Bé trai 1 tuổi mắc bệnh hiếm gặp, nổi bóng nước toàn thân
Theo báo Tin Tức, thấy con ho, sốt, mẹ bé N. (1 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) đưa bé đến khám ở một phòng khám địa phương và được chỉ định thuốc điều trị viêm phổi. Tuy nhiên đến ngày thứ 4, da bé N. nổi bóng nước toàn thân, gia đình đã đưa bé đi cấp cứu tại TP.HCM và được chẩn đoán mắc bệnh hiếm gặp.
Cụ thể, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Hiền - khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhi N. nhập viện trong tình trạng sốt, ho, viêm kết mạc mắt, da toàn thân nổi hồng ban đa dạng xen lẫn các bóng nước với nhiều kích thước kết hợp tổn thương niêm mạc mũi, miệng, hậu môn…
Dựa trên biểu hiện lâm sàng, X-quang phổi, xét nghiệm máu kết hợp điều tra bệnh sử, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi N. mắc hội chứng Stevens-Johnson. Đây là một hội chứng hiếm gặp, có nguy cơ tử vong cao với đặc trưng bởi các tổn thương ở da và niêm mạc.
“Tình trạng bệnh nhi N. rất nặng, đối diện với nguy cơ hoại tử bì nhiễm độc dẫn tới nhiễm trùng huyết, suy đa tạng nếu không phát hiện kịp thời. Bệnh nhi phải nằm phòng cách ly để tránh tăng nguy cơ nhiễm trùng và khoa Nhi tiến hành hội chẩn cùng với bác sĩ khoa Mắt, Da liễu... lên kế hoạch phối hợp điều trị”, bác sĩ Hiền thông tin.
Theo đó, bệnh nhi N. được sử dụng kháng sinh toàn thân vừa điều trị viêm da kết hợp viêm phổi kéo dài, dùng thuốc nhỏ mắt ngăn chặn nguy cơ tổn thương giác mạc. Sau hai ngày điều trị, bệnh nhi N. hết sốt, các tổn thương da ngưng tiến triển. Sau một tuần điều trị, vết thương trên toàn bề mặt da đã khô, lên da non, không để lại biến chứng và được cho xuất viện.
Theo bác sĩ Minh Hiền, hội chứng Stevens-Johnson được mô tả lần đầu tiên vào năm 1922 bởi các bác sĩ nhi khoa A. M. Stevens và F. C. Johnson với báo cáo 2 trường hợp trẻ em ở thành phố New York bị sốt, phát ban da niêm mạc bất thường, được chẩn đoán nhầm là sởi và sốt xuất huyết. Tỷ lệ mắc tại Mỹ khoảng 2/1.000.000 người, biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 15%.
XEM THÊM: Tiêm filler vào vùng trán lõm, nam thanh niên 23 tuổi có nguy cơ mù lòa
Theo y văn, nguyên nhân thường gặp nhất là do dị ứng thuốc, bao gồm kháng sinh, thuốc động kinh hoặc do nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (Mycoplasma hay herpes simplex virus). Tuy nhiên cũng có tới khoảng 40% các trường hợp là không rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Minh Hiền khuyến cáo phụ huynh hết sức cẩn trọng khi phát hiện trẻ nổi ban toàn thân, xuất hiện các bóng nước cần đưa trẻ đi khám ngay. Đối với trẻ đã ghi nhận tiền sử dị ứng thuốc, thực phẩm, cần lưu ý kỹ các thành phần có trong thuốc, thực phẩm, tránh cho trẻ sử dụng nhầm và báo cho bác sĩ trong các lần thăm khám tiếp theo.
Thay van động mạch chủ qua da cho cụ ông 83 tuổi
Báo Người Lao Động đưa tin, theo Bệnh viện Pháp – Việt (FV) TP.HCM cho biết các bác sĩ tại đây vừa phẫu thuật thành công phương pháp thay van động mạch chủ qua da (TAVI) cho cụ ông N.V.H (83 tuổi, ngụ TP. HCM) bị hẹp van tim nặng.
