Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 22/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Ăn cá mặt thỏ, người đàn ông bị hôn mê, liệt toàn thân
Bệnh nhân có nguy cơ tử vong nếu nhập viện muộn 10 phút. (Ảnh: BVCC) |
Bệnh viện quận 2 (TP.HCM) cho biết trên báo Công lý, các bác sĩ vừa kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân N.T.Q. (40 tuổi, ngụ quận 2) bị ngộ độc bao tử cá mặt thỏ.
Theo bệnh sử, vào khoảng 13h ngày 18/9, anh Q. tự nấu bữa ăn trưa, trong đó có món bao tử cá mặt thỏ. Đây là món bình thường anh vẫn hay ăn. Tuy nhiên, lần này khi vừa ăn xong, anh Q. cảm thấy khác lạ khi tê bên trong khoang họng, rồi tê dần ra mặt, lan đến tay, chân và nôn ói. Anh Q. nhờ một người bạn đưa đến Bệnh viện quận 2 cấp cứu.
Thời điểm nhập viện bệnh nhân tỉnh, co giật nhẹ, yếu liệt tay chân, thở khó, than đau và tê vùng đầu, mặt, nói đớ,... Chỉ sau 10 phút vào bệnh viện, người đàn ông này đã mất tri giác, hôn mê sâu, liệt hoàn toàn tay chân, tím tái, đồng tử giãn, không phản xạ ánh sáng, gần như tử vong. Ngay lập tức, bác sĩ khoa Cấp cứu hồi sức tích cực, cho bệnh nhân thở máy và lọc máu.
Theo bác sĩ Từ Kim Thanh - Trưởng khoa Thận nhân tạo, diễn tiến bệnh rất nhanh, bệnh nhân chỉ kịp nói ăn bao tử cá mặt thỏ rồi hôn mê. Qua các triệu chứng của bệnh nhân, các bác sĩ chuẩn đoán bị ngộ độc chất Tetrodotoxin, độ 3, 4 nên tiến hành lọc máu hấp thụ chất độc ngay lập tức để cứu mạng bệnh nhân. Sau lọc máu, đến 22h30 cùng ngày thì bệnh nhân hồi tỉnh, có thể nhúc nhích được ngón tay, chân.
Đến ngày 21/9, bệnh nhân đã tỉnh, rút được ống nội khí quản, ngưng thở máy. Sức cơ của bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, tri giác bệnh nhân ổn định, thực hiện được các y lệnh của bác sĩ. Tuy nhiên, người bệnh đang được tiếp tục theo dõi để tránh nguy cơ các biến chứng có thể xảy ra.
Phân tích chuyên môn của bác sĩ Kim Thanh cho hay, độc tố Tetrodotoxin người bệnh mắc phải là một loại độc tố thần kinh thường có trong da, gan hoặc thịt của một số sinh vật biển như sam, ốc, bạch tuộc, đặc biệt là cá nóc.
Nạn nhân sau khi ăn phải thức ăn có độc tố này sẽ xuất hiện các triệu chứng như tê, ngứa môi và phía trong miệng, yếu liệt cơ, hạ huyết áp... Các triệu chứng diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 10 phút sau khi ăn, tử vong sau khoảng 30 phút trúng độc nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo người dân không nên ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhất là các sinh vật lạ. Sau khi ăn, nếu có các triệu chứng tê đầu lưỡi, nôn ói, mệt mỏi... không tự móc ói, cạo gió, hay sử dụng các phương pháp dân gian, người nhà phải lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, nếu chậm trễ nguy cơ tử vong rất cao.
Gạch đè nam thanh niên vỡ tụy, vỡ tá tràng
Anh B. sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. (Ảnh: BVCC) |
Bác sĩ Mai Hóa, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát, bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM, cho biết trên VietNamnet, bệnh viện đã kịp thời phẫu thuật cứu sống anh C.V.B. (36 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) bị tai nạn lao động.
