Nhiễm trùng nặng sau điều trị rạn da ở spa
Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận và chỉ định nhập viện một trường hợp nhiễm trùng nặng sau điều trị rạn da tại một cơ sở spa, theo báo Phụ Nữ Việt Nam.
Cụ thể, bệnh nhân T.T.H. (24 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng vùng da hai bên trong đùi có nhiều vết trợt loét, bề mặt đóng mài đen dày, mưng mủ, chảy máu.
Trước đó, bệnh nhân đã đến một cơ sở spa để điều trị rạn da vùng đùi với chi phí 8 triệu đồng, được cam kết sẽ điều trị hết các vết rạn sau khoảng 3-6 tháng. Tại đây, bệnh nhân được bôi tê và thực hiện điều trị rạn da bằng phương pháp đốt điện. Tuy nhiên sau đó, các vết đốt mưng mủ, chảy máu, đóng mài dày…, gây đau đớn, không thể tự đi lại, sinh hoạt được.
Bác sĩ CK1 Phạm Ngọc Trâm – khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM chia sẻ, dựa trên tình trạng da của bệnh nhân có những vết loét sâu ở hai bên đùi, đóng mài đen dày, chảy máu và dịch mủ, chứng tỏ rằng cơ sở thực hiện đã can thiệp bằng những phương pháp xâm lấn rất sâu vào trong mô, gây ra tình trạng tổn thương da rất sâu cộng với việc chăm sóc vết thương sau khi đốt dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
Khả năng sau điều trị, nguy cơ hình thành sẹo xấu và tăng sắc tố sau viêm rất cao. Tại bệnh viện, người bệnh được điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch, kháng viêm, giảm đau và chăm sóc vết thương tại chỗ. Sau gần 1 tuần điều trị, các vết thương bong mài, lên da non, bệnh nhân đã được xuất viện.
Cắt bỏ thành công khối u quái che nửa khuôn mặt cụ bà 73 tuổi
Báo Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, nữ bệnh nhân V.T.N (73 tuổi, quê Thái Bình) nhập viện trong tình trạng có u dị dạng che nửa khuôn mặt. Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, bệnh nhân được chẩn đoán là u xơ thần kinh bẩm sinh. Khối u che nửa khuôn mặt, chèn ép hỏng một bên mắt và ăn sâu vào một nửa xương sọ, trán, thái dương dẫn đến thoát vị não.
Với tình trạng phức tạp của ca bệnh, các chuyên gia của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Mắt Trung ương đã cùng đưa ra phương án phẫu thuật chi tiết. Do khối u nằm ở các vị trí phức tạp mà bệnh nhân lại tuổi cao, áp huyết cao, sức khỏe suy kiệt, mang bệnh hiểm nghèo, tất cả các tình huống trong quá trình phẫu thuật đều phải được dự liệu.
Trong cuộc phẫu thuật, các bác sĩ sử dụng dao siêu âm, cắt bỏ khối dị dạng và tái tạo lại chỗ tổn khuyết. Đây là một trong những thiết bị phẫu thuật hiện đại, đảm bảo vừa cắt khối u vừa cầm máu tốt. Ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng, sức khỏe bệnh nhân hiện đã ổn định. 6 tháng sau mổ, bệnh nhân sẽ được thăm khám lại và tạo hình hộp sọ, mắt.
Chia sẻ về ca bệnh, PGS.TS Lê Ngọc Tuyến - Trưởng khoa Phẫu thuật – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho hay, đây là trường hợp khó với nhiều nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật. Người bệnh có khối u quá lớn, trước mắt các bác sĩ tiến hành cắt bỏ phần u lớn hiện diện trên khuôn mặt bệnh nhân vùng trán và thái dương. Vấn đề khó khăn nhất là gây mê do bệnh nhân bị huyết áp cao, phình động mạch, sức khỏe suy kiệt.
PGS.TS Nguyễn Quang Bình - Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương nói thêm, ekip phải dùng phương tiện đặc biệt để đọc được khí quản cho bệnh nhân bằng việc nội soi. Trong quá trình gây mê, phải duy trì được mức huyết áp tốt vì bệnh nhân có thể phạm vào não gây nên tình trạng phù nề não sau mổ.
Bé gái tắm ao bị đỉa chui vào vùng kín
Theo báo Phụ Nữ Việt Nam, bác sĩ Trần Thành Công - khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết, nơi đây vừa hỗ trợ bé gái 8 tuổi bị con đỉa lớn chui vào vùng kín.
Gia đình kể trước đó bệnh nhi đã tắm ao tại nhà, sau đó cha mẹ phát hiện bé bị chảy máu từ vùng kín. Khi kiểm tra, gia đình phát hiện một con đỉa lớn trong vùng kín của cô. Tuy người lớn đã lấy con đỉa ra nhưng máu vẫn tiếp tục chảy ra từ vùng kín nên bệnh nhi được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê thăm khám.
Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ tiến hành xử lý lấy máu tụ trong âm đạo, làm sạch cục máu đông, tẩm thuốc cầm máu. Sau 30 phút, không có máu chảy ra từ âm đạo, bệnh nhi được được về phòng theo dõi và được xuất viện.
Bác sĩ Công chia sẻ, với trường hợp của bệnh nhi này, bên cạnh việc cầm máu, các bác sĩ còn phải đảm bảo không làm tổn thương màng trinh của trẻ. Hiện tượng chảy máu liên tục xảy đến là do khi hút máu, miệng đỉa tiết ra chất làm rối loạn đông máu tại chỗ khiến máu không thể đông.
Từ trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo các gia đình có con nhỏ cần giáo dục, hướng dẫn và chăm sóc trẻ, không để trẻ tự ý tắm ở các vùng ao, hồ, suối. Nếu có biểu hiện bất thường ở vùng mũi, họng hoặc bộ phận sinh dục có ra máu sau khi tắm sông, gia đình cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời, đúng cách.
Đinh Kim(T/h)