Theo bệnh sử, ông H. từng đặt stent. Tuy nhiên, khoảng 4 tháng nay, ông bị khó thở, tức ngực, di chuyển, sinh hoạt khó khăn. Do đó, ông đến Bệnh viện FV thăm khám.
Tại bệnh viện, sau thăm khám cùng các kết quả xét nghiệm cho thấy van động mạch chủ của bệnh nhân bị hẹp rất nặng, can thiệp bằng thuốc không còn đáp ứng nữa.
TS.BS Hồ Minh Tuấn - Trưởng Khoa Tim mạch Bệnh viện FV, cho biết với trường hợp này, bệnh nhân cần phải thay van tim mới có thể giữ được tính mạng. Phương pháp an toàn nhất đối với ca bệnh này là can thiệp thay van tim bằng kỹ thuật TAVI, vì tiên lượng tỉ lệ tử vong cao nếu chọn phương pháp mổ hở.
Ca phẫu thuật kéo dài 2 tiếng, với sự tham gia của ekip tim mạch của bệnh viện cùng sự hỗ trợ của bác sĩ Datuk Rosli Mohd Ali - cựu Giám đốc Trung tâm Tim mạch quốc gia Malaysia, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện CVSKL Kuala Lumpur.
Bệnh nhân đã được các bác sĩ dùng ống thông nhỏ để đưa một van mới tới tim thông qua một động mạch ở chân, thay thế van động mạch chủ tự nhiên của bệnh nhân. Quá trình này được thực hiện dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm tim và hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) tiên tiến. 3 ngày sau phẫu thuật, ông H. đã tự đi lại, tập thể dục như bình thường và có thể xuất viện.
Bé gái bỏng nặng vùng mặt do tự chế pháo bằng diêm
Theo thông tin trên báo Giáo Dục và Thời Đại, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết đơn vị vừa cứu chữa cho một bé gái 11 tuổi ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) bị tổn thương mắt nghiêm trọng do tự chế pháo bằng diêm.
Cụ thể, bé gái nhập Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vì bỏng hai mắt, vùng mặt và tay do tự chế pháo bằng diêm. Theo lời kể của người thân, trong lúc bố mẹ không để ý, bé đã cạo đầu đỏ của các que diêm sau đó cho vào cối giã.
Trong lúc thực hiện, các đầu đốt bỗng bùng cháy mạnh, phóng thẳng vào mặt bệnh nhi. Sau tai nạn, mắt bệnh nhi đau nhức, khó mở mắt, xuất hiện nhiều vết bỏng loét vùng da mặt và bàn tay phải. Gia đình đã nhanh chóng đưa bệnh nhi vào viện điều trị.
Tại đây, các bác sĩ tiến hành khám phát hiện hai mắt bị bỏng kết - giác mạc do nhiệt kèm nhiều dị vật giác mạc. Bệnh nhi đã được các bác sĩ điều trị tích cực, kết hợp lấy dị vật giác mạc dưới máy sinh hiển vi.
Sau 8 ngày điều trị giác mạc biểu mô hoá hoàn toàn, thị lực phục hồi tốt. Vùng da mặt và tay bị bỏng đã phục hồi dần.
Các bác sĩ khoa Mắt Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, các năm qua khoa đều tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị tổn thương do pháo nói chung hoặc các vật dụng liên quan đến pháo nổ tự chế nói riêng.
Trong đó, đa phần các trường hợp đều bị chấn thương mắt, tay, bỏng mặt và bỏng toàn thân, thậm chí có trường hợp để lại di chứng nặng như mù vĩnh viễn, mất bàn tay...
Chuyên gia khuyến cáo, dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, các gia đình có con nhỏ thường xuyên nhắc nhở và quản lý các trẻ để tránh những hậu quả đáng tiếc liên quan đến pháo nổ có thể xảy ra.
Đinh Kim(T/h)