Đi khám vì đau lưỡi, người phụ nữ phát hiện mắc ung thư
Jackie Burch (30 tuổi, ở bang California, Mỹ) gặp người chồng tên Tobia, một phi công, vào tháng 12/2016. Cô nhận ra niềm đam mê với ngành hàng không sau khi thấy Tobias chế tạo một chiếc máy bay.
Tobias đã đề nghị trả tiền học bay cho Jackie nhưng mọi chuyện đột ngột bị dừng lại khi Jackie phát hiện ra điều bất thường trên lưỡi của mình. Cô bị đau lưỡi vào tháng 12/2019 nên đã đến gặp bác sĩ ở New Zealand, nơi cô đang sống vào thời điểm đó.
Bệnh viện đề nghị cô tiếp tục theo dõi và bắt đầu tiêm steroid cùng uống thuốc để loại bỏ khối u khi cô trở về Mỹ. Thế nhưng, vết loét không cải thiện dù Jackie đã áp dụng phương pháp điều trị trên.
Express đưa tin, Jackie đã làm sinh thiết vào tháng 4/2020. Kết quả cho thấy cô bị ung thư biểu mô tế bào vảy. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), đây là loại ung thư khoang miệng phổ biến nhất, chiếm 90% các trường hợp.
Sau đó, người phụ nữ đã trải qua cuộc phẫu thuật để loại bỏ khối u vào tháng 11/2020. Hai tháng sau, khối u quay trở lại, khiến cô phải mổ thêm 2 lần nữa vào tháng 1/2021.
"Thật khủng khiếp khi trải qua điều đó. Lúc khối u mọc trở lại trên lưỡi, tôi thực sự sợ hãi. Lưỡi của tôi bị nghẹn. Giọng nói của tôi cũng thay đổi”, Jackie chia sẻ.
Bất chấp vấn đề sức khỏe, người phụ nữ vẫn hoàn thành khóa đào tạo bay của mình, lấy được bằng phi công. Cô thích lái chiếc máy bay hạng nhẹ do chồng chế tạo. Khi đó, cô cảm thấy được tự do dù vẫn đang bị ung thư.
“Lưỡi và nụ cười của tôi bị méo xẹo. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi đang làm chính xác những gì tôi muốn trong đời mình”, cô tâm sự. Bệnh tình của Jackie đã thuyên giảm nhưng cô được thông báo khối u có khả năng quay trở lại.
Người phụ nữ 50 tuổi nhiễm ký sinh trùng ở chó
Theo báo Dân Trí, bác sĩ Đặng Ngọc Tuyên – khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa phát hiện một bệnh nhân nhiễm loại ký sinh trùng thường xuất hiện trong ruột non của chó.
Cụ thể, bệnh nhân là bà H.D. (50 tuổi, ngụ tại Cà Mau). Cách nhập viện 1 tháng, bà D. đau âm ỉ khắp bụng kèm nôn nhiều lần, tiêu lỏng, bụng cứ to dần lên. Bà cho biết đã bị báng bụng (bụng phình to vì ứ dịch) nhiều lần trong khoảng 15 năm qua, từng vào việc 4 lần khác nhau để điều trị nhưng tình trạng không dứt.
Lần này, người bệnh cũng đến các bệnh viện tại Cà Mau và Cần Thơ khám, uống thuốc nhưng bệnh vẫn không giảm. Đến cuối tháng 2, bệnh nhân vào khoa Cấp cứu của Bệnh viện Lê Văn Thịnh với tình trạng bụng phình nhiều, nôn ói, tiêu chảy, đau.
Bệnh nhân được chuyển lên khoa Nội tổng hợp với chẩn đoán viêm dạ dày cấp, được chỉ định xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh, chọc dịch màng bụng phân tích, xét nghiệm lao. Kết quả xét nghiệm phát hiện tình trạng tăng bạch cầu ái toan trong dịch màng bụng lẫn trong máu, có dịch ổ bụng lượng nhiều kèm viêm ruột.
Quá trình điều trị, bệnh nhân ít đáp ứng. Tình trạng bụng phình to khiến bệnh nhân tức ngực, khó thở, tiêu chảy và đau bụng nhiều. Vì triệu chứng trên có rất nhiều nguyên nhân, người bệnh phải tiến hành nhiều xét nghiệm khác nhau để tìm nguyên nhân. Bên cạnh đó, người bệnh có nhiều yếu tố gây nhiễu thông tin.
Theo dõi hồ sơ bệnh sử, bác sĩ nhận thấy cách đây 4 năm, bệnh nhân đã phẫu thuật nội soi ổ bụng và cắt túi mật, xét nghiệm có giun đũa chó. Các bác sĩ không loại trừ nguyên nhân bà bị tái phát ký sinh trùng này dẫn đến đầy bụng, nôn ói.
Đến đầu tháng 3, kết quả xét nghiệm ký sinh trùng xác nhận bệnh nhân dương tính với giun đũa chó. Từ đó, bác sĩ tiến hành phối hợp điều trị kháng viêm và thuốc điều trị giun đũa chó theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau 2 tuần điều trị, tình trạng người bệnh tốt lên nhanh chóng và xuất viện.
Nhân viên phòng khám thú y bị chó nghi dại cắn
Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận một nhân viên phòng khám thú y bị chó nghi dại cắn, theo VTV News. Cụ thể, trong lúc đang chăm sóc cho con chó Nhật khoảng 9 tháng tuổi, chị P.T.A.T. (21 tuổi, trú tại phường Quang Vinh, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) - nhân viên phòng khám thú y Cao Thọ tại thị trấn Trảng Bom bị chó cắn vào ngón tay cái.
Sau khi cắn, con chó có biểu hiện lên cơn co giật, tự cắn lưỡi, chảy máu miệng nên được chị T. nhốt lại và báo người nhà đến mang về. Tới tối cùng ngày, con chó chết nên người nhà đã báo cơ quan chức năng. Hiện chị T. đã được tiêm ngừa huyết thanh và vaccine phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai.
Anh T.M.P – chủ nuôi cho cho hay, trước đó vào ngày 9/3, do con chó trên có biểu hiện mệt, ủ rũ, bỏ ăn nên anh mang cho đến phòng khám Cao Thọ để thăm khám, điều trị và được nhân viên tư vấn giữ lại để theo dõi.
Ngày 10/3, anh được nhân viên phòng khám thông báo chó có biểu hiện dại, đã cắn 1 nhân viên phòng khám nên anh đến và mang về nhà. Tối cùng ngày, con chó bị chết nên anh đã báo cho cơ quan chức năng, hai con chó còn lại hiện đang được anh nuôi nhốt và tiếp tục theo dõi.
Theo anh P., trước đó 10 ngày, anh đã tự mua vaccine và tiêm cho cả 3 con chó trên. Thường ngày anh cũng có thói quen thả rông chó và không rọ mõm, hiện cả gia đình anh cũng đã đi tiêm ngừa vaccine phòng dại.
Sau khi tiếp nhận thông tin, CDC Đồng Nai đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom phun khử trùng khu vực nhà anh P. và khu vực lân cận, tiến hành điều tra dịch tễ những người nghi có tiếp xúc để hướng dẫn các biện pháp dự phòng.
Ông Bùi Văn Mạnh, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Đồng Nai chia sẻ, sau khi tiếp nhận thông tin, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành xuống nhà anh P. để lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại, đồng thời tiến hành khử khuẩn, chôn lấp con vật trên theo quy định, đồng thời tiến hành các biện pháp điều tra, xác định nguyên nhân, nguồn gốc dịch bệnh.
Ông Mạnh cũng khuyến nghị UBND xã Tây Hòa tăng cường tuyên truyền về bệnh dại để người dân biết cách phòng tránh. Bên cạnh đó, tiến hành thống kê đàn chó mèo trên địa bàn xã để tổ chức tiêm phòng dại, theo dõi chặt chẽ hai con chó còn lại, nếu phát hiện có biểu hiện bệnh cần báo ngay cho chính quyền địa phương và trạm thú y huyện để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch trên địa bàn xã.
Đinh Kim(T/h)