Theo thông tin ban đầu, trong lúc đang làm việc tại công trình, anh B. bị kiện gạch dùng để lát sàn nhà rơi trúng, đè vào người từ phần bụng trở xuống. Ngay lập tức, anh được đồng nghiệp kéo ra khỏi đống gạch và đưa đến Bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu.
Tại bệnh viện, anh B. vẫn tỉnh, tiếp xúc tốt và được bác sĩ cho làm xét nghiệm, chụp CT bụng. Tuy nhiên, ngay sau đó, anh rơi vào diễn tiến xấu khiến huyết áp hạ, bụng trướng căng dần, mạch nhanh, sinh hiệu không ổn…
Bệnh viện bật báo động đỏ nội viện, các khoa nhanh chóng có mặt hội chẩn ca bệnh nguy kịch. Bệnh nhân được đưa đến phòng mổ tiến hành can thiệp ngay.
Hình ảnh CT ngực bụng cho thấy anh B. bị tổn thương tụy độ 4, chảy máu hoạt động, chấn thương thận trái và tuyến thượng thận trái, dịch ở ổ bụng nhiều.
Bác sĩ Mai Hóa, phẫu thuật viên chính, chia sẻ: “Khi mở ổ bụng, chúng tôi phát hiện có rất nhiều máu, hút ra được khoảng 2 lít máu đỏ tươi và máu bầm, kiểm tra thấy vỡ đứt thân và đuôi tụy, vỡ hành tá tràng, tổn thương mạch máu vị phải dẫn đến sốc mất máu".
Các bác sĩ đã cắt thân và đuôi tụy bảo tồn lách, khâu hành tá tràng và cầm máu cho người bệnh. "Tình trạng bệnh nhân rất nghiêm trọng, nếu không can thiệp kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng", bác sĩ Mai Hóa nói.
Sau hơn 3 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm và hồi phục nhanh.
Hiện tại, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh, tiếp xúc tốt, có thể đi đứng, sinh hoạt và ăn uống bình thường, vết mổ khô và đã cắt chỉ. Dự kiến bệnh nhân có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Cứu bệnh nhân tiên lượng tử vong 90%
Zing thông tin, bệnh nhân V.V.T., 24 tuổi, có tiền sử ho ra máu mỗi ngày 2-3 lần. Tại bệnh viện quận Thủ Đức, T. được chẩn đoán tổn thương phổi do lao.
Đang điều trị, nam thanh niên bất ngờ "ho ra máu sét đánh” ngay tại giường bệnh. Máu chảy khiến các nhân viên y tế bất ngờ. Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức với dịch truyền, oxy liệu pháp, khí dung adrenaline và thuốc cầm máu tạm thời.
Đồng thời, quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt. Ê-kíp các bác sĩ từ các chuyên khoa Lồng ngực - Mạch máu, Gây mê hồi sức, DSA, Hồi sức tích cực - Chống độc và Nội Tổng hợp hội chẩn để đưa ra phương án xử trí cho người bệnh.
Bệnh nhân được nhanh chóng được chuyển qua phòng DSA để được xử lý chảy máu bằng kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu BAE. Người này được đặt ống nội khí quản một nòng, thở máy xâm lấn ngay tại phòng can thiệp mạch.
Sau một giờ can thiệp, cầm máu, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Các mạch máu động mạch phế quản gây tình trạng xuất huyết được nút lại kịp thời.
Theo BSCKI Nguyễn Thanh Long, Trưởng đơn vị Can thiệp mạch máu ngoại biên, khoa Chẩn đoán hình ảnh, ho ra máu sét đánh là tình trạng bệnh diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh. Máu có thể tuôn ra ồ ạt, không cầm được và đông thành từng cục gây bít tắc đường thở.
Chỉ sau một vài phút, người bệnh sẽ bị suy hô hấp cấp, trụy tuần hoàn và tử vong ngay sau đó khiến các bác sĩ không kịp trở tay. Ho ra máu sét đánh là tai biến hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong cao trên 90%.
Sau khi xuất viện, bệnh nhân tiếp tục uống thuốc kháng lao trong 6 tháng. Người này cần được tái khám và theo dõi các di chứng lao phổi.
Việt Hương (T/h)