+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/9/2018: Mẹ Đỗ Nhật Nam khuyên phụ huynh không nên khen con giỏi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/9/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước và quốc tế ngày 19/9/2018 nhanh nhất trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/9/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước và quốc tế ngày 19/9/2018 nhanh nhất trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Mẹ Đỗ Nhật Nam: "Bố mẹ không nên khen con giỏi"

    Chị Phan Hồ Điệp, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam trong buổi tọa đàm “Kỉ luật tích cực không phải trừng phạt mà tôn trọng trẻ” chia sẻ: “Ông bố, bà mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con khi lớn lên sẽ trở thành người tử tế. Nhưng tôi cho rằng, thành công không phải giáo dục một đứa trẻ trở thành người giỏi nhất hay xuất sắc nhất, mà đích đến cuối cùng là khiến đứa trẻ ấy trở nên hạnh phúc”.

    Chị Điệp cũng nhấn mạnh, hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn nhầm lẫn giữa việc khen thưởng và khích lệ con cái. Vì thế, khi dạy con cần chú trọng 5 nguyên tắc khen để con vừa vui nhưng vẫn biết khiêm nhường và tiếp tục cố gắng.

    Chị Phan Hồ Điệp - mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam

    Nguyên tắc đầu tiên, “Không khen vào sản phẩm mà khen vào nỗ lực con đã làm”. Thay vì nói “Con giỏi quá” có thể nói “Mẹ biết con đã rất nỗ lực khi làm bài toán này”. Chị Điệp cho rằng, điều này sẽ giúp trẻ hiểu được những nỗ lực mới là điều khiến mọi người quan tâm và đánh giá. Từ đó trẻ sẽ học cách nỗ lực trong công việc để dành được lời khen ngợi từ những người xung quanh.

    Nguyên tắc thứ hai, “Không khen vào phẩm chất của con” như “Con giỏi quá”, “Con thông minh quá”, “Con xuất sắc quá”. Việc khen con quá nhiều sẽ khiến đứa trẻ trở nên kiêu ngạo hoặc thất vọng nếu chúng không giải quyết được điều gì đó. Vì thế, bố mẹ nên tránh sử dụng chủ ngữ là “con” và thay thành chủ ngữ “mẹ”. Ví dụ: “Mẹ rất vui khi con làm được điều này”, “Mẹ rất tự hào” hay “Mẹ rất hạnh phúc”.

    Nguyên tắc thứ ba, “Không so sánh với con của người khác mà chỉ so sánh với chính đứa trẻ ở khía cạnh tích cực”. Ví dụ ngày hôm qua con chưa làm được một điều gì đó nhưng hôm nay con đã làm được thì đó là điều rất tuyệt vời. Việc bố mẹ hay so sánh con cái với những đứa trẻ khác vừa khiến trẻ tự ti, vừa nảy sinh lòng đố kị. Do vậy, bố mẹ không nên so sánh con mình với “con người ta” và đặc biệt không chê con trước đám đông.

    Nguyên tắc thứ tư, “Mượn lời của người khác để khích lệ con”. Điều này sẽ làm lời khen trở nên khách quan hơn. Ví dụ, chị thường lấy lời khen của cô giáo để khen Nam như: “Hôm nay mẹ gọi điện cho cô giáo, cô nói em học rất ngoan. Nam làm mẹ rất vui và mẹ cảm thấy một ngày của mẹ thật nhẹ nhàng”. Khi mượn lời của người khác như thế con sẽ cảm thấy mình thật có ý nghĩa với mẹ.

    Nguyên tắc thứ năm, “Chú ý khen cả những thứ con không để ý”. “Trẻ con thường cực kỳ sung sướng về điều này”, chị Phan Hồ Điệp nói. Bố mẹ có thể khen con cả những thứ con vô tình làm như đưa đồ chơi cho bạn. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng, hóa ra mọi công việc mình làm đều có mẹ quan sát. Từ đó, trẻ sẽ cố gắng thực hiện những điều này tốt hơn.

    Phẫu thuật lấy 2 cây kim nằm 66 năm trong dạ dày bệnh nhân

    Daily Mail đưa tin ngày 17/9, bà Raziye Yildirim sống ở thành phố Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nhập viện vì cơn đau bụng dữ dội. Các bác sĩ phát hiện 2 cây kim dài 5cm trong dạ dày bà. Được biết những cây kim này đã "thường trú" trong bụng bà Raziye Yildirim suốt 66 năm qua.

    “Lúc đó, cậu tôi chăm sóc tôi và nói với mẹ là tôi quấy khóc liên tục. Khi mẹ đến kiểm tra, bà thấy một số đầu kim nhô ra khỏi bụng tôi. Bà đã thét lên”, Yildirim kể.

    Mẹ của bà đã ngất xỉu tại chỗ. Ông bà ngoại đã đưa bà đến bệnh viện. Bác sĩ lúc ấy chỉ lấy ra được 1 cây kim. Đến tận 66 năm sau, bà lại nhập viện lần nữa vì hai cây kim trong dạ dày.

    Nhóm phẫu thuật của bác sĩ Ahmet Er sau đó đã lấy 2 cây kim trong bụng bà Yildirim ra ngoài và khắc phục luôn tình trạng dò ruột – da do những cây kim này gây da.

    Chồng tử vong, vợ nguy kịch vì uống rượu ngâm rễ cây

    Bệnh nhân D. nằm điều trị tại BV Đa khoa Lạng Sơn.

    Ngày 18/9, BV Đa khoa Lạng Sơn cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bà N.T.D. (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) bị ngộ độc rượu nguy kịch. Còn chồng bà đã tử vong trước khi đến BV do uống rượu ngâm rễ cây.

    Gia đình bệnh nhân cho biết, trước đó ông P. đi rừng và đào được một số rễ cây thuốc về ngâm rượu uống. Sau khi ngâm được vài tháng, vợ chồng đã quyết định lấy rượu ngâm ra uống.

    Sau khi uống được chừng 1 tiếng, bà D. thấy mệt, đau đầu nhiều, còn chồng nằm bất động trên giường. Gia đình gọi hỏi nhưng không thấy ông P. trả lời. Ngay lập tức gia đình đưa cả hai đến BV cấp cứu.

    Theo các bác sĩ, bệnh nhân D. nhập viện trong tình trạng đau đầu, nôn nhiều, da tái. Còn ông P. đã tử vong.

    Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu. Sau 1 tuần được điều trị tích cực, hiện tình tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.

    Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, tại các tỉnh miền núi, khu vực nông thôn người dân thường dùng  một số loại cây để ngâm rượu. Tuy nhiên, một số loại cây chứa độc, có hình dáng giống với cây thuốc nên khó phân biệt bằng mắt thường. Nếu ngâm rượu phải những cây độc này, khi uống sẽ có nguy cơ bị ngộ độc cao.

    Để đề phòng, người dân cần lưu ý hạn chế sử dụng rượu; tuyệt đối không uống các loại rượu ngâm thuốc không rõ nguồn gốc. Sau khi uống rượu, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu kéo dài, đau bụng, nôn nhiều, cần đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

    Thu Hằng(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-1992018-me-do-nhat-nam-khuyen-phu-huynh-khong-nen-khen-con-gioi-a244488.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan