Nam PT phải lọc máu 12 ngày sau thử thách squat 300 lần
VietNamNet dẫn thông tin từ ThS.BS Đỗ Quốc Phong - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc nội khoa Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân người Ấn Độ (27 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào viện khám trong tình trạng đau cơ đùi, hông và hai bắp chân dữ dội, kèm theo tiểu ít, bí tiểu.
Khi tới khám, bệnh nhân có biểu hiện tiêu cơ vân cấp như suy thận cấp, tăng CK máu, vô niệu, tăng chuyển hóa. Theo bệnh nhân chia sẻ, anh là PT và vẫn tập luyện hàng ngày.
Nam bệnh nhân đã tham gia thử thách squat 300 lần liên tục. Sau đó, cơ thể của anh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường. Trên lâm sàng, bệnh nhân có thân hình vạm vỡ, khỏe mạnh nhưng bị bệnh do tập luyện quá đà.
Các bác sĩ đã phải tiến hành lọc máu cho bệnh nhân kéo dài 12 ngày. Bác sĩ Phong cho rằng vấn đề lo ngại nhất của bệnh nhân này là khi ra viện vẫn còn suy thận ở độ 2A, tổn thương cầu thận, biến chứng này có thể theo bệnh nhân tới suốt đời.
Squat là bài tập gánh tạ hoặc sử dụng tay không, người tập sẽ phải đứng lên ngồi xuống trụ bằng hai chân và vận dụng một lúc nhiều nhóm cơ khác nhau trên cơ thể như đùi, mông, hông. Theo bác sĩ Phong, đây là trường hợp điển hình cảnh báo những người tập thể thao quá sức kể cả huấn luyện viên.
Tình hình người đàn ông nghi bị ngộ độc sữa ở Tiền Giang
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin ngày 20/10, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, người đàn ông nghi bị ngộ độc sữa ở Tiền Giang đã đủ điều kiện xuất viện, sau 6 ngày điều trị tích cực.
Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 15/10, Bệnh viện tiếp nhận ông P.M.T (55 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, thở máy, huyết động không ổn định, mạch nhanh, nguy cơ tử vong rất cao.
Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết, ngày 15/10, ông T. uống khoảng 50 ml sữa bột, sau đó cảm thấy choáng váng, nhức đầu khó thở, buồn nôn. Chỉ 5 phút sau, ông không thở được và không nhận biết được xung quanh. Sau khi cấp cứu ở bệnh viện địa phương, ông được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận định, khả năng đây là ca ngộ độc cấp, biến chuyển rất nhanh sau khi tiếp xúc một loại sữa. Bệnh nhân được tiến hành thở máy lưu lượng cao, truyền dịch, ổn định huyết áp, lọc máu... Các bác sĩ thống nhất vừa điều trị đào thải độc chất vừa ổn định các biến chứng tim mạch, suy tạng, tổn thương gan cho bệnh nhân.
Theo đó, sau đợt lọc máu đầu tiên, bệnh nhân cải thiện tri giác, tình trạng ổn định. 24h tiếp sau kết thúc màng lọc thứ 2, bệnh nhân tỉnh. Kết thúc đợt lọc máu thứ 3 bệnh nhân tỉnh hoàn toàn. 48 giờ sau nhập viện, bệnh nhân tự thở được, ngưng lọc máu. Và sau 50 giờ, bệnh nhân được rút nội khí quản để tự thở bình thường.
Đến nay, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, các xét nghiệm chức năng trở về gần như bình thường, loại bỏ được các chất độc khỏi cơ thể. Hôm nay, bệnh nhân đủ tiêu chuẩn xuất viện với các dấu hiệu sinh tồn ổn định, các biện pháp can thiệp được ngưng lại, bệnh nhân sinh hoạt bình thường.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, việc nhận định độc chất được gấp rút triển khai nhằm có hướng can thiệp hiệu quả nhất. Dựa trên diễn tiến lâm sàng, cận lâm sàng, diễn tiến của tình trạng nhiễm độc, các bác sĩ suy đoán đây là một chùm ca ngộ độc cấp, chất độc này thuộc nhóm độc tính cực cao, không màu, không mùi, không vị khiến người uống không phát hiện ra bất thường.
Từ đó, các bác sĩ liệt kê 5 độc chất theo thứ tự nghi ngờ nhất: Cyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin (bột mã tiền), botulinum. Đây là những chất kịch độc gây tử vong rất nhanh, có nhiều dạng khác nhau nhưng điểm chung là chất màu trắng, không mùi không vị. Tuy nhiên, bác sĩ không thể khẳng định là những chất này là tự sản sinh trong sữa hay được bỏ vào trong sữa.
Trong 5 chất này, chỉ có nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat là có thuốc giải độc đặc hiệu, còn lại là điều trị triệu chứng, hồi sức mà chủ lực là lọc máu. Sau khi khu trú được các nhóm độc chất, bác sĩ có phương hướng điều trị tiếp theo.
XEM THÊM: Vụ 2 người tử vong sau khi uống sữa: 5 chất độc nghi có trong sữa nguy hiểm thế nào?
Một xét nghiệm cho thấy cơ thể bệnh nhân có một loại men giảm, phù hợp với tình trạng người bị ngộ độc nhóm thuốc organophosphate. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác loại độc chất nào cần chờ cơ quan chức năng công bố kết quả xét nghiệm mẫu sữa.
Liên quan đến chi phí điều trị, ThS.Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, số tiền viện phí (trên 100 triệu đồng) đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ. Phần tiền hỗ trợ còn dư và toàn bộ số tiền gia đình người bệnh đã tạm ứng trước đó sẽ được hoàn lại cho người bệnh.
Cụ bà mang khối u nang buồng trứng nặng gần 4kg
Theo báo Bắc Giang, Các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Lục Nam vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt khối u nang buồng trứng nặng gần 4 kg cho cụ bà N.T.C (80 tuổi, ở xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).
Trước đó, ngày 16/10, bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Lục Nam thăm khám trong tình trạng bụng to bất thường, đau tức, mệt mỏi, chán ăn. Tại đây, qua xét nghiệm, siêu âm, chụp cắt lớp, các bác sĩ phát hiện trong ổ bụng bà C. có khối u to bất thường (tương đương thai 5 tháng tuổi) nên tổ chức hội chẩn, chỉ định thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Theo bác sĩ CKII Vũ Trí Quý - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, do khối u lớn đè ép mạnh các cấu trúc xung quanh, bệnh nhân lại lớn tuổi, thể trạng yếu nên kíp mổ lựa chọn phương pháp gây mê để mổ mở, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến sức khỏe trong suốt quá trình phẫu thuật.
Sau 2 giờ, các bác sĩ đã cắt bỏ khối u nặng gần 4 kg. Đến tối 19/10, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, mạch, huyết áp, nhiệt độ cơ thể trong giới hạn bình thường.
“U nang buồng trứng là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ song đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện ca phẫu thuật để cắt bỏ khối u lớn ở người đã 80 tuổi.
Mặc dù u nang buồng trứng thường là lành tính, không gây hại và có thể dần biến mất song ở một số trường hợp, khối u phát triển nhanh, có thể biến chứng thành ung thư. Do vậy, phụ nữ nên đi khám sức khỏe định kỳ, khi phát hiện khối u trong cơ thể cần theo dõi, tái khám để điều trị kịp thời”, bác sĩ Vũ Trí Quý khuyến cáo.
Đinh Kim(T/h)