Cụ ông 81 tuổi phát hiện ung thư gan từ dấu hiệu ở hạ sườn phải
Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, bệnh nhân T.C.B. (81 tuổi, trú tại TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) từng phát hiện ung thư gan và đã được điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh từ năm 2016.
Gần đây, người bệnh cảm thấy đau âm ỉ vùng hạ sườn phải nên vào viện kiểm tra. Kết quả siêu âm phát hiện nhu mô gan phải có 2 khối u ác tính phân thùy VII và V, kích thước 25x29 mm và 47x48 mm.
Hội chẩn liên khoa Chẩn đoán hình ảnh, Ung bướu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư gan phải trên nền tăng huyết áp, viêm gan B và chỉ định đốt u gan bằng sóng cao tần RFA.
Bác sĩ CKII Ngô Quang Chức – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cùng các kỹ thuật viên trong khoa thực hiện thủ thuật trong 30 phút. Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, ít đau trong thời gian thực hiện. Bệnh nhân được ra viện chỉ sau 2 ngày.
2 trẻ tử vong nghi do chó dại cắn
Ngày 21/3, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, gần đây đơn vị tiếp nhận 2 bệnh nhi đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nghi do chó dại cắn, theo tờ Tri Thức Trực Tuyến.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi V.Q.H. (9 tuổi, trú tại huyện Tân Kỳ) nhập viện với chẩn đoán bị bệnh dại vào ngày 10/3. Bệnh nhi không được tiêm phòng vaccine dại sau khi tiếp xúc động vật bị bệnh. Trẻ nhập viện khi đã muộn nên không còn cơ hội cứu chữa.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi L.B.T. (3 tuổi, trú tại huyện Quế Phong), nhập viện vào cuối tháng 2. Bệnh nhi xuất hiện nôn nhiều, nôn tự nhiên kèm co giật. Gia đình đã cho bệnh nhi tới Trung tâm y tế huyện Quế Phong thăm khám.
Sau đó, bệnh nhi nhanh chóng được chuyển tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị trong tình trạng suy hô hấp, co giật kéo dài, xuất tiết nhiều đờm dãi, sợ gió, sợ nước. Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp nghi ngờ bệnh dại.
Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhi thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo. Cách ngày nhập viện một tháng, gia đình trẻ có một con chó chết không rõ nguyên nhân. Sau khi vào bệnh viện, bệnh nhi được các bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng bé không qua khỏi.
Theo chia sẻ của TS.BS nội trú Trần Văn Cương – Trưởng khoa Cấp cứu, việc gia đình nuôi con vật trong nhà (nhất là vật nuôi khi chưa được tiêm phòng) và để trẻ thường xuyên tiếp xúc với chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Thời gian ủ bệnh dại khá dài (2-8 tuần, có thể kéo dài đến một năm), vì thế nhiều cha mẹ không để ý đến những tổn thương trên cơ thể trẻ. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết thương, vị trí và lượng virus dại được truyền sang người.
Dại khi đã lên cơn thì tỷ lệ tử vong là gần 100%. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vậy nên, khi bị chó, mèo cắn, cào, người dân cần sơ cứu vết thương đúng cách. Tiêm vaccine phòng dại vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh cho người bị chó, mèo cắn.
Chàng trai 22 tuổi suýt phải cắt bỏ thận sau triệu chứng đau vùng hông lưng
Theo VietNamNet, ngày 17/3, nam bệnh nhân (22 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) bị đau vùng hông lưng, nhập viện trong tình trạng da xanh, niêm nhợt. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính vùng bụng xác nhận vùng thận phải có khối u, kích thước lên đến 105x115 mm. Đây là khối u cơ mỡ mạch thận, đang chảy máu vào khoang quanh thận và sau phúc mạc.
Tiến hành hội chẩn khẩn cấp, các bác sĩ quyết định phải can thiệp cầm máu ngay lập tức. Bác sĩ CKI Nguyễn Tấn Tài - Đơn vị X-quang can thiệp cho hay, khối u bị vỡ giàu mạch máu ở thận, diễn tiến nguy hiểm sẽ dẫn đến nguy cơ phẫu thuật cắt bỏ thận hoặc tử vong do chảy máu ồ ạt.
Vì thế, ekip can thiệp phải thực hiện thủ thuật nhanh chóng, chính xác và bảo tồn được thận của bệnh nhân trẻ tuổi. Sau 45 phút can thiệp nội mạch tắc mạch cầm máu dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch máu xóa nền (DSA), nam bệnh nhân được cứu sống. Một ngày sau, bệnh nhân đã vận động nhẹ, ăn uống bình thường, đau ít ở vùng hông lưng phải. Dự kiến, bệnh nhân sẽ xuất viện sau 3 ngày theo dõi.
Đinh Kim(T/h)