Tin tức đời sống mới nhất ngày 20/12/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 20/12/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Hành trình giảm cân phi thường của cậu bé nặng nhất thế giới
Cậu bé Arya Permana, hiện 12 tuổi, sống tại một ngôi làng nhỏ thuộc vùng Cipurwasari, tỉnh Tây Java, Indonesia từng được mệnh danh là cậu bé béo nhất thế giới. Năm 10 tuổi, cân nặng của Arya đã đạt 200 kg khiến em không thể đi đứng, sinh hoạt và chơi đùa bình thường như những đứa trẻ khác được.
Arya từng được mệnh danh là cậu bé béo nhất thế giới vì nặng tới 200 kg. |
Theo bố mẹ của Arya là anh Ade Somantri, 47 tuổi và chị Rokayah Somantri, 37 tuổi, cậu bé chào đời theo phương pháp tự nhiên với cân nặng rất bình thường 3,2 kg. Nhưng khi Arya lên 2 tuổi, cân nặng của em bắt đầu thay đổi bất thường.
Cậu bé Arya liên tục tăng cân đến chóng mặt và ăn nhiều hơn cả người lớn. Bố mẹ cậu bé đã đưa con trai tới gặp bác sĩ trong vùng nhưng họ không thể tìm ra bất cứ dấu hiệu bất thường nào. Sau đó, anh Ade và chị Rokayah phải đi vay tiền từ người thân và hàng xóm bởi mức lương tháng ít ỏi chỉ 100 bảng (gần 3 triệu đồng) của hai vợ chồng không đủ để mua thức ăn cho Arya.
Năm 9 tuổi, cậu bé Arya phải tạm thời dừng đi học bởi đi bộ đến trường là một việc quá khó khăn với em. Arya tăng cân chóng mặt đến nỗi chẳng có bộ quần áo nào mặc vừa người và phải thường xuyên ngâm mình trong hồ để giảm nhiệt.
Quá lo lắng cho sức khỏe của con trai, bố mẹ của Arya đã tìm tới sự giúp đỡ của truyền thông. Tháng 4/2017, Arya đã được tài trợ để tiến hành ca phẫu thuật dạ dày, giúp cậu bé giảm được gần 20 kg chỉ trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa thấm vào đâu so với khối lượng khổng lồ của Arya. Cậu bé phải tiếp tục tập luyện nghiêm ngặt theo chế độ mà bác sĩ đưa ra.
Arya phải tuân theo chế độ ăn uống rất nghiêm ngặt, tập thể dục đều đặn, đi bộ 5 km mỗi ngày và chơi cầu lông với bạn bè. Hiện tại, cậu bé 12 tuổi đã giảm được hơn 95 kg, trở nên nhanh nhẹn hơn.
"Chúng tôi đã cho Arya ăn những đồ mà bác sĩ khuyên. Thằng bé không được phép ăn uống đồ ngọt, hoàn toàn không ăn đường. Thói quen ngủ của con cũng được cải thiện. Trước đó, thằng bé hay phàn nàn về việc khó thở và mất ngủ nhưng bây giờ đã ngủ ngon hơn. Bây giờ, Arya đã năng động hơn và thích đi chơi cùng bạn bè", người bố hạnh phúc chia sẻ.
Quá trình giảm cân ngoạn mục. |
Arya cũng thoải mái chia sẻ với mọi người về hành trình giảm cân phi thường của mình trên trang Instagram khiến không ít người ngưỡng mộ lòng quyết tâm lớn của cậu. Arya phấn khởi chia sẻ: "Bây giờ cháu rất hạnh phúc vì có thể đi bộ và chơi đùa. Cháu đã trở nên nhanh nhẹn hơn trước và thích chơi bóng đá. Cháu có thể đi bộ 5 km với bạn bè và chơi bóng đá cùng họ mỗi chiều".
Bệnh nhân sốc thuốc tử vong sau khi mổ ruột thừa
Ngày 19/12, ông Lê Đình Thao, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế xác nhận, một bệnh nhân đã tử vong do sốc thuốc, trong quá trình điều trị ruột thừa tại Trung tâm Y tế này.
Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà. |
Nữ bệnh nhân bị tử vong là chị Mỹ Hằng (32 tuổi, trú tổ dân phố Liễu Nam, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Khoảng 15h ngày 8/12, chị Hằng được người nhà đưa đến nhập viện tại Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà với các triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa.
Khoảng 1 giờ sau, bệnh nhân được phẫu thuật ruột thừa. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định chờ xuất viện. Tuy nhiên, đến ngày 14/12, bệnh nhân này có dấu hiệu bị sốt do nhiễm trùng. Các bác sĩ khoa ngoại của Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà đã hội chẩn và cho bệnh nhân uống một loại kháng sinh.
Sau khi uống thuốc, bệnh nhân bị sốc thuốc, nguy kịch đến tính mạng nên được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, tuy nhiên bệnh nhân đã không qua khỏi.
Ông Hoàng Văn Đức, Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bệnh nhân này bị dị ứng thuốc, khi uống thuốc thì bị sốc phản vệ. Nhận được thông tin, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà họp Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện để đánh giá lại toàn bộ sự việc, nguyên nhân tử vong.
Cứu sống bé gái bị túi phình mạch máu não
Mới đây, khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 vừa can thiệp và điều trị thành công cho bệnh nhi mới 34 tháng tuổi bị xuất huyết não do vỡ phình mạch máu não.
Bé gái bị bệnh dị tật tim bẩm sinh (còn ống động mạch) và điều trị tại BV Nhi đồng 2. Sau khi được can thiệp dị tật ở tim thì bé bỗng lơ mơ, giảm tri giác, da tái xanh, đồng tử hai bên mất cân xứng.
Kết quả chụp CT scanner sọ não khẩn ghi nhận tình trạng xuất huyết dưới nhện lan tỏa. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực, chống phù não, đặt dẫn lưu não thất ra ngoài để giảm áp lực nội sọ và tri giác bé được cải thiện hơn.
Mạch máu não bệnh nhi bị phình to, vỡ. Ảnh: Thanh Niên. |
Các bác sĩ nhận định bé có nguy cơ cao là do vỡ túi phình mạch máu não. Kết quả chụp mạch máu não xóa nền (DSA) để đánh giá cho thấy có túi phình ở động mạch não sau bên phải, túi phình này bể ra gây nên tình trạng xuất huyết.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện can thiệp mạch. Tuy nhiên, vào ngày sau khảo sát lại các bác sĩ thấy túi phình to hơn kết quả khảo sát lần đầu vào có nguy cơ tái vỡ nếu không điều trị kịp thời.
Các bác sĩ đã dùng những ống thông, dây dẫn siêu nhỏ luồn vào mạch máu, tiếp cận được túi phình và bít tắc hoàn toàn túi phình bằng những vòng xoắn kim loại. Sau can thiệp, sức khỏe bé ổn định và phục hồi dần.
Theo bác sĩ, túi phình mạch máu não ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ nhỏ là bệnh lý cực kì hiếm gặp nhưng rất dễ bỏ sót, không điều trị kịp thời. Nguyên nhân xuất hiện túi phình ở trẻ em vẫn chưa được hiểu rõ. Một số nguyên nhân gây túi phình thường gặp ở trẻ em như chấn thương, nhiễm trùng hoặc bệnh lý thành mạch bẩm sinh...
Cấp cứu bé trai 2 tuổi nuốt chiếc vít nhựa vào họng
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công cho bé trai 2 tuổi ở Tây Hồ (Hà Nội) bị mắc dị vật vào họng.
Cháu bé nhập viện trong tình trạng quấy khóc nhiều, ho sặc sụa, hoảng sợ, người chưa tím tái. Qua chiếu chụp, bác sĩ chẩn đoán trẻ mới bị mắc dị vật vùng hạ họng, chưa xuống thanh quản.
Bác sĩ Dương Thanh Huyền, chuyên khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc đã nhanh chóng thực hiện cấp cứu thành công cho bệnh nhi theo thủ thuật Heimlich. Dị vật được lấy ra là một chiếc vít bằng nhựa, kích thước khá lớn, đường kính 2.5 – 3 cm, chiều ngang và chiều dài cũng gần 2 cm.
Trẻ bị hóc dị vật nguy hiểm nhưng may mắn được đưa đến viện cấp cứu kịp thời. Ảnh: An Ninh Thủ Đô. |
Theo bác sĩ Huyền, rất may là do dị vật to nên bị mắc lại ở vùng hạ họng của bé chứ không lọt xuống qua vùng thanh quản. Hơn nữa, do người nhà bệnh nhân phát hiện sớm và kịp thời đưa bé đến viện nên tình trạng chưa đến mức nguy hiểm. Nếu chỉ chậm chút ít, trẻ không được cấp cứu nhanh chóng và kịp thời, hậu quả có thể sẽ rất nặng nề.
Bác sĩ Huyền phân tích, trẻ bị hóc dị vật, nếu dị vật rơi xuống đường thở sẽ rất nguy hiểm như gây ra nguy cơ nhiễm trùng, viêm phế quản, phổi, thậm chí tử vong nếu không được lấy ra...
Trong ngày 18/12, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận cấp cứu, hồi sinh cho một bé trai hóc hạt mãng cầu vào viện trong tình trạng tím tái, ngừng tim trước nhập viện, tắc nghẽn đường thở gây tràn khí màng phổi, sốc nặng nề.
Thu Hằng(T/h)