Kinh ngạc người đàn ông không thể nhắm mắt suốt 3 năm
Cụ ông 79 tuổi Pete Broadhurst đến từ Four Oaks, Birmingham (Anh) đã trải qua 3 năm khốn khổ vì không thể nhắm mắt. Người đàn ông cho biết đó là khoảng thời gian đáng sợ vì đôi mắt ông mở liên tục mặc cho ông rất muốn nhắm lại.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1959, sau khi phẫu thuật nha khoa thì ông bị chứng phì đại má. Vợ chê ngoại hình ông xấu nên đã bỏ đi. Đầu năm 2019, cụ ông quyết định phẫu thuật nâng cổ, tạo hình bọng dưới mắt và nâng mũi.
Ngờ đâu, sau ca phẫu thuật, cụ ông trông khủng khiếp hơn và không thể nhắm mắt lại được. Mắt của ông liên tục mở ngay cả khi ngủ. Ông phải nhỏ thuốc mắt 8 lần một ngày, ngăn chứng bị khô mắt. Mỗi khi muốn ngủ, ông phải băng kín mắt.
Nhiều tháng sau đó, bác sĩ đã sắp xếp một ca phẫu thuật chỉnh sửa miễn phí giúp ông nhưng cuối cùng mắt trái vẫn không thể nhắm. Thị lực của ông hiện kém tới mức không thể tự lấy xe hoặc nhìn ra nét mặt của mọi người.
"Tôi vẫn không thể nhắm hoàn toàn mắt trái của mình suốt gần ba năm qua. Mắt tôi bị méo, hầu như không nhìn thấy gì. Tôi khó ngủ và vẫn phải dùng băng kín mỗi đêm", ông Pete cho hay.
Mổ cấp cứu cho sản phụ mắc bệnh cứ truyền máu lại rét run, đau xương
Ngày 23/1, Pháp Luật Việt Nam đưa tin về trường hợp của chị N.T.M (32 tuổi, Hoàng Mai, Nghệ An). Theo đó, bệnh nhân đã điêu trị bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh) tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương từ năm 2015.
Bệnh nhân thường xuyên thiếu máu nặng với lượng huyết sắc tố thường dao động 60 – 70 g/l (chỉ bằng một nửa so với chỉ số bình thường), đã điều trị truyền máu nhiều đợt tại viện. Do có kháng thể bất thường trong máu nên mỗi lần truyền máu, bệnh nhân đều xảy ra phản ứng truyền máu (sốt rét run hoặc không truyền được hết đơn vị máu).
Được biết, bệnh nhân được chẩn đoán Beta thalassemia và truyền máu lần đầu tiên từ khi 4 tuổi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau đó đều không chọn được đơn vị máu phù hợp để truyền. Năm 2004, do biến chứng của bệnh tan máu bẩm sinh, lách to nên bệnh nhân được chỉ định cắt lách, quá trình mổ cắt lách cũng không chọn được máu phù hợp.
Gần đây, đến tuần thai thứ 38, bệnh nhân theo dõi tiền sản giật ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Thiếu máu nặng, huyết sắc tố chỉ còn 52 g/l, bệnh nhân được chỉ định vào Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để truyền máu. Bệnh nhân đã được truyền 2 đơn vị khối hồng cầu tại viện và đều xảy ra phản ứng tan máu sau truyền (sốt rét, đau xương…).
Trưa ngày 22/1, tình trạng thiếu máu của bệnh nhân vẫn không được cải thiện, thai 38 tuần 3 ngày, cạn ối, dịch ối đục. Kíp trực của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhanh chóng hội chẩn với các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Xe cứu thương gồm gần 10 y bác sĩ cùng trang thiết bị, dụng cụ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương lập tức có mặt ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để mổ cấp cứu lấy thai ngay tại viện, bảo vệ được tính mang của cả bệnh nhân và em bé. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, truyền máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, còn bé gái được chuyển đến theo dõi sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Người đàn ông ngỡ ngàng hay tin trúng số hơn 30 tỷ đồng
Mới đây, tài xế giao hàng Mark Francis (49 tuổi, ở Swansea, Anh) bất ngờ nhận được email thông báo trúng giải độc đắc trị giá 1 triệu bảng Anh (khoảng 30,6 tỷ đồng). Thời điểm nhận được email, người đàn ông đang ho sặc sụa trên giường bệnh vì COVID-19.
“Một ngày trước, tôi đang lái xe thì chợt cảm thấy không khỏe. Tôi về nhà để làm xét nghiệm COVID-19 và kết quả là dương tính”, người đàn ông 49 tuổi cho hay.
Trong lúc kiểm tra email, Mark vẫn vô cùng bối rối, không dám tin mình trúng số. Thế nhưng, cuộc gọi xác nhận từ ban tổ chức giải EuroMillions UK Millionaire Maker đã chứng minh đó là sự thật.
Mark vui mừng gọi điện báo tin cho vợ là bà Helen Taylor (50 tuổi) và gia đình. Tiếp đó, ông lên kế hoạch tìm một ngôi nhà mới, mua một chiếc Audi Q5 và đặt một kỳ nghỉ trọn gói đến Rhodes. Tuy nắm trong tay số tiền lớn, vợ chồng Mark dự định vẫn gắn bó với công việc đã làm bấy lâu và giữ tiền trúng số để dưỡng già.
Đinh Kim(T/h)