Phẫu thuật thành công cho cụ bà 109 tuổi bị ngã gãy xương đùi
Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, sáng ngày 17/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đơn vị vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân cao tuổi nhất từng được mổ tại đây.
Cụ thể, nữ bệnh nhân sinh năm 1914 ở Hòa Bình nhập viện do gãy kín liên mấu chuyển xương đùi. Theo lời kể của gia đình, trước vào viện 10 ngày, bệnh nhân tự ngã đập mông và đùi phải xuống nền cứng. Sau ngã, đau nhiều vùng mông và đùi phải, bệnh nhân khám tại bệnh viện tuyến trước được chẩn đoán gẫy kín liên mấu chuyển xương đùi phải, gia đình cho bệnh nhân điều trị Đông y không đỡ.
Sau đó, bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám và điều trị trong tình trạng vẫn đau nhiều vùng mông đùi phải, bất lực vận động chân phải. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy kín liên mấu chuyển xương đùi. Tiếp theo, tiến hành hội chẩn với khoa Gây mê hồi sức và thủ trưởng khối ngoại để đưa phương án điều trị phù hợp.
“Gẫy kín liên mấu là bệnh ngoại khoa thường gặp ở người cao tuổi. Việc phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân thoát khỏi đau đớn cũng như tình trạng bất động, phục hồi chức năng khớp háng và dần trở lại sinh hoạt bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, kết xương liên mấu chuyển là một phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề, công tác Gây mê hồi sức tốt và các phương tiện dụng cụ phức tạp khác nhau”, TS.BS Nguyễn Năng Giỏi, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Chủ nhiệm khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói.
Theo bác sĩ Giỏi, các bác sĩ từng phẫu thuật thành công cho nhiều bệnh nhân cao tuổi, trong đó có những cụ hơn trăm tuổi. Tuy nhiên, ca mổ này đặc biệt nhất bởi bệnh nhân đã 109 tuổi, cao tuổi nhất trong tất cả các bệnh nhân từng mổ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến nay và cũng là hiếm thấy ở Việt Nam. Vì thế, phương án phẫu thuật và điều trị được xây dựng tỉ mỉ dưới sự phối hợp giữa khoa Chấn thương chỉnh hình và Gây mê hồi sức.
Sau 1 giờ phẫu thuật, ca phẫu thuật diễn biến thuận lợi, bệnh nhân chuyển về phòng hậu phẫu khoa Chấn thương Tổng hợp. Sau mổ 6 giờ, bệnh nhân ngồi dậy và tập đi lại. Người bệnh đã tươi tỉnh hơn vì thoát khỏi đau đớn, toàn trạng hoàn toàn ổn định, vết mổ khô sạch.
Tổn thương tủy cổ vì sử dụng bóng cười liên tục 10 ngày
Báo Giao Thông dẫn thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, V.T.L.A (15 tuổi, trú tại Quảng Ninh) được gia đình đưa đến khám tại bệnh viện trong tình trạng tê bì hai tay, hai chân tê bì, yếu dần, đi lại khó khăn kèm theo sụt cân nhiều. Trước đó, bệnh nhân đã sử dụng bóng cười liên tục trong vòng 10 ngày, mỗi ngày khoảng 10 quả.
Tại bệnh viện, sau khám và chụp cộng hưởng, bệnh nhân được chẩn đoán bệnh rễ thần kinh tủy sống cổ, theo dõi do ngộ độc khí cười N20. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị tại khoa Thần kinh – Phục hồi chức năng.
Theo bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Bãi cháy đã tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí N2O do sử dụng bóng cười dài ngày. Các triệu chứng thần kinh chủ yếu thường gặp như tê bì, yếu hoặc yếu nhẹ tay chân, đi lại không vững có hoặc không có tổn thương tủy cổ…
Nếu sử dụng bóng cười nhanh và ít thì sẽ gây cười, hưng phấn thoáng qua. Nếu sử dụng N2O với số lượng lớn, trong thời gian dài ngày có thể gây nhiễm độc hệ thần kinh, tổn thương thần kinh từ não xuống tủy sống, đặc biệt tủy sống cổ và ngực. Người bệnh có thể bị rối loạn như cảm giác tê bì, yếu chi, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12…
Nghiêm trọng hơn thì gây ra ức chế, hôn mê, tụt huyết áp, tê liệt cơ thể, tử vong. Với những người bị bệnh về tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan tới đường hô hấp, nếu sử dụng và tiếp xúc với khí N2O thì có thể bị nguy hiểm tới tính mạng do ngạt khí, suy hô hấp.
Tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ cho 2 bệnh nhân
Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, mới đây các bác sĩ thuộc Đơn nguyên Ngoại Tiết Niệu, khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, đã thực hiện tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ cho 2 bệnh nhân.
Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân 38 tuổi, có sỏi san hô nguyên phát bên trái, kích thước 60x40x25 mm. Bệnh nhân được lấy sạch sỏi thông qua chỉ một đường mổ khoảng 0,5 cm.
Trường hợp thứ hai là sỏi san hô thứ phát trên nữ bệnh nhân 78 tuổi. Do quên không tái khám từ lần tán sỏi 2 năm trước đó, sỏi bám từ bàng quang kéo dài lên niệu quản, đài bể thận.
Với trường hợp này, nếu mổ hở cần rạch tối thiểu 2 đường mổ dài, tuy nhiên, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định xử lý sỏi cho người bệnh bằng phương pháp đường hầm nhỏ.
Bệnh nhân được tán sỏi qua 3 chặng: Nội soi tán sỏi bàng quang, sỏi niệu quản và cuối cùng là sỏi thận. Sau can thiệp tán sỏi, các bệnh nhân ít đau, hồi phục sớm, xuất viện chỉ sau 3 ngày can thiệp.
Đinh Kim(T/h)