+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/10/2018: Mai Phương rạng rỡ đưa con gái về thăm quê sau thời gian dài chữa bệnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/10/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 18/10/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/10/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 18/10/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Mai Phương rạng rỡ đưa con gái về thăm quê

    Trưa 17/10, Mai Phương vui vẻ chia sẻ hình ảnh cô cùng con gái cưng về thăm quê nội. Nữ diễn viên cho biết, đây là lần đầu cô cho con gái về thăm quê nội.

    "Cho con cảm nhận được cái nắng gay gắt và khô cằn của vùng đất Quảng Trị nhưng cũng đầy sự chân thành ấm áp của tình làng nghĩa xóm.

    Mặc dù cả mẹ và bé mỗi lần nghe nói chuyện phải nhờ ông ngoại dịch lại dùm hoặc phải nghe lại mấy lần mới hiểu được, làn da của bạn nhỏ hơi sạm đi nhưng niềm vui khám phá dường như vẫn chưa hết, kệ cứ vui con nhé" - Mai Phương chia sẻ.

    Sức khỏe ổn định hơn, Mai Phương đưa con gái về thăm quê nội.

    Khoe những khoảnh khắc vui vẻ bên con gái, nữ diễn viên Hương phù sa cũng mong bản thân sẽ thật khỏe để có thể nắm tay đưa con gái đi nhiều nơi hơn. Trong loạt ảnh về thăm quê nội, có thể thấy Mai Phương trông đã khỏe hơn nhiều sau một thời gian dũng cảm chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi.

    Giữa tháng 8, thông tin Mai Phương mắc bệnh ung thư phổi khiến khán giả bất ngờ và cực kì lo lắng. Trong quá trình điều trị căn bệnh này, nữ diễn viên Những thiên thần áo trắng phải tiêm thuốc chống hủy xương. Dù phải chiến đấu với bệnh tật, cô vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, kiên cường.

    Nhờ đáp ứng tốt thuốc điều trị, Mai Phương tạm thời ngăn được tế bào ung thư phát triển và được bác sĩ cho phép xuất viện về nhà để điều trị ngoại trú. Trong trường hợp cần thiết, Mai Phương vẫn phải nhập viện theo chỉ định của bác sĩ.

    Trong suốt khoảng thời gian điều trị bệnh, con gái Lavie là động lực to lớn đối với Mai Phương. Thời điểm nữ diễn viên nhập viện điều trị, cũng có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ, tài trợ học phí cho bé Lavie để Mai Phương yên tâm chữa bệnh.

    Người đàn ông bị máy ép gạch nghiền nát bàn tay

    Ngày 17/10, thông tin từ bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hùng Vương, Yên Bái, cho biết nơi đây vừa tiếp nhận bệnh nhân LTD, 53 tuổi, quê Yên Bái nhập viện trong tình trạng bàn tay phải dập nát nham nhở, chảy nhiều máu, hai ngón bị đứt rời.

    Ngay lập tức bệnh nhân được vệ sinh vết thương và cầm máu. Kết quả chụp X-quang bàn tay phải cho thấy bệnh nhân bị gãy cụt phức tạp các xương bàn, ngón tay phải.

    Ảnh chụp X-quang bàn tay của bệnh nhân.

    Theo như người nhà bệnh nhân kể lại, bệnh nhân là công nhân làm việc tại một xưởng làm gạch bê tông. Do sơ xuất trong quá trình làm việc nên bị máy ép gạch nghiền vào tay. Máy có công suất rất lớn và nhanh nên không kịp cứu vãn. Sau khi bị tai nạn bệnh nhân được chuyển  ngay đến BV cấp cứu.

    Qua đây các BS cũng khuyến cáo, tai nạn lao động thường xuyên để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, vì vậy các cơ sở sản xuất cần đào tạo quy trình làm việc chặt chẽ cho công nhân. Người lao động cần được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ và cần thiết có hộp sơ cứu để xử lý sơ cứu khi có tai nạn xảy ra.

    Sau phẫu thuật hiện bệnh nhân được chuyển theo dõi tại khoa ngoại của BV.

    Việt Nam loại trừ được bệnh chân voi

    Hoạt động loại trừ bệnh chân voi ở Việt Nam đã nhận được hỗ trợ của WHO từ năm 2001. Kết quả loại bệnh chân voi của Việt Nam đã được WHO xem xét và đánh giá theo các chỉ tiêu thế giới.

    Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Trước đây, Việt Nam là nước có lưu hành bệnh chân voi với hàng triệu người dân sống trong vùng nguy cơ. Với sự hỗ trợ của WHO và các đối tác, với sự nỗ lực của hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương, đến nay Việt Nam đã đạt được mục tiêu Loại trừ bệnh chân voi như một vấn đề sức khoẻ cộng đồng. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tiến hành các bước giám sát đánh giá sau khi được công nhận loại trừ theo hướng dẫn của WHO để duy trì được thành quả trên”.

