Cứu cụ bà có nguy cơ đột tử rất cao vì bị lóc tách động mạch chủ
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật cấp cứu bà Đ.T.N (68 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) trong tình trạng nguy cơ đột tử rất cao.
Trước đó, bệnh viện tiếp nhận bà N. trong tình trạng đau ngực dữ đội và kéo dài. Kết quả chụp CT scan động mạch chủ và các xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân bị bị lóc tách động mạch chủ ngực đoạn lên, thành động mạch chủ giãn lớn kèm tràn máu màng tim. Đây là dấu hiệu cho thấy nguy cơ bệnh nhân đột tử rất cao.
Các bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật mở ngực bệnh nhân và chạy máy tim phổi nhân tạo, đồng thời hạ thân nhiệt sâu, ngưng tuần hoàn ngoại biên, tưới máu nuôi não chọn lọc.
Tiếp theo, các bác sĩ cắt bỏ đoạn động mạch chủ bị lóc tách và thay bằng ống ghép động mạch chủ nhân tạo. Sau phẫu thuật, người bệnh không bị biến chứng, sức khỏe phục hồi tốt.
ThS.BS Lương Công Hiếu, Phó Trưởng khoa Ngoại tim mạch – Lồng ngực Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết lóc tách động mạch chủ là tình trạng lớp thành mạch bên trong bị rách, khiến dòng máu chảy vào lớp áo giữa và lan dọc theo chiều dài của mạch máu, dẫn đến tắc các nhánh nuôi và làm yếu thành mạch gây vỡ.
“Riêng với lóc tách động mạch chủ ngực đoạn lên, tình trạng này có thể lóc vào động mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp. Tình trạng này còn gây hở van động mạch chủ cấp tính hoặc lóc lan ra các đoạn xa của động mạch chủ gây nhồi máu, hoại tử các tạng hoặc vỡ mạch máu khiến bệnh nhân tử vong”, bác sĩ Hiếu nói.
Bệnh nhân bị lóc tách động mạch chủ ngực đoạn lên phải phẫu thuật cấp cứu càng sớm càng tốt. Ở trường hợp bà N., do đến bệnh viện sớm và được phẫu thuật kịp thời sau 2 tiếng nhập viện nên đã được cứu sống.
Ngã vào bụi cây, bé trai 6 tuổi bị đoạn gỗ mục đâm vào vùng mông
Ngày 19/7, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin các bác sĩ khoa Chỉnh hình của đơn vị đã lấy thành công dị vật là một đoạn gỗ mục ra khỏi vùng mông cách hậu môn 1cm cho bé trai 6 tuổi ở Hưng Yên.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời người nhà bệnh nhi cho hay, tai nạn xảy đến khi bé trai đang chơi đùa không may ngã vào bụi cây nên bị đoạn gỗ đâm vào vùng mông. Thời điểm nhập viện, bệnh nhi sốt cao, vùng mông có ổ áp xe, chảy dịch. Kết quả trên phim chụp X-quang cho thấy, dị vật nằm rất sâu gần khung xương chậu, cách hậu môn của bệnh nhi 1cm.
Bác sĩ CKII Lê Tuấn Anh – Phó Trưởng khoa Chỉnh hình Bệnh viện Nhi Trung ương - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết, sau 1 giờ phẫu thuật, ekip đã lấy bỏ dị vật là một đoạn gỗ mục dài 6cm, kèm các dị vật là lá cây cũng lẫn trong đó.
"Rất may khi chúng tôi tiến hành thăm dò trực tràng của trẻ không thấy có tổn thương. Đến thời điểm hiện tại bệnh nhi phục hồi tốt, tình trạng sức khoẻ ổn định, bệnh nhi đã được ra viện", Lê Tuấn Anh chia sẻ.
Qua đây, bác sĩ Lê Tuấn Anh khuyến cáo trẻ nhỏ với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích, gây ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đồng thời dặn dò, giáo dục trẻ về ý thức tự bảo vệ chính mình, về các mối nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra khi leo trèo, nghịch ngợm.
Bên cạnh đó, hướng dẫn trẻ những kỹ năng cơ bản nhất tránh nguy cơ đối mặt với những tai nạn khi sinh hoạt, vui chơi. Không cho trẻ chơi một mình và không cho trẻ chơi với những đồ vật sắc nhọn, có tính sát thương cao để tránh gặp nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe, vận động của trẻ.
Ngón tay người đàn ông thâm đen do bị rắn hổ mang cắn
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thời gian gần đây, các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trúng độc do bị rắn cắn, đặc biệt là rắn hổ mang.
Bệnh nhân L.V.P (53 tuổi, trú tại Thanh Hóa) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng bàn tay căng phồng, ngón tay bị cắn thâm đen do rắn hổ mang cắn. Theo bệnh nhân, buổi chiều tối, khi đang dọn cỏ khô, ông bị một con rắn cắn vào ngón tay.
Ngay sau đó, ông đã đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Đến khuya, vùng rắn cắn đau nhức nên gia đình xin chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, người bệnh được các bác sĩ truyền huyết thanh kháng nọc rắn độc. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được thực hiện xử lý nhiễm trùng.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay, thời điểm mùa mưa sẽ có nhiều trường hợp bị rắn cắn. Hiện, số lượng rắn độc tại Việt Nam rất nhiều, trong đó rắn hổ mang vẫn là loài đáng sợ nhất do có thể gây hoại tử ngay lập tức bộ phận bị cắn, xếp ngay sau là rắn lục đuôi đỏ.
XEM THÊM: Người phụ nữ 39 tuổi phát hiện khối u xơ tử cung to như mang thai 8 tháng
Theo thông tin trên VietNamNet, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên lưu ý khi bị rắn cắn, nạn nhân nên bình tĩnh. Biện pháp sơ cứu có thể áp dụng là hạn chế vận động của bệnh nhân, cố gắng vận chuyển nạn nhân bằng phương tiện vận chuyển hoặc có người khiêng, tuyệt đối không được để nạn nhân tự đi lại di chuyển.
Các biện pháp không nên áp dụng, làm nặng thêm tình trạng bệnh nhân rắn cắn như chích, rạch vùng rắn cắn hay hút nọc độc, sử dụng các biện pháp dân gian đắp lá, đắp thuốc.
Đinh Kim (T/h)