Cấp cứu bệnh nhân COVID-19 có dị vật đường thở phức tạp
Các bác sĩ khoa Hô hấp, Trung tâm Hồi sức COVid-19 Trung ương Thái Nguyên thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cơ sở 2 cho biết vừa cấp cứu thành công bệnh nhân mác COVID-19 có dị vật đường thở.
Theo Tri Thức Trực Tuyến, bệnh nhân Đ.T.N (30 tuổi, trú tại Đại Từ, Thái Nguyên) bị nhiễm SARS-CoV-2 ngày thứ 7, tự cách ly và điều trị tại nhà. Tối ngày 30/3, bệnh nhân ngậm quả kha tử và uống thuốc ho trước khi đi ngủ.
Sáng ngày 31/3, bệnh nhân thấy khó thở, đau ngực, được gia đình đưa đến cơ sở y tế cấp cứu. Kết quả thăm khám và chụp cắt lớp vi tính cho thấy có dị vật ở phế quản trái. Bệnh nhân sau đó được chuyển tới Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương Thái Nguyên.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành khám và hội chẩn chuyên khoa Hô hấp để gắp dị vật cấp cứu cho bệnh nhân. Các bác sĩ đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để nội soi phế quản ống mềm, gây tê để gắp dị vật.
Trong quá trình nội soi, đi từ khí quản qua carina thấy, bác sĩ phát hiện dị vật gây tắc hoàn toàn lòng phế quản gốc trái. Dị vật được lấy ra ngoài sau 30 phút. Kết thúc quá trình làm thủ thuật, bệnh nhân không khó thở, đỡ đau ngực, các chỉ số sinh tồn ổn định.
Nữ bệnh nhân có 30 ổ áp xe lớn nhỏ trên người
Infornet dẫn lời giám đốc một bệnh viện thẩm mỹ ở TP.HCM cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.T.H (38 tuổi, trú tại Bình Phước). Bệnh nhân đến viện trong tình trạng khắp người thủng hàng chục lỗ chi chít, với những đường khâu sẹo nham nhở.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân kể cách đây 4 tháng từng thực hiện tiêm tan mỡ làm đẹp ở một spa tại huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước). Sau khi vừa tiêm xong, cơ thể bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu đau nhức và sưng tấy ở những vị trí tiêm.
Bệnh nhân hoảng sợ và lo lắng nên đã đến spa để được kiểm tra và được cho uống kháng sinh. Tuy nhiên, cứ mỗi khi hết thuốc, vết tiêm lại đau nhức dữ dỗi, buộc bệnh nhân phải truyền kháng sinh liên tục.
Trước khi đến bệnh viện, nữ bệnh nhân đã được điều trị rạch nạo hút áp xe tại cơ sở y tế địa phương nhưng tình trạng tiếp tục tái diễn mà không được giải quyết dứt điểm. Qua tìm hiểu, bệnh nhân tức tốc tìm đến bác sĩ để được điều trị ngay.
Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện kiểm tra cách chỉ số sức khỏe đầy đủ bao gồm siêu âm những vùng tiêm tan mỡ, bác sĩ đánh giá hợp chất tiêm vào người bệnh nhân có thể đã bị cấm sử dụng nhưng lại được quảng cáo là thần dược tiêm tan mỡ.
Người bệnh nhân dày đặc 30 ổ áp xe lớn nhỏ, tập trung nhiều ở vùng 2 cánh tay và vùng bụng, tuy từng được xử lý nhưng dịch mủ ăn rất sâu nên vẫn chưa được điều trị dứt điểm. Theo dự kiến, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật điều trị để nạo vét sạch dịch mủ và ổ áp xe trong người bệnh nhân, tránh nguy cơ nhiễm trùng tái phát.
Điều trị thành công cho bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa
Giáo Dục và Thời Đại đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa điều trị thành công cho nam bệnh nhân N.V.C (59 tuổi, quê Cần Thơ) bị xuất huyết tiêu hóa bằng phương pháp can thiệp nội mạch.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, ngày 4/3, bệnh nhân nhiều lần tiêu ra máu, có mùi tanh, lượng lớn nên được gia đình đưa đi cấp cứu. Qua thực hiện khảo sát tìm nguyên nhân xuất huyết, bác sĩ chẩn đoán vị trí chảy máu từ ruột non, tuy nhiên bệnh nhân tiêu máu đỏ tươi kèm dấu hiệu sốc, là dấu hiệu của mất máu mức độ nặng.
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành chụp và can thiệp nội mạch để cầm máu, để tránh diễn tiến nặng hơn. Ca can thiệp được thực hiện thành công sau gần 60 phút, bệnh nhân qua cơn nguy hiểm.
“Đối với trường hợp này, bệnh nhân bị xuất huyết từ ruột non, kèm sốc do mất máu nặng. Trong trường hợp xuất huyết tiêu hoá từ ruột non mức độ từ trung bình đến nặng, nếu việc hồi sức nội khoa kém hiệu quả hoặc bệnh nhân có tình trạng huyết động tạm ổn và có dấu hiệu chảy máu hoạt động thì chụp mạch máu xoá nền số hoá (DSA) sẽ hiệu quả vượt trội vì vừa chẩn đoán vừa can thiệp điều trị (can thiệp nội mạch) với tỉ lệ thành công rất cao, thời gian thực hiện kỹ thuật khá ngắn và nhẹ nhàng, rất ít đau đớn và điều quan trọng là tránh được cuộc mổ lớn cho người bệnh”, bác sĩ CK2 Ngô Minh Tuấn – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Quốc tế S.I.S Cần Thơ, bác sĩ trực tiếp can thiệp cho hay.
Đinh Kim (T/h)