, bảo tồn tinh hoàn trái. Do thời gian từ khi có chấn thương tới khi phẫu thuật gần 24 tiếng nên phần lớn tổ chức tinh hoàn dính nhiều gây khó khăn cho cuộc mổ.
Tuy nhiên, sau gần 1 giờ phẫu thuật, tinh hoàn được bảo tồn thành công. Người bệnh được chuyển về buồng bệnh khoa Nam học và Y học giới tính để theo dõi và điều trị tiếp.
Theo bác sĩ Thắng, thương tích của bìu và tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở lứa tuổi lao động từ 15 - 40 tuổi, trong đó chấn thương chiếm phần lớn. Chỉ định bảo tồn tinh hoàn được đưa ra trong đa số các trường hợp, cắt bỏ tinh hoàn được đặt ra khi tinh hoàn vỡ nát hoàn toàn không khâu lại được.
Theo nhiều nghiên cứu, nhóm bệnh nhân chấn thương tinh hoàn được điều trị phẫu thuật bảo tồn tinh hoàn không có sự thay đổi đáng kể về mặt sinh tinh và nội tiết. Ngược lại, nhóm bệnh nhân phẫu thuật cắt tinh hoàn có sự giảm đáng kể số lượng tinh trùng, tăng rõ rệt LH và FSH.
"Chấn thương tinh hoàn là chẩn đoán cần được nghĩ đến trong hoàn cảnh bệnh nhân có chấn thương vùng bẹn bìu. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị theo dõi trong trường hợp cơ chế chấn thương năng lượng thấp, tụ máu khu trú ở nông không lan rộng, đau giảm dần", bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
Qua trường hợp người bệnh trên, các bác sĩ khuyến cáo nam giới khi chơi thể thao cần đặc biệt lưu ý một số động tác có thể gây chấn thương nguy hiểm đối với "vùng nhạy cảm".
Nếu không may gặp tai nạn, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám, điều trị kịp thời, tránh tâm lý ngại ngùng nên tự theo dõi tại nhà có thể để quá thời gian can thiệp hiệu quả, thậm chí gặp biến chứng đáng tiếc, không thể hồi phục.
Trường hợp mắc cúm A/H5 ở Khánh Hòa đã tử vong
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin trưa 23/3, bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa xác nhận, sau 8 ngày điều trị, bệnh nhân B.T.Đ. (21 tuổi) mắc cúm gia cầm A/H5 đã tử vong tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa trong tình trạng bệnh quá nặng, phổi bị xơ.
Đây là ca đầu tiên tử vong do cúm A/H5 tại Việt Nam trong năm nay. Hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm.
Trước đó, ngày 20/3, mẫu xét nghiệm bệnh phẩm của bệnh nhân tại Viện Pasteur Nha Trang cho kết quả dương tính với cúm A/H5, bệnh nhân được chuyển điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.
Theo hồ sơ bệnh án, nam bệnh nhân khởi phát triệu chứng từ ngày 11/3, tự mua thuốc uống không bớt. Sau đó 4 ngày, bệnh nhân đến khám tại cơ sở 2 Trung tâm y tế thị xã Ninh Hòa và được chẩn đoán viêm họng - thanh quản cấp, theo dõi sốt xuất huyết. Bác sĩ đề nghị nhập viện nhưng bệnh nhân không đồng ý, xin về điều trị ngoại trú.
Ngày 16/3, bệnh nhân sốt cao, đau bụng quanh rốn, phân lỏng, vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn ruột, cảnh báo nhiễm trùng huyết. Ngày 17/3, bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Sau đó, bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng hôn mê, huyết áp gần bằng không, không tiếp xúc được, phải thở máy.
Những người tiếp xúc với bệnh nhân được theo dõi sức khỏe. Ký túc xá Trường Đại học Nha Trang, nơi ở của nam sinh và các khu vực khám, điều trị, xe vận chuyển bệnh nhân trên được phun hóa chất khử khuẩn.
Cứu sản phụ mắc hội chứng HELLP hiếm gặp
VTV Times đưa tin khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa điều trị thành công cho sản phụ sinh con so mắc hội chứng HELLP hiếm gặp. Cụ thể, trong thời gian mang thai, sản phụ N.T.M.N. (26 tuổi, trú tại Bình Thuận) phát hiện da chuyển màu vàng và ngày càng tăng dần. Đi khám tại cơ sở y tế địa phương, sản phụ được chẩn đoán thai 37 tuần chuyển dạ sinh kèm theo dõi viêm gan cấp và được chuyển viện vào TP.HCM.
Sau khi sinh, sản phụ được hội chẩn liên viện với khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, dựa trên tình trạng và các kết quả xét nghiệm xác định sản phụ bị tổn thương gan cấp, tổn thương thận cấp, hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa và được chẩn đoán hội chứng HELLP.
Tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, sản phụ được hội chẩn liên khoa và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Sau 4 ngày điều trị tích cực với biện pháp thay huyết tương kết hợp lọc máu hấp phụ, sức khỏe sản phụ dần hồi phục, tình trạng vàng da cải thiện, chức năng thận ổn định, thực hiện được các y lệnh, sinh hiệu ổn, các xét nghiệm cải thiện theo chiều hướng tốt.
Bác sĩ CKII. Võ Thúy Vân - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm của bệnh lý tiền sản giật với tỷ lệ tử vong mẹ và bé cao. Một trong những yếu tố gây tử vong nhiều nhất là suy đa cơ quan.
Việc áp dụng phương pháp thay huyết tương và lọc máu liên tục sẽ giúp thay thế các yếu tố đông máu, loại bỏ các nội độc tố, yếu tố gây viêm, cytokin, billirubin khỏi tuần hoàn. Qua đó, cải thiện được chức năng gan, chức năng thận của người bệnh mắc hội chứng HELLP.
Việc khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ sản phụ cần được làm xét nghiệm tầm soát nguy cơ tiền sản giật nhằm phát hiện những trường hợp có nguy cơ tiền sản giật để theo dõi, xử trí kịp thời và đúng cách, giúp bảo vệ an toàn mẹ và con.
Đinh Kim(T/h)