Việt Nam lần đầu tiên ghép thận không cùng nhóm máu
Theo Sức khỏe & Đời sống, sáng ngày 21/1, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đơn vị này vừa thưc hiện thành công kỹ thuật ghép thận bất tương hợp nhóm máu từ người vợ cho chồng. Được biết, đây là trường hợp đầu tiên ghép thận không cùng nhóm máu tại Việt Nam.
Cụ thể, bệnh nhân là V.V.B (54 tuổi, ngụ tại Bến Tre). Cách đây 2 năm, bệnh nhân cảm thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, thường xuyên mệt mỏi, huyết áp cao. Khi đi khám, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Trước đó, bệnh nhân có bệnh sử năm 2006 nội soi niệu quản phải tại Bệnh viện Bình Dân.
Các nỗ lực điều trị không mang lại kết quả, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, mỗi tuần 3 lần. Thời gian đầu, bệnh nhân chạy thận ở khoa Chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nhưng do bệnh viện quá tải nên ông được bác sĩ chuyển về Bệnh viện Quận 12 chạy thận. Hành trình này vô cùng khó khăn cả về thể xác lẫn tinh thần.
Khi phát hiện bị bệnh về thận, bệnh nhân đã đăng ký ghép thận, người anh ruột trong nhà tương thích có thể ghép được. Tuy nhiên, khi bác sĩ kiểm tra, sức khỏe của người anh này không đảm bảo để cho thận nên bệnh nhân đành đợi một hy vọng khác. Tới khoảng đầu tháng 12/2021, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo có thể ghép thận cho người khác nhóm máu. Qua nhiều quy trình sàng lọc, xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe của vợ bệnh nhân là bà T.T.H (51 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) hoàn toàn phù hợp.
Ngày 29/12/2021, vợ chồng bệnh nhân đã được thực hiện cuộc mổ lấy và ghép thận. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, thận có nước tiểu tốt ngay tại bàn mổ, thận ghép tưới máu tốt, chức năng thận hồi phục nhanh. Sau ngày thứ 2 chức năng thận trở về bình thường. Hiện, bệnh nhân đã được xuất viện.
Cứu sống cụ ông 93 tuổi có sỏi kẹt trong tụy
VOV đưa tin, Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) vừa cứu sống một bệnh nhân 93 tuổi trong tình trạng nguy kịch do sỏi là tắc ống mật chủ và ống tụy chính. Cụ thể, bệnh nhân là ông N.V.T, nhập viện trong tình trạng đau thượng vị, kèm mệt, buồn nôn.
Các kết quả kiểm tra cho thấy bạch cầu máu, men gan, men tụy đều tăng cao, Billirubin (một thành phần của dịch mật gây vàng da) trong máu cũng tăng. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân có sỏi tụy kẹt ở đoạn cuối ống tụy chính gây giãn ống tụy, đồng thời đè ép vào ống mật chủ gây giãn đường mật.
Qua hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm đường mật cấp nặng do sỏi tụy chèn ép, gây tắc nghẽn ống mật chủ và ống tụy chính trên nền viêm tụy mạn. Nếu không xử lý kịp thời thì bệnh nhân có diễn tiến sốc nhiễm trùng đường mật và nguy cơ tử vong rất cao.
Ngay lập tức, các bác sĩ vừa hồi sức nội khoa tích cực, vừa can thiệp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) khẩn để lấy sỏi tụy và dẫn lưu để giải áp đường mật - tụy. Sau hơn 1 tiếng thực hiện thủ thuật, ekip phẫu thuật đã lấy được sỏi tụy. Chỉ sau vài giờ can thiệp, các chỉ số xét nghiệm của bệnh nhân cải thiện, trở về mức bình thường. Bệnh nhân khỏe và được xuất viện một tuần sau can thiệp.
Can thiệp điều trị cho thanh niên bị suy hô hấp cấp, hẹp van hai lá nặng
Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa can thiệp điều trị thành công cho bệnh nhân 29 tuổi quê Quảng Ngãi bị suy hô ấp cấp và hẹp van hai lá nặng. Đáng chú ý, bệnh nhân này chưa có tiền sử bị bệnh lý tim mạch hay hô hấp.
Bệnh nhân nhập viện ngày 8/1 vì khó thở kèm sốt cao trong 4 ngày. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân suy hô hấp nặng phải thở oxy lưu lượng cao. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp cấp do viêm phổi, hẹp van hai lá, rung nhĩ kịch phát và được chuyển khoa Nội tim mạch. Bệnh nhân được siêu âm ghi nhận hẹp van hai lá nặng hậu thấp, chưa được chẩn đoán trước đây.
Sau 12 tiếng nhập viện, bệnh nhân không đáp ứng điều trị, sốt cao liên tục 39-40 độ C, nhiễm khuẩn huyết, tổn thương phổi trên X-quang ngực tiến triển nặng hơn đáng kể. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản và thở máy xâm lấn nhưng tình hình bệnh nhân vẫn tiến triển xấu hơn, xuất hiện các cơn rung nhĩ với tần số tim rất nhanh, huyết áp thấp dần. Bệnh viện lập tức hội chẩn toàn viện và can thiệp ECMO cho bệnh nhân trong vòng 40 phút.
Sau can thiệp ECMO, tình trạng suy hô hấp bệnh nhân ổn định dần. Bệnh nhân được tiếp tục kiểm soát rối loạn nhịp, chế độ dinh dưỡng… Bệnh nhân được cai ECMO sau 7 ngày. Sau khi cai ECMO, bệnh nhân được vật lý trị liệu hô hấp, phục hồi chức năng vận động, ngưng hỗ trợ oxy sau 9 ngày. Khi tình trạng hô hấp bệnh nhân ổn định, tiếp tục đánh giá toàn diện bệnh lý van tim, có chiến lược theo dõi định kỳ và can thiệp van tim ở thời điểm phù hợp.
Đinh Kim(T/h)