5 người vượt hàng chục km hiến máu hiếm cứu sản phụ
Tờ Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, sản phụ D.T.A. (29 tuổi, Quảng Ninh) được chẩn đoán chẩn đoán đờ tử cung thứ phát sau sinh, cần được mổ cấp cứu ngay lập tức.
Nhận thấy sản phụ có máu cực hiếm, trưởng Khoa Huyết học - Vi sinh - Sinh học phân tử đã chủ động trực tiếp liên hệ với 5 tình nguyện viên trong tỉnh có cùng nhóm máu với bệnh nhân.
Ngay trong đêm, 5 tình nguyện viên đã vượt hàng chục km đã có mặt tại bệnh viện kịp thời hiến 5 đơn vị máu hiếm B/Rh(-) cho sản phụ. Nhờ đó, ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Theo thống kê của Hội Truyền máu quốc tế, trên thế giới, rất hiếm người thuộc nhóm máu Rh-, chỉ chiếm khoảng 0.04-0.07% dân số.
Trong các trường hợp khẩn cấp, cấp cứu, cần truyền máu do tai nạn, sự cố bất ngờ, việc liên hệ để huy động nguồn máu từ người thân, các tình nguyện viên là rất quan trọng vì thông thường tại đa số các bệnh viện thường không có sẵn hoặc nhiều các nhóm máu đó.
Đặc biệt trong sản khoa, các trường hợp cấp cứu, can thiệp thường phải huy động một lượng máu lớn, kịp thời. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo sản phụ khi xác định mình mang nhóm máu hiếm nên tìm hiểu, giữ liên lạc với những người, nhóm người có cùng nhóm máu.
Ngoài ra, các sản phụ nên thăm khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh có sẵn hoặc có mạng lưới hỗ trợ các nhóm máu đó để để chủ động dự phòng trong các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
Bóc tách thành công khối u mỡ “khổng lồ” cho người bệnh 58 tuổi
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, các bác sĩ khoa Răng hàm mặt Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u mỡ lớn xâm lấn sâu vùng cổ, vùng hàm mặt cho người bệnh.
Kiểm tra bệnh sử, bệnh nhân V.Đ.H. (58 tuổi) cho biết, bản thân bị u mỡ tại nhiều vị trí trên cơ thể và đã từng phẫu thuật cắt bỏ. Người bệnh cũng không nhớ rõ khối u mỡ tại cổ phát triển từ lúc nào nhưng khoảng vài năm trở lại đây, khối u mỡ phát triển nhanh ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến sinh hoạt của bẹnh nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đã hội chẩn và nghĩ nhiều người bệnh bị bệnh Madelung. Đây là một bệnh về da đặc trưng bởi sự tích tụ mỡ sâu và rộng đối xứng ở những vùng da đầu, cổ. Bệnh tương đối hiếm gặp, tỷ lệ ở nam cao hơn nữ. Các bác sĩ đã thống nhất tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u cho người bệnh.
Theo bác sĩ CKII Vũ Văn Thanh - Trưởng khoa Răng hàm mặt Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, các bác sĩ đã phải mất rất nhiều thời gian mới có thể bóc tách và cắt bỏ khối u mỡ cho người bệnh. Lý do là vì khối u mỡ đã lớn xâm lấn sâu vùng cổ, vùng hàm mặt.
Việc phẫu thuật cũng gặp nhiều khó khăn do vùng cổ có các mạch máu, thần kinh và nhiều tổ chức quan trọng. Kíp phẫu thuật đã phải rất thận trọng cùng sự hỗ trợ của những thiết bị, dụng cụ hiện đại bóc tách khối u một cách khéo léo, hạn chế tối đa chảy máu.
Sau hơn 3 giờ, ca phẫu thuật diễn ra thành công, khối u mỡ lớn kích thước 4x8x25cm đã được các bác sĩ bóc tách và cắt bỏ. Hiện sức khỏe người bệnh ổn định, vết mổ khô. Bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Người phụ nữ 47 tuổi bị phù toàn bộ cánh tay
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai cho biết, nữ bệnh nhân N.T.B.N. (47 tuổi, Đồng Nai) được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trong tình trạng phù bạch mạch độ 3 tay phải.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Quốc Lữ - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, người bệnh bị phù từ cánh tay tới bàn tay, phù mềm ấn lõm không trở lại bình thường. Trước đó, người phụ nữ từng phẫu thuật ung thư vú, nạo hạch.
Ca phẫu thuật với 2 ekip đã tiến hành mổ cùng lúc dưới sự hỗ trợ của bác sĩ CKII Nguyễn Cao Viễn - Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM).
Một ekip mổ lấy vạt ở bẹn của bệnh nhân có chứa hạch bạch huyết. Ekip còn lại mổ động mạch và tĩnh mạch ở vùng trên khuỷu tay, lấy vạt ở bẹn lên và khâu nối động mạch và tĩnh mạch lại để nuôi sống vạt bẹn.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 4 giờ. Sau mổ, vạt nối các động mạch hồng hào, có sự đàn hồi tốt. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi.
“Đây là ca mổ khó vì vừa phải áp dụng kỹ thuật vi phẫu, vừa nối động mạch, nối tĩnh mạch. Kích thước mạch bạch huyết chỉ 0,1 mm đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật vi phẫu có kinh nghiệm, sự tập trung cao độ và trang thiết bị hiện đại”, Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời bác sĩ Lữ.
Được biết, đây là ca phẫu thuật bệnh phù bạch mạch đầu tiên được thực hiện tại Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là đơn vị thứ 3 của cả nước tiến hành phẫu thuật bệnh này. Trước đó, cả nước chỉ có Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) phẫu thuật được trường hợp bị phù bạch mạch huyết.
Đinh Kim(T/h)