    Bệnh chân voi đã được loại trừ tại Việt Nam.

    Bệnh giun chỉ bạch huyết còn gọi là bệnh phù chân voi. Đây là bệnh do nhiễm ký sinh trùng từ muỗi lây truyền sang con người. Bệnh khiến cơ thể bị rối loạn bạch cầu, gây sưng chân, tay và các bộ phận khác, ảnh hưởng đến khả năng đi lại và sinh hoạt. Ngoài đau đớn và khuyết tật về thể chất, nhiều người còn bị ảnh hưởng về mặt xã hội, bị gia đình và cộng đồng xa lánh.

    Phòng bệnh chân voi chỉ bằng các biện pháp vệ sinh môi trường như xây dựng nhà ở cao ráo sạch sẽ, thoáng mát để hạn chế muỗi vào nhà. Loại bỏ vũng nước đọng, khơi thông cống rãnh để làm giảm sự sinh sản của muỗi, thả cá ở các ao bèo để diệt bọ gậy.

    Thực hiện vệ sinh cá nhân mặc quần áo kín khi lao động ban đêm nhất là vùng có nghề thủ công như làm chiếu, nằm màn tránh muỗi đốt. Phát hiện và điều trị người có bệnh. Thực hiện tốt chương trình quốc gia phòng chống bệnh chân voi bằng uống Diethylcarbamazine 1 tháng 1 đợt 3 ngày, mỗi ngày 6mg/kg điều trị cho mọi người lớn hơn 6 tuổi trong vài năm.

    Bị que xiên thịt nướng đâm xuyên phổi, vỡ đốt sống

    Thông tin từ bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, Hà Nội cho biết nơi đây vừa phẫu thuật lấy dị vật là một que xiên thịt bằng nứa sắc nhọn, dài 9 cm từ phổi một bệnh nhi là bé trai N.V.M (5 tuổi, quê Thái Bình).

    Trước đó, ngày 3/10, bệnh nhi được đưa tới BV Nhi Trung ương để khám viêm phổi. Khi chỉ định bệnh nhi chụp cắt lớp vi tính 128 dãy, các bác sĩ (BS) nhận thấy trên phim chụp có hình ảnh điểm vôi hóa cột sống. Cạnh đó còn có hình ảnh viêm phổi thùy bên phải nhưng không rõ có dị vật vì dị vật không cản quang.

    Theo gia đình bệnh nhi, từ đầu tháng 1/2018, trong lúc chơi đùa với bạn, M. đã bị chọc một que nứa vào vùng ngực bên phải. Sau tai nạn, bé M. chỉ rớm máu một chút ở da nách. Sau ba ngày, bé M. kêu đau bụng, đi khám tại BV địa phương thì được chẩn đoán viêm dạ dày nhẹ.

    Tháng 3/2018 là thời điểm bé M. mắc đợt viêm phổi đầu tiên nhưng điều trị ngoại trú một tuần thì khỏi bệnh. Hai tháng sau đó, bé lại lên cơn sốt và ho. Tại BV tỉnh, bé được BS chẩn đoán viêm phổi thùy. Đợt điều trị này kéo dài hai tuần.

    Theo BS Trương Việt Nga, chuyên khoa Hô hấp, BV Nhi Trung ương, người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhi M., qua hỏi thăm bệnh sử, các BS nhận thấy bệnh nhi có tiền sử viêm phổi tái diễn và nhận định hai khả năng: Một là bệnh nhi có dị dạng vùng phổi phải; hai là bệnh nhi có thể mắc dị vật (đây chính là nguyên nhân khiến trẻ mắc viêm phổi tái phát).

    Hình ảnh chụp vi tính cắt lớp sau đó cho thấy bệnh nhi có một dị vật dài nhọn kích thước 72x4 mm tại vị trí nhu mô thùy phổi ở thùy giữa phổi phải. Dị vật này đi từ trước ra sau, xuyên qua khe giữa hai thân đốt sống 6, 7 và làm vỡ thân đốt sống. Khi nằm lại trong cơ thể, dị vật gây phản ứng thâm nhiễm viêm trung thất sau quanh đốt sống 6, 7. Đây cũng là nguyên nhân khiến bé M. phải vào viện điều trị viêm phổi trong suốt tám tháng.

    Sau khi phát hiện dị vật trong cơ thể bệnh nhi, các BS đã hội chẩn và chỉ định phẫu thuật. Ca phẫu thuật đã lấy ra dị vật là một thanh nứa sắc nhọn dài 9 cm, loại que xiên thịt nướng.

    Thu Hằng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-18102018-mai-phuong-rang-ro-dua-con-gai-ve-tham-que-sau-thoi-gian-dai-chua-benh-a248009.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan