Cô gái 23 tuổi tự ti vì mắc chứng đổ mồ hôi tay
Bệnh viện Việt Đức cho biết các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Nội soi của đơn vị này vừa sử dụng phương pháp mổ nội soi lồng ngực đốt hạch giao cảm để phẫu thuật thành công cho bệnh nhân T.N.A (23 tuổi, ở Vĩnh Phúc) bị tăng tiết mồ hôi tay, theo báo An Ninh Thủ Đô.
Được biết, bệnh nhân sở hữu ngoại hình xinh xắn và có công việc ổn định nhưng vẫn thường tự ti vì chứng đổ mồ hôi tay. Người bệnh có tiền sử hay ra mồ hôi tay từ khi còn là học sinh, tuy nhiên vì ít ảnh hưởng đến cuộc sống và không để ý nên để việc tăng tiết mồ hôi tay kéo dài đến tận bây giờ.
Từ khi đi làm, công việc thông dịch viên yêu cầu phải tiếp xúc nhiều, lúc này bệnh nhân mới nhận thấy việc ra mồ hôi tay ảnh hưởng đến sinh hoạt của mình, khiến cô ngại bắt tay và tiếp xúc với người khác, làm mất đi sự tự tin. Chuyện này khiến bệnh nhân bỏ lỡ nhiều cơ hội trong công việc và cuộc sống.
Khi xúc động, căng thẳng, mồ hôi ở tay bệnh nhân chảy thành giọt, đôi khi phải dùng khăn lau liên tục, làm cô ngày cảm thấy áp lực và khó chịu. Tại bệnh viện, người bệnh được chẩn đoán bị đổ mồ hôi tay độ 3. Các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật cho người bệnh bằng phương pháp mổ nội soi ngực đốt hạch giao cảm.
Các phẫu thuật viên tiếp cận lồng ngực người bệnh bằng 2 đường vào rất nhỏ khoảng 5mm. Với phòng mổ và các phương tiện phẫu thuật nội soi hiện đại, bác sĩ có thể đánh giá các tạng trong lồng ngực, đồng thời xác định chính xác vị trí các hạch giao cảm để đốt cắt. Chỉ 1 ngày sau ca mổ, bệnh nhân được ra viện, trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc bình thường, bàn tay hoàn toàn khô ráo.
Lấy cây kéo và thanh kim loại trong dạ dày bệnh nhân
Theo báo Tin Tức, tối ngày 12/7, bệnh nhân N.T.T.V (43 tuổi, trú tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôi ói nhiều. Người nhà cho biết bệnh nhân mới phát bệnh tâm thần nên tâm lý không ổn định, trước đó đã nuốt dị vật lớn.
Qua kiểm tra, chụp X-Quang, các bác sĩ phát hiện trong dạ dày bệnh nhân có 2 dị vật kích thước lớn và chỉ định phẫu thuật nội soi khẩn cấp. Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ lần lượt lấy ra dị vật là một cây kéo cắt chỉ có 2 đầu sắc nhọn và một thanh kim loại khoảng 7cm trong dạ dày của bệnh nhân.
Bác sĩ Huỳnh Phúc Hưng, Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, chia sẻ do dị vật là chiếc kéo cắt chỉ có 2 cạnh sắc nhọn, kích thước lớn, không có điểm tựa để dụng cụ kéo dị vật nên các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, 2 mũi của chiếc kéo sắc nhọn đã đâm thủng một phần dạ dày của bệnh nhân, vì thế các bác sĩ phải tiến hành kẹp chỗ dạ dày bị thủng và theo dõi xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh may mắn được gia đình đưa đến viện cấp cứu sớm. Nếu không được can thiệp kịp thời thì sẽ có nguy cơ thủng đường tiêu hóa, dị vật gây tắc ruột, đâm thủng mạch máu gây xuất huyết nguy hiểm tới tính mạng.
Vì dị vật là vật sắc nhọn nên sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn được theo dõi xuất huyết và thủng dạ dày. Đến ngày 14/7, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, bắt đầu ăn uống tốt, dự kiến xuất viện trong 2 ngày tới.
Cứu bệnh nhân bị bóc tách động mạch chủ ngực - bụng
Theo thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, đơn vị này vừa phẫu thuật cứu sống thành công một trường hợp bị bóc tách động mạch chủ ngực - bụng và tắc động mạch treo tràng dưới nghiêm trọng.
Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, bệnh nhân là N.V.H. (51 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu). Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long với tình trạng đau bụng trên rốn, cơn đau ngày càng tăng, có tiền sử tăng huyết áp.
Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận bị bóc tách động mạch chủ ngực – bụng, tắc động mạch treo tràng dưới, hẹp khoảng 90% động mạch chủ bụng. Bệnh nhân được chẩn đoán đoạn bóc tách từ ngực đến bụng doạ vỡ, tắc động mạch treo tràng dưới và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật Hybrid, tức cùng lúc vừa phẫu thuật, vừa can thiệp đặt Stent-Graft, chuyển vị 2 nhánh động mạch vùng cổ trái, can thiệp động mạch chủ ngực - bụng bằng Stent-Graft qua da tại đoạn bóc tách của động mạch chủ ngực - bụng. Dưới sự trợ giúp của hệ thống DSA, hệ thống dẫn và Stent được đưa vào đúng vị trí tổn thương mạch máu, giúp tái tạo thành động mạch bị tổn thương, làm cho thành động mạch chủ cứng cáp hơn, không bị vỡ; đồng thời điều chỉnh dòng chảy đúng với sinh lý hơn và không tạo ra một túi phình nữa.
Ca mổ được thực hiện trong gần 4 tiếng, chỗ bóc tách động mạch chủ ngực - bụng được giải quyết, bệnh nhân được theo dõi hồi sức tim mạch, sức khỏe chuyển biến tốt, chỉ số sinh hiệu ổn định.
Đinh Kim (T/h)